Theo tờ USA Today, cách đây chưa đầy 2 tháng, Washington đã thành công trong việc hồi hương cựu thủy quân lục chiến Mỹ Trevor Reed - người lúc đó đang thụ án 9 năm tù ở Nga - bằng việc trao đổi ông ta với một công dân Moscow bị giam ở Mỹ vì buôn lậu ma túy.
Giờ đây, một quan chức hàng đầu của Ukraine cho biết Kiev đang nỗ lực thực hiện một cuộc trao đổi tù nhân để trả tự do cho 2 cựu binh Mỹ (gồm Alexander Drueke, 39 tuổi và Andy Huynh, 27 tuổi) bị quân Nga bắt giữ khi đang chiến đấu cho Ukraine.
Tuy nhiên, một số chuyên gia và cựu đại sứ Mỹ dự đoán rằng nỗ lực đàm phán trao đổi tù nhân sẽ không mấy suôn sẻ khi mối quan hệ Moscow-Washington hiện đang ở mức thấp chưa từng có. Nga cũng sẽ tận dụng cơ hội này để làm thoái chí công dân nước ngoài muốn chiến đấu cho Ukraine.
|
Alexander Drueke, 39 tuổi, bị Nga bắt với cáo buộc là lính đánh thuê ở Ukraine. Ảnh: RU-RTR |
Theo ông William Pomeranz - Quyền giám đốc Viện Kennan của Trung tâm Wilson, nơi chuyên nghiên cứu về Nga và Ukraine, “nếu mục tiêu của Nga là làm nản chí, là trừng phạt những ai tham chiến, thì họ sẽ không sớm thả những người này”.
Ông cũng cho rằng khi Nga chịu đàm phán, họ cũng sẽ đưa ra nhiều điều kiện để trao đổi tù binh, nghĩa là Mỹ sẽ phải dành nhiều công sức nếu muốn giải cứu 2 cựu binh.
Bà Dianna Shaw (người nhà của Drueke) chia sẻ với USA Today rằng Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo họ đã thực hiện mọi cách có thể để liên lạc với phía Nga và thương lượng về việc thả 2 người này.
Tuần trước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết các quan chức nước này đã liên lạc với giới chức Ukraine và Nga, nhưng không được cung cấp chi tiết về vị trí của 2 cựu binh.
Liệu Nga có đồng ý hoán đổi tù nhân?
Quân đội Nga cho biết họ coi những người nước ngoài chiến đấu với Ukraine là lính đánh thuê, theo đó những người này sẽ không được bảo vệ với tư cách binh lính theo Công ước Geneva.
Phát ngôn viên Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov gọi 2 công dân Mỹ bị bắt là "lính đánh thuê" và số phận của họ sẽ do tòa án quyết định. Ông không loại trừ khả năng tuyên án tử với 2 cựu binh và nói rằng “họ nên bị trừng phạt”, tờ NBC News đưa tin.
Trao đổi với USA Today vào tuần trước tại Kiev, Thiếu tướng Kyrylo Budanov - Tổng Cục trưởng Tình báo Quốc phòng Ukraine - xác nhận thông tin rằng các công dân Mỹ đang bị giam giữ trong nhà tù ở Donbass.
"Cách thức giải quyết vụ này không dễ dàng. Nó rất phức tạp, nhưng chúng tôi nhận thấy có hướng giải quyết. Có thể sẽ ít nhiều liên quan đến việc trao đổi tù binh. Chúng tôi đang giữ những người mà người Nga rất cần. Mọi việc sẽ không xong ngay chỉ trong một hoặc hai tuần mà sẽ mất vài tháng" - ông Budanov nói.
|
Andy Huynh, 27 tuổi, là một trong 2 cựu binh Mỹ bị Nga bắt ở Ukraine. Ảnh: RU-RTR |
Quan hệ Mỹ-Nga thấp chưa từng có
Ông William Tayor - cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine và Phó Chủ tịch Viện Hòa bình Mỹ - cho biết trạng thái xấu hiện tại của quan hệ Mỹ-Nga đang cản trở những nỗ lực của Bộ Ngoại giao Mỹ và các đại sứ quán của Washington ở Kiev và Moscow trong việc tìm cách trả tự do cho 2 cựu binh.
Theo ông Pomeranz, phía Nga hiện cũng không cho thấy bất kỳ ý muốn đàm phán nào về vấn đề này.
Ông Melvyn Levitsky - cựu Đại sứ Mỹ tại Bulgaria và là GS chính sách quốc tế tại ĐH Michigan (Mỹ) - nhận định rằng việc trao đổi tù nhân chiến tranh thường dễ xảy ra khi xung đột qua đi, mà cuộc chiến ở Ukraine hiện vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.
Theo ông Levitsky, sự hiện diện của lính tình nguyện nước ngoài trên chiến trường Ukraine khiến việc đàm phán trở nên phức tạp hơn nhiều, không giống nỗ lực hồi hương các nhân vật bị bắt giữ dựa trên cơ sở luật pháp Nga.
2 cựu binh Drueke và Huynh được xem là những công dân Mỹ đầu tiên bị Nga bắt giữ kể từ khi chiến sự Nga-Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2. Ông Levitsky lưu ý có thể Moscow sẽ coi những tù nhân này là phương tiện gây ảnh hưởng.
Theo USA Today, gia đình của 2 cựu binh đều bác bỏ cáo buộc của Nga rằng 2 người đàn ông là “lính đánh thuê” và nói rằng họ tự bỏ tiền túi để sang Ukraine chiến đấu.
Liệu Mỹ có dốc hết sức cứu 2 cựu binh?
Theo ông Nir Arielli - PGS lịch sử quốc tế tại ĐH Leeds (Anh), công dân Mỹ đã từng tình nguyện tham chiến trong các cuộc xung đột nước ngoài trước đây, bao gồm cuộc nội chiến Tây Ban Nha, chiến tranh Ả Rập-Israel lần thứ nhất và nội chiến Syria, USA Today đưa tin.
Ông Jason Fritz - giảng viên tại ĐH Johns Hopkins (Mỹ) - cho biết trong khoảng 100 lính tình nguyện Mỹ sang Syria chiến đấu chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), chưa thấy ai bị bắt mà lại được trao trả về Mỹ.
Ông cho rằng chính quyền Washington sẽ không cử lực lượng đặc nhiệm để giải cứu những người này. Theo ông, giới chức Mỹ luôn cố khuyên ngăn người dân không nên tình nguyện tham chiến nước ngoài dù điều này không vi phạm pháp luật.