Theo hãng tin AFP, ngày 5-7, Liên Hợp Quốc và Mỹ đã kêu gọi điều tra tình trạng bạo lực tại Uzbekistan.
Diễn biến trên đến trong bối cảnh giới chức Uzbekistan hôm 4-7 cho biết nước này đã ghi nhận tới 18 người thiệt mạng và 243 người bị thương sau vụ bạo loạn cuối tuần qua tại Nukus, thủ phủ của tỉnh tự trị Karakalpakstan.
Liên Hợp Quốc, Mỹ kêu gọi điều tra tình trạng bạo lực tại Uzbekistan. Ảnh: REUTERS |
"Các báo cáo mà chúng tôi nhận được về tình trạng bạo lực nghiêm trọng, gồm cả việc giết người, trong các cuộc tuần hành là rất đáng lo ngại. Tôi kêu gọi giới chức trách kiềm chế tối đa" - bà Michelle Bachelet, người đứng đầu Cao ủy nhân quyền của Liên Hợp Quốc (OHCHR) lên tiếng hôm 5-7.
"Tôi kêu gọi giới chức trách ngay lập tức mở một cuộc điều tra minh bạch và độc lập về bất kỳ cáo buộc liên quan hành vi phạm tội trong bối cảnh đó, gồm cả vi phạm của các cơ quan nhà nước" – bà Bachelet nói thêm.
Bà Bachelet thông tin rằng hơn 500 người tham gia tuần hành đã bị giam giữ, mà khả năng những cá nhân này phải đối mặt mức án tù 20 năm.
Theo OHCHR, tất cả cá nhân bị giam giữ phải được tiếp cận nhanh chóng với luật sư và phải đảm bảo quy trình tố tụng cũng như được xét xử công bằng.
Bà Bachelet cũng lưu ý rằng các biện pháp hạn chế khi Uzbekistan ban bố tình trạng khẩn cấp cần tuân theo luật quốc tế, đảm bảo tính cần thiết, tương xứng và không phân biệt đối xử.
Cùng ngày 5-7, Mỹ đã bày tỏ quan ngại và kêu gọi các bên tìm kiếm một "giải pháp hòa bình" cho căng thẳng, theo AFP.
"Chúng tôi kêu gọi giới chức trách mở một cuộc điều tra đầy đủ, đáng tin cậy và minh bạch về tình trạng bạo lực, phù hợp với các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế" – theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price.
Xung đột đã xảy ra giữa lực lượng thực thi pháp luật và những người tham gia tuần hành phản đối kế hoạch sửa đổi hiến pháp của chính quyền trung ương. Nội dung sửa đổi là thay đổi quy chế của Karakalpakstan - hiện là một vùng lãnh thổ có chủ quyền thuộc Uzbekistan với phần lớn dân cư là người thiểu số Karakalpak.
Theo giới chức Uzbekistan, từ ngày 1-7 nước này đã ghi nhận các cuộc biểu tình phản đối kế hoạch sửa đổi Hiến pháp Uzbekistan về việc thay đổi quy chế của Karakalpakstan.
Lực lượng cảnh sát đã giải tán những người biểu tình sau khi một số cố xông vào các tòa nhà chính quyền địa phương ở Nukus.
Vụ việc được đánh giá là đợt bạo lực nghiêm trọng nhất trong 17 năm qua ở quốc gia Trung Á 34 triệu dân.
Uzbekistan hôm 2-7 đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một tháng, từ ngày 3-7 đến ngày 2-8, tại Karakalpakstan.