Đại biểu Quốc hội: Quản lý vàng còn bất cập, cần bỏ độc quyền vàng miếng

(PLO)- Đại biểu Quốc hội cho rằng, việc quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệnh lớn, đã đến lúc bỏ độc quyền vàng miếng, đồng thời kiến nghị sớm sửa Nghị định 24.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Giá vàng hiện nay đang có nhiều biến động cả ở trong nước và thế giới. Theo cập nhật vào đầu giờ sáng nay (29-5), giá vàng miếng SJC tại thị trường trong nước giao dịch ở mức 88,5 – 90,5 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), so với mức đóng cửa của giá vàng thế giới phiên ngày thứ Ba (ngày 28-5), giá vàng miếng SJC trong nước cao hơn giá vàng thế giới khoảng 17 triệu đồng/lượng.

Kéo giá vàng trong nước và thế giới về mức thấp nhất có thể

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM), nhìn nhận giá vàng hiện nay đang rất khó dự đoán.

Ông cho hay qua theo dõi lịch sử thị trường vàng thế giới trong khoảng 40 năm qua thì thấy giá vàng thường biến động rất bất thường khi phải trải qua những cú sốc như khủng hoảng tài chính tiền tệ; xung đột vũ trang, lạm phát... Những điều này đã tạo ra những biến động rất lớn đối với giá vàng không chỉ với thế giới mà cả trong nước.

“Tôi cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng là để thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng thế giới với giá vàng trong nước. Đây là điều cần thiết và là giải pháp đúng” – ông Ngân khẳng định.

Đại biểu chỉ ra những nguyên nhân khiến giá vàng 'nhảy múa', kiến nghị sớm sửa Nghị định 24
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM). Ảnh: PHẠM THẮNG

Theo ông Ngân, thời gian tới Nhà nước nên tiếp tục có sự hỗ trợ để làm sao đảm bảo cho những người có nhu cầu mua vàng được mua vàng. Tuy nhiên cũng cần có giải pháp để quản lý thị trường này như khi giao dịch phải có hóa đơn, chứng từ và phải tăng cường kiểm soát, chống buôn lậu, chống đầu cơ, lũng đoạn vàng…

Đại biểu Trần Hoàng Ngân khẳng định điều quan trọng hiện này là thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước với thế giới. “Tôi ủng hộ việc đấu thầu vàng” – ông Ngân nhấn mạnh và lưu ý giá vàng hiện đang ở mức cao và khả năng sẽ tăng nữa. Chính vì vậy, mua vàng ở thời điểm này sẽ có rủi ro nhưng không có nghĩa là giá vàng không có cơ hội đi lên.

Với ý kiến cho rằng nên bỏ độc quyền trong sản xuất và nhập khẩu vàng miếng, để các doanh nghiệp tham gia vào thị trường vàng, giúp bình ổn thị trường, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng mỗi giải pháp đều có hai mặt tích cực và tiêu cực.

Thứ nhất, trong bối cảnh hiện nay nếu để thị trường vàng thiếu kiểm soát sẽ dẫn đến hao tổn ngoại tệ cho việc nhập khẩu vàng. Dĩ nhiên tùy theo thời điểm và Ngân hàng Trung ương của các nước cũng vậy nhưng nếu có những biến động như địa chính trị, chiến tranh thì họ sẽ chuyển cơ cấu dự trữ ngoại hối từ ngoại tệ sang vàng. Và khi đó nhu cầu vàng của thế giới tăng lên, giá vàng sẽ tăng và ngược lại.

“Đó là sự điều hành linh hoạt” – ông Ngân nhìn nhận.

Còn riêng với Việt Nam, đại biểu cho rằng nên tạo điều kiện để cân đối cung cầu vàng, chống buôn lậu vàng. Nhà nước phải kiểm soát giá cả của thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước cũng phải chủ động đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định 24/2012. Khi chúng ta thực hiện được những giải pháp đó thì giá vàng sẽ được kiểm soát tốt.

Chắc chắn thời gian tới khi có những biện pháp tăng cường kiểm tra, giám sát, chống đầu cơ, lũng đoạn vàng và có tăng thêm lượng vàng đưa ra trong đấu thầu thì sẽ góp phần ổn định giá vàng.

“Ổn định ở đây là kéo sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới lại gần với nhau hơn, về thấp nhất ở mức có thể” – đại biểu Ngân nói thêm.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng cho rằng việc quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệnh lớn… Điều này dẫn đến tình trạng buôn lậu vàng diễn biến phức tạp, làm chảy máu ngoại tệ và có khả năng tác động tiêu cực đến việc ổn định kinh tế vĩ mô.

dai bieu pham van hoa.jpg
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu ý kiến về quản lý thị trường vàng. Ảnh: QH

Do đó, theo ông Hòa, Nhà nước phải có giải pháp dài hạn để quản lý ổn định thị trường vàng. Đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước chỉ giải pháp tạm thời, giá vàng vẫn không giảm mà có xu hướng tăng.

“Nên chăng đã đến lúc bỏ độc quyền sản xuất và nhập khẩu vàng miếng của Ngân hàng nhà nước; sửa đổi, bổ sung Nghị định 24, cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu và in vàng miếng dưới sự quản lý chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước” – ông đề xuất và tin tưởng với những giải pháp này sẽ giúp thị trường vàng ổn định.

Sớm sửa Nghị định 24/2012

Trước đó một ngày, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã có báo cáo Tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.

Đáng chú ý, báo cáo nêu có ý kiến cho rằng giá vàng tăng cao bất thường, do vậy, rất cần thiết phải kịp thời xử lý, điều hành vấn đề liên quan, đưa giá vàng trong nước phải ngang với thế giới.

Có ý kiến cho rằng về mặt dài hạn, phải sửa Nghị định số 24/2012. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện đấu thầu vàng để tăng cung nhằm giảm giá, nhưng sau mỗi một phiên đấu thầu, giá vàng lại tăng lên.

Cơ chế đấu thầu của Ngân hàng Nhà nước như hiện nay đang là “đấu thầu ngược”, chính việc đấu thầu của Ngân hàng Nhà nước làm giá vàng tăng lên. Lý do bởi đặt giá sàn cao hơn giá thị trường, khi người trúng thầu bán ra phải bán cao hơn giá trúng thầu nên đương nhiên giá vàng trong nước phải tăng lên.

Như vậy, mục tiêu sẽ không phải là để giảm giá, mà đấu thầu vàng để thu được nhiều tiền. Nếu mục tiêu để giảm giá, liên thông giá vàng trong nước với thế giới thì giá tham chiếu phải bằng giá vàng thế giới cộng với thuế, cộng với chi phí nhập khẩu và phải đấu thầu ngược. Nghĩa là nhà thầu mua vàng xong bán ra được sát nhất với giá tham chiếu sẽ thắng thầu.

Ý kiến này đề nghị phát hành các chứng chỉ vàng, nhà thầu mua vàng bao nhiêu cũng được, nhưng với giá tham chiếu và toàn bộ vàng để tại Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng Nghị định số 24/2012 đã xóa được “vàng hóa nền kinh tế” thì Nghị định này vẫn còn nguyên giá trị. Sự thận trọng của Chính phủ và Ngân hàng nước trong thời gian vừa qua là rất phù hợp.

Mấu chốt của vấn đề quản lý thị trường vàng là cần phải kiểm soát được lượng giao dịch. Tới đây, nhiều khả năng Chính phủ sẽ có những phương án để kiểm soát được khối lượng giao dịch trên thị trường, lúc đó sẽ biết được chính xác quy mô cần can thiệp để có phương án phù hợp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm