THẾ MẠNH NÀO CHO SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TP.HCM? - BÀI 1

Liên kết vùng để cùng phát triển

Đó là cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh chưa cao; tiềm năng, lợi thế của TP chưa được huy động, khai thác đúng mức…

Trước thềm Đại hội, Pháp Luật TP.HCMtrao đổi với một số chuyên gia kinh tế nhằm góp những ý kiến thiết thực vào chủ đề “Thế mạnh nào cho sự phát triển kinh tế TP.HCM?” để TP làm tốt vai trò đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp ngày càng lớn cho cả nước.

Giá trị sản xuất công nghiệp của TP.HCM luôn tăng trong thời gian qua và tỉ trọng ngành công nghiệp luôn chiếm trên 40% GDP của TP. Tuy nhiên, công nghiệp TP chủ yếu phát triển theo chiều ngang, chưa đi vào chiều sâu trong quan hệ phối kết với sản xuất công nghiệp toàn vùng. Vậy trong nhiệm kỳ tới, công nghiệp TP cần đi theo hướng phát triển nào? Pháp Luật TP.HCM trao đổi với Thạc sĩ Cao Minh Nghĩa (ảnh), Phó phòng Nghiên cứu phát triển kinh tế - Viện Nghiên cứu phát triển TP.

Thu hút đầu tư có chọn lọc

. Công nghiệp TP hiện nay đang bị cạnh tranh gay gắt bởi sự phát triển của các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An,… Theo ông, điều ấy có ảnh hưởng gì đến sản xuất công nghiệp của TP?

+ Sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp các địa phương lân cận là xu thế tất yếu trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tôi nghĩ rằng đó là sự chia sẻ với TP.HCM nhằm tạo nên sự liên kết vùng chứ không ảnh hưởng gì lớn đến sản xuất công nghiệp TP. Vấn đề cần quan tâm ở đây là với vị trí, vai trò là hạt nhân và động lực phát triển của toàn vùng thì TP cần phải có định hướng phân công phát triển công nghiệp cho hợp lý.

. Sự phân công phát triển công nghiệp hợp lý mà ông nói ở trên cụ thể là thế nào?

+ TP đã qua giai đoạn một là thu hút đầu tư kiểu lấp đầy và cần đến giai đoạn hai là chọn lọc đầu tư, ngành nào ô nhiễm môi trường thì không tiếp nhận. Và đã đến lúc phải phát triển về chiều sâu: Hệ thống khu công nghiệp, khu chế xuất cần tập trung phát triển các ngành công nghiệp chất lượng cao, chuyên ngành như cơ khí, hóa - dược,… và đi vào phát triển công nghệ cao chứ không nên phát triển công nghiệp gia công, thâm dụng lao động.

Kinh tế TP.HCM luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn mức trung bình của cả nước.

Bên cạnh đó phải tạo nên hệ thống hạ tầng liên kết sản xuất trong vùng để kết nối sản xuất - tiêu thụ. Chẳng hạn như tỉnh lộ 10 nối TP.HCM với vùng kinh tế đồng bằng sông Cửu Long hiện nay xuống cấp nghiêm trọng, cần phải sửa chữa nâng cấp mở rộng khẩn trương. Song song đó phải xây mới tỉnh lộ 10B để giảm tải cho tỉnh lộ 10. Nếu sau này phát triển đường sắt nội vùng nữa thì sẽ tạo điều kiện hơn cho điều này,…

Như vậy, vấn đề hiện nay là phối hợp với nhau để phát triển, không nhất thiết cái gì cũng tập trung vào TP.HCM. Sự phân công công nghiệp này phù hợp xu thế phát triển và tránh được các hệ quả xã hội làm quá tải cho hạ tầng đô thị của TP.

Tránh quản lý kinh tế theo ranh giới hành chính

. Theo ông, TP có nên hình thành thêm các khu công nghiệp mới?

+ TP hiện nay có 30 cụm công nghiệp, 13 khu công nghiệp - khu chế xuất và hai trung tâm phát triển công nghệ cao (Khu công nghệ cao và Công viên phần mềm Quang Trung). Tôi nghĩ nên tập trung đầu tư đúng định hướng các khu công nghiệp hiện có chứ không nên hình thành thêm.

. Nhưng hiện nay tỉnh nào cũng phát triển khu công nghiệp ồ ạt mà chưa có hoạch định liên kết giữa các nơi với nhau. Điều ấy ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của vùng, thưa ông?

+ Tỉnh nào cũng đều muốn phát triển công nghiệp cho nên tình trạng hiện nay là nơi đâu cũng xuất hiện khu công nghiệp, thu hút đầu tư không có định hướng phối kết cụ thể. Điều này làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển lâu dài của vùng.

Trong tư duy phát triển kinh tế, vấn đề rất trọng yếu là phải liên kết với nhau mới phát triển được. Nếu cứ hoạt động kinh tế theo địa phương tính, mạnh ai nấy làm, quản lý kinh tế mà theo ranh giới hành chính thì rất khó phát triển. Thiết nghĩ TP không nên phát triển ồ ạt, lặt vặt mà phải có sự chia sẻ và tập trung vào hướng phát triển chính yếu của mình đặt trong vai trò của mình với toàn vùng kinh tế phía Nam.

. Xin cảm ơn ông.

Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế

Nhiệm vụ trọng tâm là khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh phù hợp với vai trò, vị trí của TP đối với khu vực phía Nam và cả nước…

Chủ động tái cấu trúc kinh tế TP, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, từ chủ yếu phát triển dựa vào tăng vốn đầu tư, sử dụng nhiều lao động giản đơn sang phát triển dựa trên yếu tố năng suất tổng hợp, tiến bộ khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, năng suất lao động, sản phẩm có chất lượng cao; từ sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học công nghệ thấp sang sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng và tỉ lệ nội địa hóa cao, hàm lượng khoa học công nghệ cao.

(Trích dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu
Đảng bộ TP.HCM lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010-2015)

Cạnh tranh là tất yếu

Có ý kiến cho rằng trong đầu tư, khai thác cảng biển, TP.HCM dần dần tụt hậu so với các tỉnh như Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu. Thạc sĩ Cao Minh Nghĩa lý giải: Cảng biển TP.HCM bị chia sẻ bởi các tỉnh xung quanh cũng là một xu thế tất yếu. Do tính chất địa tầng, cảng biển TP có thể không sánh nổi so với một số cảng nước sâu của các tỉnh lân cận như Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu). Nhưng quy hoạch cảng của toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ tương tác qua lại cùng phát triển.

TP.HCM có thế mạnh riêng trong phát triển dịch vụ cảng - kho bãi - logistic với hệ thống kho bãi, dịch vụ bảo quản, các khu sản xuất, tiêu thụ và hệ thống hải quan quốc tế. Đó cũng là một xu thế phát triển hợp lý. Chính vì thế, điều cần thiết hiện nay là TP.HCM cần phải cải cách các thủ tục liên quan đến hải quan một cách linh hoạt hơn, bớt những thủ tục phiền hà, phải qua nhiều cửa. Điều ấy sẽ giúp thế mạnh này của TP phát triển hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới