Ngày 13-5, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ TT&TT, Trung tá Vũ Trọng Nghĩa, Phó trưởng Phòng 5, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an đặt vấn đề: “Từ năm 2024 đến nay, tại sao các đối tượng lừa đảo trực tuyến lại hoạt động một cách công khai, ngang nhiên như thế, gần như thách thức lực lượng chức năng Việt Nam”.
Trung tá Vũ Trọng Nghĩa cho biết, luật pháp chúng ta đang trong quá trình xây dựng để kiểm soát được các tài khoản định danh của những tài khoản xuyên biên giới.
Trên cơ sở đó, chúng ta mới có căn cứ để yêu cầu cung cấp các tài khoản xuyên biên giới cũng như tài khoản mạo danh cơ quan chức năng, mạo danh tổ chức, cơ quan doanh nghiệp, nhà nước.
Ông Nghĩa cho hay, các đối tượng lừa đảo bây giờ có cách thức thủ đoạn thay đổi so với ngày xưa.
“Bây giờ các đối tượng hoạt động manh động hơn, thậm chí có sự câu kết trong nước và nước ngoài, lấy biên giới, lấy địa bàn của quốc gia lân cận ngoài Việt Nam làm địa điểm, hoạt động vi phạm pháp luật” - Trung tá Nghĩa nói.
Cũng theo ông Nghĩa, quá trình điều tra, truy vết các đối tượng phạm tội cũng cần có sự hợp tác quốc tế với các quốc gia.
Cũng tại họp báo tháng 5, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) đã trả lời báo chí về việc xử lý vấn đề SIM rác.
Theo ông Nhã, các doanh nghiệp đã nghiêm túc thực hiện quy định về việc phát triển thuê bao mới, mặc dù vậy, vẫn còn tình trạng SIM rác được phản ánh từ một số cơ quan báo chí và người sử dụng.
Đồng hành cùng Cục Viễn thông, các doanh nghiệp đã rà soát những người dùng đứng tên từ 4-9 SIM, từ đó phát hiện ra một số lượng tương đối lớn, khoảng 5,75 triệu thuê bao thuộc tập 4-9 SIM/1 giấy tờ.
Cục Viễn thông sẽ rà soát thêm để có hoạt động chuẩn hóa thông tin, chặn thuê bao có dấu hiệu thông tin không chính xác.
“Người dùng di động cần tích cực sử dụng dịch vụ nhắn tin tới đầu số 1414, kèm theo số căn cước công dân để xem đang đứng tên bao nhiêu SIM, từ đó có hoạt động chuẩn hóa hoặc đăng ký lại thông tin thuê bao” - ông Nguyễn Phong Nhã nói.