Liên minh quân sự Nga - Trung manh nha hình thành

Trong cuộc họp báo ngày 14-10, Đại sứ Trung Quốc (TQ) tại Nga Trương Hán Huy tuyên bố TQ sẵn sàng hợp tác với Nga để bảo vệ chủ nghĩa đa phương, chống lại “sự thống trị toàn cầu” của Mỹ và góp phần củng cố trật tự lấy các thiết chế quốc tế như Liên Hợp Quốc làm trung tâm, tờ South China Morning Post đưa tin.

“Lịch sử và thực tiễn cho thấy chủ nghĩa đa phương là con đường đúng đắn để đi theo. Bảo vệ chủ nghĩa đa phương và dân chủ hóa quan hệ quốc tế không chỉ là lựa chọn với TQ mà còn với hầu hết quốc gia trên thế giới” - ông Trương nhấn mạnh.

Chưa bàn tới tính xác thực trong thông điệp của Đại sứ Trương Hán Huy, có thể thấy quan hệ chiến lược Nga - Trung đang ngày càng sâu sắc hơn. Giữa lúc Washington đang tăng cường các nỗ lực củng cố hiện diện chính trị và quân sự ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, liên minh Nga - Trung chắc chắn sẽ đặt ra những thách thức không nhỏ cho chiến lược của Mỹ.

Những chỉ dấu đáng chú ý

Giới quan sát từ lâu đều đồng ý rằng quan hệ Nga - TQ về bản chất mang đặc tính của một “liên minh cơ hội” nhằm làm suy giảm vị thế của Mỹ. Do Nga từng là cựu thành viên của Liên Xô, hai nước dễ dàng tìm được nhiều điểm tương đồng trong vấn đề ý thức hệ và đều nhận thức rõ là mình sẽ bị kìm hãm chừng nào trật tự thế giới vẫn do Mỹ lãnh đạo.

Điều này trước mắt tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác trên các lĩnh vực quan trọng như chính trị, kinh tế - xã hội. Dù vậy, trong bối cảnh xuất hiện nhiều thay đổi lớn trên bình diện toàn cầu với xu hướng bất ổn gia tăng, liệu Moscow và Bắc Kinh có thể chuyển mình thành công thành một liên minh quân sự toàn diện hay không.

Theo tờ Asia Times, câu trả lời là có. Một trong những bằng chứng rõ ràng là từ năm 2018 đến nay, TQ và Nga gia tăng đáng kể tần suất số lượng và quy mô các cuộc tập trận quân sự chung với ít nhất hai đợt hằng năm. Gần đây nhất, hồi tháng 9, Nga, TQ và bốn nước khác tổ chức cuộc tập trận bắn đạn thật đa quân chủng Caucasus 2020 ở khu vực Bắc Biển Đen. Cũng thời điểm đó vào năm ngoái, Nga và TQ tổ chức một diễn tập quân sự còn lớn hơn là Center-2019 ở vùng tây Nga, điều động ít nhất 120.000 quân, bên cạnh khoảng 20.000 loại khí tài quân sự đi kèm.

Đáng chú ý, sự kiện còn đánh dấu một động thái đáng chú ý từ Nga là nước này chính thức bàn giao hệ thống radar cảnh báo tên lửa sớm (SPRN) trị giá 60 triệu USD cho TQ. Đây là một trong những hệ thống cảnh báo tối tân nhất do Nga sản xuất, có khả năng điều chỉnh để phối hợp với hệ thống phòng không S-400 (TQ hiện đã đưa vào biên chế) cũng như thế hệ tiếp theo là S-500 mà Nga đang phát triển. Do đó, nếu Bắc Kinh quyết định mua thêm S-500 thì Moscow sẽ có ảnh hưởng hết sức đáng kể lên năng lực phòng thủ của TQ, toàn quyền cố vấn từ hệ thống cảnh báo đến tấn công. Đây là một dấu hiệu hết sức rõ ràng của một liên minh quân sự, dù rằng không chính thức bởi chưa có nước nào ngoài Nga được TQ tin tưởng cho can thiệp vào một lĩnh vực nhạy cảm như quân sự như vậy.

Chủ tịch TQ Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) tham dự Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Nga vào tháng 9-2018. Ảnh: AP

Nga - Trung phối hợp, Mỹ ảnh hưởng như thế nào?

Asia Times nhận định có hai điểm kết luận có thể rút ra được từ những diễn biến nói trên trong cuộc đối đầu giữa Nga - Trung và Mỹ.

Đầu tiên, về mặt thực chiến, sức mạnh của SPRN của Nga sẽ giúp TQ mở rộng tầm phát hiện tên lửa do Mỹ sở hữu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như tăng độ chính xác khi tính toán điểm rơi của tên lửa. Tính toán của Asia Times cho thấy trong kịch bản nổ ra chiến tranh toàn diện, Bắc Kinh sẽ nhận được cảnh báo chính xác sớm ít nhất 10 phút các đòn tấn công của Washington, qua đó có thêm thời gian để ra lệnh trả đũa bằng hạt nhân hoặc cảnh báo sơ tán tại các vùng nằm trong điểm rơi.

Tôi nhận được thông tin rằng Mỹ nhiều khả năng sẽ triển khai tên lửa ở châu Á - Thái Bình Dương. Trong trường hợp này, Nga sẽ có biện pháp đáp trả thích đáng bởi tên lửa Mỹ sẽ đặt phần lớn lãnh thổ Nga, trong đó có nhiều vị trí chứa vũ khí hạt nhân vào tầm tấn công.

Đại sứ Nga tại Mỹ ANATOLY ANTONOV 
trả lời kênh One Russia ngày 17-10 

Thứ hai, về mặt địa chiến lược, nhiều khả năng đích đến cuối cùng của Nga và TQ khi tăng cường hợp tác quân sự, chuyển giao công nghệ quân sự là tiến tới thiết lập một mạng lưới phòng thủ tên lửa quy mô lớn, kết nối mạng lưới sẵn có của hai nước. Về tham vọng này, trong một cuộc phỏng vấn với đài CBS News hồi tháng 10-2019, chuyên gia quân sự người Nga Vladimir Frolov nhận định một khi hai bên kết nối thành công mạng lưới phòng thủ tên lửa, Moscow và Bắc Kinh sẽ có khả năng phát hiện, tiêu diệt các loại tên lửa Mỹ trải dài từ nam Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương. Ông nhận xét Nga và TQ lâu nay không thể kiểm soát triệt để Ấn Độ Dương do tồn tại nhiều nước với tiềm lực quân sự lớn ở đây như Iran, Ấn Độ hay Pakistan. Việc liên kết mạng lưới phòng thủ sẽ giải quyết được khuyết điểm này.

Dù vậy, một điểm sáng mà Asia Times lưu ý là hiện nay liên minh Nga - Trung không có dấu hiệu muốn chủ động khơi mào một cuộc chiến tranh với Mỹ và những động thái tăng cường hợp tác quân sự chỉ nhằm mục đích phản ứng lại sự hiện diện ngày càng tăng của nước này ở châu Á - Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, Washington cũng bị đặt vào thế khó khi hiện vẫn không có cách giải quyết dứt điểm tình trạng căng thẳng với Nga và TQ. Nhiều ý kiến kỳ vọng một chiến thắng dành cho ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden để nước Mỹ có thể hâm nóng lại quan hệ với các đồng minh Âu - Á nhằm tìm kiếm hỗ trợ. Tuy nhiên, vẫn không thể bỏ qua khả năng ông Trump tái đắc cử và nếu thật sự như vậy thì tam giác Mỹ - Trung - Nga sẽ có thể phải chứng kiến thêm bốn năm ảm đạm nữa.

Tình báo Anh cảnh báo nguy cơ từ Nga, Trung Quốc

Mới đây, Giám đốc Cơ quan An ninh nội địa Anh (MI5) Ken McCallum cảnh báo Nga, TQ cùng một số nước khác đang đặt ra các thách thức an ninh nghiêm trọng cho phương Tây, theo hãng tin Reuters.

“Nếu câu hỏi đặt ra là lực lượng tình báo nước nào gây nguy hiểm lớn nhất cho phương Tây vào tháng 10-2020, câu trả lời là Nga. Nếu câu hỏi khác là nước nào sẽ định hình thế giới của chúng ta trong thập niên tới, đặt ra những cơ hội và thách thức lớn cho phương Tây, câu trả lời là TQ” - ông McCallum nhấn mạnh.

Quan chức này cũng kêu gọi chính phủ Anh nhanh chóng can thiệp sớm ngay khi phát hiện các nguy cơ nhằm vào cơ sở hạ tầng trọng yếu nhạy cảm đến từ hai nước nêu trên. Tuyên bố của ông McCallum được đưa ra trong bối cảnh London đang soạn thảo dự luật Đầu tư và An ninh Quốc gia mới, dự kiến công bố trong tháng này. Dự luật sẽ kiểm soát các thỏa thuận trong các lĩnh vực gồm quốc phòng và cơ sở hạ tầng viễn thông của Anh. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới