CQĐT xác định được hai vợ chồng doanh nhân Nguyễn Thị Ngọ, Lê Anh Tuấn đã vay tiền từ DAB rồi dùng chính tiền vay mua cổ phiếu để trở thành cổ đông ngân hàng (NH) này.
Ông Trần Phương Bình và các đồng phạm giai đoạn 1. Ảnh: CTV
Bà Ngọ quen biết ông Bình qua việc mua bán vàng từ năm 1990. Khi thành lập DAB vào năm 1992, ông Bình mời bà Ngọ góp vốn và đề nghị đối tác về hẳn DAB làm việc. Bà Ngọ đồng ý góp vốn nhưng dưới danh nghĩa cha chồng bà đứng tên cổ đông sáng lập.
Đến năm 2006, bà Ngọ sử dụng pháp nhân một số công ty (do vợ chồng lập ra) và nhờ người thân, nhân viên đứng tên nhiều khoản vay tại DAB. Năm 2007, DAB phát hành cổ phiếu, chào bán hai lần nhằm tăng vốn điều lệ từ 880 tỉ đồng lên 1.600 tỉ đồng.
Hai lần này vợ chồng bà Ngọ đều nhanh tay mua 26.500 cổ phiếu với giá 339 tỉ đồng. Cả hai dùng chính tiền vay từ DAB mua cổ phiếu của NH này.
Lần đầu, ông Tuấn đứng tên mua 1.500 cổ phiếu với giá 39 tỉ đồng; nguồn tiền từ vốn vay DAB. Sau khi sở hữu số cổ phiếu trên, bà Ngọ ngồi vào ghế thành viên HĐQT NH. Tiếp đó, vợ chồng bà bỏ ra 300 tỉ đồng mua 25.000 cổ phiếu.
Như lần trước, một trong những nguồn tiền mua cổ phiếu là từ sáu khoản vay DAB trước đó. Từ đó đến tháng 6-2014, DAB thực hiện 28 lần chia cổ tức cho vợ chồng bà Ngọ. Và cũng từ đó, cổ phần DAB liên tục xuống giá dẫn đến vợ chồng bà không còn khả năng trả nợ.
Để cứu vãn tình hình, ông Bình và bà Nguyễn Thị Ngọc trao đổi thống nhất DAB tiếp tục cho bà Ngọ vay những khoản vay mới, vay thấu chi và tạm ứng để trả nợ gốc và lãi cho những khoản vay dùng vào việc mua cổ phiếu.
Vì lãnh đạo chỉ đạo theo chủ trương nên cán bộ DAB không hề thẩm định điều kiện vay vốn, dễ dàng giải ngân. Tính đến tháng 12-2018, vợ chồng bà Ngọ còn dư nợ hơn 1.207 tỉ đồng tại DAB (tính cả gốc lẫn lãi).
Làm việc với CQĐT, bà Ngọ khai việc mua cổ phiếu là mua giúp ông Bình trong kịch bản “tăng vốn điều lệ”. Ông Bình nhờ vả nên tạo điều kiện vay vốn khi vợ chồng bà làm thủ tục mua cổ phiếu. Việc giải ngân khoản vay mới rồi lấy tiền vay đó trả nợ những khoản vay cũ (dùng mua cổ phiếu) do DAB tự tiến hành trên cơ sở cân đối gốc, lãi khoản vay đến hạn.
Hiện gia đình bà vẫn đứng tên sở hữu số cổ phiếu nói trên trong NH. Bà Ngọ cam kết và đề nghị cơ quan tố tụng xử lý tài sản đứng tên vợ chồng bà để trả hết nợ gốc tồn đọng tại DAB.
Thời gian này, cơ quan chức năng chờ kết quả định giá tài sản và phương án trả nợ bà Ngọ đề đạt. Từ đó mới có căn cứ đánh giá việc vi phạm pháp luật hình sự (hành vi sai phạm cùng hậu quả thiệt hại) của vợ chồng bà và những cá nhân đứng tên hồ sơ vay cũng như cán bộ, lãnh đạo DAB.
Ngược lại, ông Bình giải thích ông có động viên bà Ngọ mua cổ phiếu NH; nhưng không phải mua giúp cá nhân ông hay giúp DAB. Việc mua cổ phiếu do bà Ngọ tự cân nhắc, xem xét rồi tự nguyện. Khi đó, ông Bình có hứa nếu phía bà Ngọ thiếu tiền mua thì DAB sẽ cho vay phần còn thiếu.
CQĐT nhận thấy ông Bình và hai thuộc cấp biết rõ người đứng tên vay tiền không đủ năng lực tài chính, sử dụng vốn vay sai mục đích, hồ sơ vay không có tài sản đảm bảo khiến DAB thiệt hại nặng nề.
Tuy nhiên, Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự TP.HCM chưa có kết luận định giá tài sản liên quan đến những khoản vay do vợ chồng bà Nguyễn Thị Ngọ trực tiếp hay gián tiếp đứng tên. Vì vậy, CQĐT chưa đủ căn cứ kết luận điều tra, đề nghị truy tố đối với sai phạm do ông Bình và hai thuộc cấp gây ra.
Còn trong giai đoạn hai vụ án, CQĐT đề nghị VKS truy tố ông Bình và các đồng phạm về các tội vi phạm quy định về hoạt động NH, hoạt động khác liên quan đến NH. Và ông Bình còn bị đề nghị truy tố thêm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.