Áp dụng tư duy cũ để quản lý vàng rất khó để thành công

(PLO)- Trước động thái dừng đấu thầu vàng, nhiều chuyên gia cho rằng NHNN nên cho phép doanh nghiệp được nhập khẩu vàng. Tuy nhiên, có ý kiến lo ngại việc này sẽ làm gia tăng chênh lệch tỷ giá.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sửa Nghị định 24 cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng

Ngày 27-5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức thông báo dừng hoạt động đấu thầu vàng miếng. NHNN sẽ triển khai phương án bình ổn thị trường vàng mới từ ngày 3-6.

Trước động thái mới này, chuyên gia kinh tế TS Ngô Trí Long nhận định, các phiên đấu thầu vàng của NHNN không thành công.

Theo vị chuyên gia này, trước khi kiến nghị biện pháp để bình ổn giá vàng thì chúng ta phải trả lời được câu hỏi là tại sao NHNN lại dừng đấu thầu vàng. Có chẩn đoán đúng thì mới có phương pháp chữa đúng.

Từ ngày 19-4 đến nay, NHNN đã tổ chức 9 phiên đấu thầu vàng miếng SJC, trong đó có 6 phiên thành công với tổng kết quả trúng thầu 48.500 lượng (tương đương hơn 1,8 tấn vàng) được cung ứng ra thị trường.

Hai phiên đấu thầu có khối lượng lớn nhất được tung ra thị trường là vào ngày 16-5 và 23-5, với 12.300 và 13.400 lượng vàng.

"Như vậy có thể thấy, phương pháp đấu thầu của NHNN chưa thành công là do tỷ lệ vàng bị ế rất lớn", TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.

Trong khi đó, sau khi đấu thầu, giá vàng trong nước không giảm mà còn có xu hướng tăng cao hơn do giá sàn mà NHNN đưa ra luôn cao nên doanh nghiệp trúng thầu phải bán giá cao hơn. Có thể thấy, đấu thấu vàng miếng không đạt được mục tiêu ban đầu đề ra và có lẽ đó cũng là nguyên nhân khiến NHNN phải dừng đấu thầu vàng miếng.

"Việc NHNN dừng đấu thầu vàng miếng là một biện pháp khôn ngoan và kịp thời", TS Ngô Trí Long đánh giá.

Bởi theo ông, NHNN đầu thầu vàng nhằm tăng nguồn cung ra thị trường tuy nhiên NHNN lại không biết nhu cầu của thị trường là bao nhiêu. Bên cạnh đó, trong bối cảnh nhiều kênh đầu tư khác tiềm ẩn nhiều rủi ro, việc NHNN tung vàng vật chất ra thị trường thông qua đấu thầu vàng sẽ tạo ra hiện tượng vàng "hoá" khi người dân đổ xô mua vàng nhằm đầu cơ, tích trữ.

đấu thầu vàng
Chuyên gia Ngô Trí Long nhận định, NHNN dừng đấu thầu vàng miếng là một biện pháp kịp thời. Ảnh minh hoạ.

Đưa ra quan điểm cá nhân về các biện pháp giúp giá vàng bớt "nhảy múa", TS Ngô Trí Long cho rằng, để tăng cung vàng ra thị trường nhằm kéo giá vàng tiệm cận với giá thế giới thì các cơ quan quản lý cần cho phép doanh nghiệp được nhập khẩu vàng.

Tuy nhiên, trong Nghị định 24 lại quy định các doanh nghiệp không được nhập khẩu vàng. Vậy rõ ràng, biện pháp tiên quyết là các cơ quan quản lý phải sửa ngay Nghị định 24 để cho phép doanh nghiệp được nhập khẩu vàng.

“Doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện sản xuất - kinh doanh thì để họ tự hoạt động theo cơ chế thị trường. Nhà nước chỉ quản lý chất lượng (tuổi vàng), trọng lượng, nhãn hiệu như các doanh nghiệp khi đã đăng ký, cho phép nhiều thương hiệu cùng tồn tại thay vì độc quyền", TS Long nói thêm.

TS Ngô Trí Long cũng lưu ý, để thay đổi được Nghị định 24 thì NHNN cần thay đổi tư duy về công tác quản lý vàng. “Nếu NHNN vẫn áp dụng tư duy nhận thức cũ để quản lý thị trường vàng, theo kiểu tư duy của Nghị định 24 để dùng cho Nghị định mới thì sẽ rất khó để thành công”.

Không nên cho doanh nghiệp nhập khẩu vàng mà nên đánh thuế

Trái với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng việc để các doanh nghiệp tự do kinh doanh vàng, được quyền nhập khẩu vàng sẽ khiến cho tỷ giá hối đoái “bay lên trời”.

Bởi, khi xét cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng được nhập khẩu vàng thì cơ quan quản lý sẽ phải cung cấp ngoại tệ cho doanh nghiệp đó. Như vậy, khi đó cầu về ngoại tệ vô hình trung sẽ tăng vọt, tỷ giá hối đoái giữa VND và USD sẽ thay đổi. Kéo theo đó là rất nhiều hệ luỵ như lạm phát, chênh lệch tỷ giá…

Thêm nữa, chỉ riêng việc xét duyệt cho doanh nghiệp nào được nhập khẩu vàng, doanh nghiệp nào không được nhập khẩu vàng cũng là một bước quản lý khá khó khăn.

Kiến nghị về các biện pháp quản lý thị trường vàng, ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng, điều quan trọng nhất mà NHNN phải làm đó là quản lý tốt thị trường vàng bằng các biện pháp đang áp dụng. Đó là đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng trên thị trường và kết nối hoá đơn điện tử với hoạt động kinh doanh vàng. Có như vậy thị trường vàng mới hoạt động một cách công khai, minh bạch.

Đặc biệt, cơ quan quản lý nên cân nhắc đánh thuế việc kinh doanh vàng. Theo vị này, từ trước đến nay, nhiều người dân mua vàng nhỏ lẻ thì không bị đánh thuế. Nhưng bây giờ, đã xuất hiện tình trạng mua vàng để đầu cơ tích trữ. “Có những người dân mua cả chục cây vàng, sau đó, khi vàng lên giá sẽ mang vàng ra bán kiếm lời”, ông Thịnh dẫn chứng.

Trong khi đó, kinh doanh bất động sản, kinh doanh chứng khoán… đều bị đánh thuế, vậy nên, theo ông Thịnh, kinh doanh vàng cũng phải bị đánh thuế.

“Khi người kinh doanh có lợi nhuận, có doanh thu thì phải bị đánh thuế để đảm bảo công bằng với những loại hình kinh doanh khác trên thị trường”, ông Thịnh nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm