Lịch sử hình thành Nhiệt điện Uông Bí gắn với sinh nhật Bác Hồ

(PLO)- Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí được khởi công xây dựng ngày 19-5-1961, nhân kỷ niệm lần thứ 71 ngày sinh nhật Bác Hồ kính yêu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau hai năm rưỡi lao động vất vả, ngày 26-11-1963, dòng điện đầu tiên từ nhà máy điện Uông Bí (Quảng Ninh) đã hòa vào lưới điện miền Bắc. Từ đây Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí đã trở thành “chim đầu đàn”, nguồn phát điện chủ lực của hệ thống điện miền Bắc XHCN với sản lượng năm 1965 đạt 146 triệu kWh.

Một sự kiện đặc biệt, đó là vào sáng mồng 1 Tết Nguyên đán (năm Ất Tỵ) tức ngày 2-2-1965, Bác Hồ về thăm và chúc Tết cán bộ nhân dân các dân tộc thị xã Uông Bí. Trong cuộc mít-tinh, Bác đã vui vẻ ngợi khen thành tích của các chuyên gia Liên Xô và anh chị em công nhân đang xây dựng và vận hành nhà máy.

Bác Hồ thăm và chúc Tết đồng bào và công nhân Uông Bí (Tết Nguyên đán năm 1965). Ảnh: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh.

Bác Hồ thăm và chúc Tết đồng bào và công nhân Uông Bí (Tết Nguyên đán năm 1965). Ảnh: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh.

Người khen CBCNV Điện Uông Bí: “Có nhiều sáng kiến hợp lý hóa sản xuất để tăng cường lao động. Lắp lò hơi số 3 nhanh trước hai tháng. Lắp máy số 3 tiết kiệm được 70 vạn đồng”. Bác căn dặn : "Hiện nay Nhà máy điện Uông Bí và mỏ than Vàng Danh đều là những xí nghiệp vào loại to và hiện đại nhất của nước ta. Than và điện rất cần cho công nghiệp và nông nghiệp. Các cô, các chú hãy ra sức làm cho nhiều, nhanh, tốt, rẻ".

Ghi sâu lời Bác dặn, những người thợ điện Uông Bí đã không quản ngại khó khăn gian khổ hăng hái thi đua lao động để sản xuất thật nhiều điện cho Tổ quốc.

Trong cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, Nhà máy điện Uông Bí đã trở thành mục tiêu trọng điểm oanh tạc hủy diệt của không quân Mỹ. Với khẩu hiệu "Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu", “Quyết tử vì dòng điện của Tổ quốc”, tập thể CBCNV Nhà máy đã dũng cảm vừa bám lò, bám máy để sản xuất, vừa sát cánh cùng quân và dân địa phương chống trả các đợt không kích tiêu diệt máy bay Mỹ; Nêu cao tinh thần “vừa sản xuất vừa chiến đấu” để sản xuất điện cung cấp cho miền Bắc.

Trong cuộc chiến đấu để bảo vệ nhà máy, có nhiều cán bộ CNVC đã anh dũng hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Đó là các liệt sĩ: Nguyễn Hồng Tý, Nguyễn Trường Hiến, Nguyễn Đình Phức, Bùi Trung Tần, Trần Thị Bằng, Phạm Văn Thuận, Nguyễn Hữu Đến và Nguyễn Khắc Nghĩa.

Các anh chị mãi mãi là những tấm gương sáng ngời về sự quên mình, về tính tổ chức kỷ luật của đội ngũ công nhân điện Uông Bí, họ đã ngã xuống để bảo vệ nhà máy cho dòng điện tỏa sáng, sự hy sinh cao cả của họ mãi là tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Sau ngày đất nước thống nhất (30-4-1975), nhà máy vừa lo khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa tiếp tục mở rộng. Đến ngày 15-12-1977, công tác phục hồi và mở rộng xây dựng mới đã hoàn thành thắng lợi, nâng tổng công suất của 4 đợt lên 153MW, trở thành nhà máy chủ lực cung cấp điện năng sau khi nước nhà thống nhất.

Ngành điện nói chung, Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí nói riêng cũng có những bước thăng trầm cùng đất nước. Phát huy truyền thống, năng lực và kinh nghiệm của nhà máy từng là đứa con đầu đàn của ngành Điện lực Việt Nam, được Tập đoàn điện lực Việt Nam giao nhiệm vụ, nhà máy đã đề xuất và được Đảng, Nhà nước đồng ý cho mở rộng nhà máy với quy mô ngày càng lớn.

Ngày 26-5-2002, khởi công dự án Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng giai đoạn I với công suất 300MW. Ngày 23-5-2008, Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng giai đoạn II với công suất 330MW được khởi công. Sau khi các dự án hoàn thành và đi vào hoạt động đã nâng tổng công suất đặt của Công ty thêm 630MW (gấp 5 lần sản lượng hiện có), góp phần quan trọng đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Các thế hệ của Nhiệt điện Uông Bí luôn sẵn sàng vượt qua những khó khăn, thách thức để viết tiếp những trang sử đáng tự hào.

Các thế hệ của Nhiệt điện Uông Bí luôn sẵn sàng vượt qua những khó khăn, thách thức để viết tiếp những trang sử đáng tự hào.

Những công lao, cống hiến của các bậc cha anh, của các thế hệ thợ điện Uông Bí đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng hai danh hiệu Anh hùng: Anh hùng lao động (năm 1973) và Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1998) và gần 300 huân huy chương các loại cho các tập thể và cá nhân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm