Giải pháp nào thay thế đấu thầu vàng miếng SJC?

(PLO)- Sau một tháng kể từ phiên đấu thầu vàng đầu tiên được NHNN tổ chức, đến nay đã có gần 2 tấn vàng miếng được tung ra thị trường. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau 9 lần thông báo đấu thầu vàng miếng, nhưng có chỉ 6 phiên đấu thầu thành công giúp thị trường có thêm 48.500 lượng (tương đương hơn 1,8 tấn vàng). Dù một lượng vàng miếng khá lớn được bổ sung ra thị trường trong vòng một tháng qua nhưng chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng thế giới không hề thu hẹp mà vẫn duy trì ở mức cao.

Chính vì thế Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa thông báo sẽ điều chỉnh phương án bình ổn thị trường vàng trong thời gian sớm nhất, dự kiến bắt đầu vào đầu tuần tới (ngày 3-6).

Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm đổi "chiến thuật"

Vậy khi giải pháp đấu thầu vàng miếng mà NHNN đã thực hiện không giúp thu hẹp chênh lệch giá vàng giữa hai thị trường và việc sửa đổi Nghị định 24/2012 vẫn chưa thể thực hiện ngay được, liệu còn giải pháp nào mà nhà điều hành có thể thực hiện ngay trong tuần tới nhằm hạ nhiệt vàng miếng SJC?

Sáng 28-5, PLO đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Trung Khánh – Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam về thắc mắc này.

Ông Khánh cho biết: Hiện nay, NHNN đã và đang cùng với các cơ quan ban ngành có liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra 4 doanh nghiệp và 2 ngân hàng về hoạt động kinh doanh vàng. Giải pháp hành chính này có thể chỉ giúp thị trường hoạt động minh bạch mà thôi. Còn bản chất của việc tăng giá vàng một cách phi lý như thời gian qua là do cung – cầu bất đối xứng.

"Dù đã có gần 2 tấn vàng miếng được bổ sung thông qua hình thức đấu thầu vàng miếng vẫn không đem lại kết quả như mong muốn. Vậy nên, giải pháp căn cơ lúc này vẫn là phải bổ sung nguồn cung vàng nguyên liệu để Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) sản xuất thêm vàng miếng SJC”, ông Khánh nhấn mạnh.

vàng miếng
Giá vàng miếng sẽ sớm hạ nhiệt? Ảnh: T.L

Đồng quan điểm, lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh vàng cho biết thêm: “Khi nguồn cung vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng được NHNN bổ sung thêm thì giá vàng miếng SJC sẽ giảm mạnh. Bởi hiện giá vàng thế giới quy đổi đang dao động quanh ngưỡng 72 triệu đồng một lượng.

Ngay cả khi cộng hết các loại thuế phí, phí bảo hiểm, phí vận chuyển, phí gia công, chi phí bán hàng… cũng không thể đẩy giá vàng miếng SJC lên cao như mức giá đấu thầu của NHNN”.

Không lo sợ vàng ngủ yên trong két

Ngoài ra, ông Huỳnh Trung Khánh cho biết thêm: Theo quy định hiện này, SJC vẫn là thương hiệu độc quyền vàng miếng SJC nhưng NHNN nên xem xét cho phép một số doanh nghiệp đủ điều kiện được nhập khẩu vàng nguyên liệu.

"Hiện nay, lãi suất tiền gửi ngân hàng vẫn ở mức thấp, thị trường bất động sản chưa phục hồi, thị trường chứng khoán quá nhiều rủi ro và cần phải có kiến thức mới đầu tư được, thị trường trái phiếu doanh nghiệp thì chưa lấy lại được niềm tin của nhà đầu tư, hay doanh nghiệp tạm thời chưa mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh… Trong khi đó, vàng có tính thanh khoản tốt và giá đang được dự báo sẽ tăng nên nhu cầu mua vàng của người dân là có thật.

Nhưng không phải họ mua rồi cất trong két đến suốt đời mà nó sẽ được dịch chuyển khi thời điểm đầu tư của các lĩnh vực khác hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trở nên thuận lợi hơn”, ông Khánh nêu quan điểm.

Còn nhớ cách đây vài tháng 2 tháng, Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam đã có kiến nghị lên NHNN cho phép 3 doanh nghiệp là PNJ, SJC, DOJI được nhập 1,5 tấn vàng/năm để chế tác vàng nữ trang.

Với 1,5 tấn vàng nguyên liệu nếu tính cả tiền nhập khẩu, thuế phí sẽ tốn đâu đó 100 triệu USD (mỗi doanh nghiệp cần chuẩn bị hơn 30 triệu USD/500kg vàng).

Đáng chú ý, không phải 3 doanh nghiệp nhập một lần 1,5 tấn mà sẽ được chia ra theo từng giai đoạn, tuỳ theo nhu cầu của từng doanh nghiệp trong từng thời điểm nhất định.

Thực chất con số đề xuất này không lớn, bởi thực tế nhu cầu vàng nguyên liệu của các doanh nghiệp sản xuất vàng nữ trang đạt khoảng 20 tấn/năm do xu hướng tiêu dùng vàng dịch chuyển từ mục đích tích trữ sang thời trang, làm đẹp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm