Việc một phụ nữ đứng đầu tổ chức toàn cầu với 193 thành viên sẽ là một thông điệp rất mạnh mẽ về sự bình đẳng thực sự mà người dân trên thế giới đều đang mong mỏi. Tuy nhiên, theo Rafi, kể cả khi việc này thất bại thì xu hướng thúc đẩy phụ nữ nắm quyền và giữ vị trí lãnh đạo trong các tổ chức quốc tế cũng sẽ không dừng lại.
Phụ nữ chưa thực sự nắm quyền
Thế giới có vẻ như vẫn đang bất bình đẳng khi những nhà lãnh đạo hầu hết đều là nam giới. Theo số liệu của UN Women, tính đến tháng 1-2015, chỉ có 19 nhà lãnh đạo quốc gia hoặc chính phủ là phụ nữ. Nhưng trong hầu hết trường hợp, phụ nữ nắm quyền lực trong vòng chưa đầy bốn năm - theo Trung tâm nghiên cứu Pew. Trong khi đó các nghiên cứu xác nhận rằng phụ nữ vẫn phải dấn thân vào các trận chiến khốc liệt để có được vị trí lãnh đạo cấp cao trong nhiều ngành. Chỉ có 5% các giám đốc điều hành tại Mỹ là phụ nữ - theo Fast Company.
Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy phụ nữ làm lãnh đạo tốt hơn nam giới khi đánh giá dựa trên một loạt các số liệu. Trong một nghiên cứu được tiến hành bởi Harvard Business Review, 7.280 các nhà lãnh đạo từ hàng loạt tổ chức đã được đánh giá dựa trên 16 kỹ năng được cho là quan trọng nhất đối với hiệu quả lãnh đạo. Phụ nữ đạt điểm cao hơn nam giới trong 12/16 kỹ năng. Nghiên cứu cũng tiết lộ rằng phụ nữ nâng cao kỹ năng lãnh đạo của họ khi về già.
Phụ nữ chiếm một nửa dân số thế giới nhưng chỉ nắm giữ khoảng 25% các vị trí cao nhất trong Ban Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ), mặc dù cơ quan này đã tuyên bố về mục tiêu bình đẳng giới. Trong nhiệm kỳ bầu cử mới này, những người ủng hộ và các đại sứ đã bắt tay với nhau và công khai ủng hộ việc một phụ nữ nắm quyền lực cao nhất. Chiến dịch WomenSG được khởi động nhằm thúc đẩy nhiệm vụ này. Chiến dịch đã PR cho các đại diện tiêu biểu nhất của phái yếu từ khắp nơi trên thế giới, nỗ lực đưa ra những ứng viên tiềm năng, đáp ứng đủ các điều kiện. Đây chính là cơ hội để năng lực của người phụ nữ được nhìn nhận công bằng hơn.
Trong số tám ứng cử viên tổng thư ký LHQ hiện nay có tới bốn người là phụ nữ (từ trái sang, hàng trên): Irina Bokova, Helen Clark, Natalia Gherman, Vesna Pusić.
Bốn gương mặt phụ nữ xuất sắc
Ứng cử viên tổng thư ký được đề xuất bởi các nước thành viên. Tiêu chuẩn đưa ra là những người có kinh nghiệm trong tổ chức quốc tế lớn hoặc nắm vai trò lãnh đạo quốc gia. Người được chọn sẽ trở thành “giám đốc hành chính” của LHQ, thiết lập các chương trình nghị sự của tổ chức, có khả năng đưa các vấn đề đáng chú ý ra trước Hội đồng Bảo an. Các tổng thư ký trước đây từng tập trung vào các vấn đề khác nhau, từ việc giải quyết đói nghèo đến biến đổi khí hậu. Chức vụ này còn đi kèm với tầm ảnh hưởng rộng lớn. Họ có thể dùng uy tín của mình để vận động cho bình đẳng giới và làm việc với các nhà lãnh đạo trên thế giới như là một bên trung gian để giải quyết các vấn đề, các cuộc xung đột trên toàn cầu.
Một số chuyên gia hy vọng rằng nếu một người phụ nữ đứng lên cầm lái, vấn đề ngăn ngừa xung đột và gìn giữ hòa bình sẽ được tập trung nhiều hơn. Điều này rất cần thiết khi vào thời điểm hiện tại LHQ đang dính đến các vụ bê bối lạm dụng tình dục của lực lượng gìn giữ hòa bình mà Tổng Thư ký đương nhiệm Ban Ki-moon mô tả nó như “một căn bệnh ung thư trong hệ thống của chúng tôi”. Tiếp đó, LHQ còn phải đối đầu với thách thức ngày càng gia tăng của chủ nghĩa khủng bố và đối mặt với cuộc khủng hoảng người tị nạn trên toàn cầu. Bên cạnh việc xử lý tốt hơn các vấn đề trên, sự lãnh đạo của một người phụ nữ còn giúp các vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới phụ nữ và trẻ em gái như tiếp cận giáo dục và trao quyền kinh tế được quan tâm thích đáng, đấu tranh vì những người yếu thế và dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.
Có tới bốn ứng cử viên nữ hiện nay cho chức vụ tổng thư ký LHQ. Ứng cử viên sáng giá nhất hiện nay là bà Irina Bokova - Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO), người Bulgaria. Bà tuyên bố tập trung vào bình đẳng giới, giáo dục, chống phân biệt chủng tộc và ngăn chặn việc buôn lậu hàng hóa qua biên giới.
Ứng cử viên thứ hai là bà Helen Clark - Giám đốc Chương trình phát triển LHQ (UNDP) và là cựu thủ tướng New Zealand. Bà đã giúp tổ chức UNDP hoạt động hiệu quả trong việc giải quyết vấn đề đói nghèo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, nâng cao vị thế cho phụ nữ và trẻ em.
Tiếp đó là Phó Chủ tịch Nghị viện Croatia - bà Vesna Pusić. Bà là một nhà hoạt động nữ quyền tích cực, nỗ lực vận động giúp Croatia hội nhập châu Âu, bảo vệ quyền cho cộng đồng người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới (LGBT).
Cuối cùng là bà Natalia Gherman - cựu Ngoại trưởng Moldova. Cũng như các ứng viên trên, bà cũng lựa chọn vấn đề bình đẳng giới làm trọng tâm tranh cử.
Các ứng cử viên còn lại là ông Antonio Guterres - cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha và cựu Cao ủy LHQ về người tị nạn; ông Srgjan Kerim - cựu Ngoại trưởng Macedonia và cựu Chủ tịch Đại hội đồng LHQ; ông Danilo Turk - cựu Tổng thống Slovenia; và ông Igor Luksic - Ngoại trưởng Montenegro hiện nay.
Tám người từng giữ chức vụ tổng thư ký LHQ đến từ các khu vực Tây Âu, Đông Nam Á, Nam Mỹ, châu Phi và Đông Á. Vị trí này được xoay vòng giữa các khu vực nên các ý kiến cho rằng tổng thư ký LHQ tiếp theo nên đến từ Đông Âu. Và có tới hai ứng cử viên nữ tới từ Đông Âu là bà Irina Bokova và bà Vesna Pusić.
Nhiều hy vọng về một nữ tổng thư ký
Từ trước tới nay, quá trình bầu cử đều được tiến hành bí mật, liên quan đến vận động chính trị hành lang khiến một số người nghi ngờ rằng phụ nữ bị gây bất lợi. Để cuộc bầu cử được minh bạch hơn, lần đầu tiên trong lịch sử hơn 70 năm thành lập của LHQ, các ứng cử viên cho vị trí tổng thư ký phải chứng tỏ năng lực bản thân qua các phiên chất vấn công khai trực tiếp trước toàn thế giới, thay vì quy trình lựa chọn kín do Hội đồng Bảo an LHQ thực hiện. Dù quyền lựa chọn ứng cử viên tổng thư ký cuối cùng vẫn thuộc về Hội đồng Bảo an nhưng nó vẫn gây tác động đáng kể tới quyết định cuối cùng.
“Bình đẳng luôn luôn là một trong những nguyên tắc trọng tâm của LHQ” - Antonia Kirkland, một quản lý chương trình tại tổ chức Equality Now, phát biểu. Đây là tổ chức nhân quyền đầu tiên phát động một chiến dịch nhằm thúc đẩy việc một phụ nữ lên làm tổng thư ký gần 20 năm trước. “Cho đến khi một người phụ nữ nắm giữ vị trí đó, chúng ta sẽ không thể biết được bà sẽ phản ứng như thế nào trước các sự việc và các bê bối mà LHQ có liên quan. Chúng ta cần phải đưa một ai đó lên để thấy được mọi thứ có thể thay đổi như thế nào”.
Có vẻ như đây chính là thời điểm để nữ quyền lên ngôi. “10 hoặc 20 năm trước đây, điều này có vẻ như bất khả thi, do phụ nữ trên toàn thế giới đang cần thời gian để tạo dựng sức mạnh của họ, chờ đợi đến lúc mà họ sẵn sàng đứng lên lãnh đạo. Giờ đây không thể lập luận rằng phụ nữ không đủ trình độ” - Jean Krasno, giáo sư tại ĐH Colin Powell ở New York, đồng thời là chủ tịch của chiến dịch bầu cử nữ tổng thư ký LHQ, trả lời NBC News.
Sẽ tốt cho kinh tế toàn cầu Sự ra đời của tổ chức UN Women vào năm 2010 với nhiệm vụ thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền đã giúp các cuộc thảo luận đặt trọng tâm nhiều hơn về vai trò của người phụ nữ trong việc giải quyết các xung đột quốc tế. “Tôi thấy nhiều nỗ lực hơn trong việc kiến tạo, xây dựng hòa bình và ngăn chặn xung đột nếu một người phụ nữ tham gia vào công việc. Điều này sẽ tốt cho nền kinh tế toàn cầu” - Shazia Rafi, một thành viên trong chiến dịch WomenSG, phát biểu. |