Liên tiếp các vụ ngộ độc tập thể, đại biểu Quốc hội hỏi nguyên nhân do đâu?

(PLO)- Thời gian qua, các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra liên tục khiến hàng trăm người phải nhập viện cấp cứu, đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ có đánh giá rõ hơn về nguyên nhân và đề ra giải pháp quản lý cụ thể.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 29-5, Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận về kinh tế - xã hội; thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là bảo đảm an toàn thực phẩm sau những vụ ngộ độc liên tiếp xảy ra thời gian qua.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) cho biết theo thống kê bốn tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 24 vụ mất an toàn thực phẩm với 835 người bị ngộ độc, trong đó ba người đã tử vong.

Con số này theo bà Tâm là chưa tính tới hai vụ ngộ độc với con số lên tới hàng trăm người bị ảnh hưởng là vụ ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai, và tiếp đó là vụ ngộ độc liên quan bếp ăn tập thể của Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam (Vĩnh Phúc).

“Trước thực trạng các vụ ngộ độc xảy ra trên quy mô rộng, loại hình đa dạng, dư luận đang đặt ra câu hỏi về quy trình quản lý, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm” – bà Tâm nói.

Liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc tập thể, đại biểu hỏi nguyên nhân do đâu?
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình). Ảnh: PHẠM THẮNG

Theo đại biểu Tâm, thức ăn đường phố tại Việt Nam mang lại sự tiện dụng cho người dân, phù hợp với túi tiền của nhiều người…, thậm chí có tới năm món ăn Việt Nam đã lọt vào top 100 món ăn đường phố hấp dẫn nhất châu Á.

Tuy nhiên, xét về quy trình an toàn thực phẩm thì hầu hết chưa đảm bảo, không truy xuất được hết nguồn gốc của thực phẩm, các cơ sở cũng không lưu mẫu để kiểm tra khi cần…

Theo Nghị định 15/2018, đối tượng không thực hiện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đáng chú ý là các cơ sở kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố… thuộc quản lý của ngành công thương.

Đại biểu Tâm nói việc quản lý của ngành liệu có hiệu quả khi mỗi ngày có đến hàng triệu xe thức ăn, đồ uống lưu động, bếp ăn tập thể cho công nhân, học sinh… Các cơ sở hoạt động lại sau khi bị đình chỉ liệu có đưa ra quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh hay không, bởi có cơ sở sẵn sàng từ bỏ thương hiệu để lập ra cơ sở mới…

Từ quy định trên, đại biểu Tâm cho rằng sẽ dễ dàng nhận ra khoảng trống từ việc quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm, làm ảnh hưởng tới tính mạng người dân, du khách... “Việc rà soát lại quy trình quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm để hạn chế các vụ ngộ độc trong thời gian tới là việc rất cần thiết” – bà nhấn mạnh.

Đại biểu Tâm đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện các chính sách, pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm đường phố. Cùng với đó là rà soát, nâng mức xử phạt đối với hoạt động kinh doanh thực phẩm vi phạm và có chế tài đủ mạnh để răn đe; tập trung đầu tư nguồn lực trong lĩnh vực này.

Đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng phần mềm ứng dụng quản lý việc truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm của từng cơ sở bán hàng lưu động, đường phố. “Việc này sẽ tạo thuận lợi cho cả người mua và việc truy xuất, giám sát nguồn gốc nguyên liệu của cơ quan chức năng, vừa tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý về xử lý sai phạm” – đại biểu Tâm nhấn mạnh.

Trước đó, trong phiên thảo luận buổi sáng, đại biểu Nguyễn Văn Thi (đoàn Bắc Giang) cũng nhìn nhận thời gian qua các vụ ngộ độc thực phẩm trong các bếp ăn tập thể xảy ra liên tục khiến hàng trăm người phải nhập viện cấp cứu.

“Vấn đề ở đây nguyên nhân gây ngộ độc do đâu? Do cơ chế còn khoảng trống trong sự chồng chéo của các quy định pháp luật hay việc buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng” – đại biểu Thi nêu vấn đề và đề nghị Chính phủ có đánh giá rõ hơn, đề ra các giải pháp quản lý chặt chẽ hơn về an toàn thực phẩm trong thời gian tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm