S-70 là nỗ lực của Nga nhằm tạo ra một loại máy bay không người lái (UAV) tàng hình. Dù đây có vẻ là một ý tưởng thông minh, nhưng nó sẽ cần nhiều năm thử nghiệm và đòi hỏi một nguồn ngân sách ổn định để hiện thực hóa nỗ lực này.
Sau khi trao đổi với một chuyên gia quân sự người Nga, ông Wesley Culp - chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu về Tổng thống và Quốc hội Mỹ - đã có bài viết trên tờ 19fortyfive về phương tiện được gọi là “thợ săn siêu tàng hình” này của Moscow.
UAV S-70 còn được gọi là Okhotnik-B, hiện đang được phát triển để bổ trợ cho tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm Su-57 của Nga. Phía Nga công bố rằng S-70 đã hoàn thành xuất sắc các cuộc thử nghiệm tấn công chính xác đầu tiên. Tuy nhiên, theo ông Culp, hầu hết những gì được biết đến về UAV này đều là do phía Nga cung cấp, và rất có thể chúng đã được “nêm nếm” đôi chút.
Máy bay không người lái S-70 hiện đang được Nga phát triển. Ảnh: CREATIVE COMMONS |
Các thử nghiệm mới nhất của S-70
Ngày 28-5, truyền thông nhà nước Nga đưa tin S-70 đã thực hiện thành công một loạt cuộc thử nghiệm tấn công chính xác nhằm vào các mục tiêu mặt đất.
Để phù hợp với sự phát triển của máy bay chiến đấu đa nhiệm Su-57, S-70 đã sử dụng tên lửa mà Su-57 sử dụng trong các cuộc tấn công thử nghiệm gần đây.
Nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga nói thêm với truyền thông nước này rằng S-70 còn cho thấy khả năng thả bom “ngu” (bom rơi tự do, không có hệ thống dẫn đường), Bộ Quốc phòng Nga sau đó đã xác nhận thông tin. Theo truyền thông Nga, S-70 đã tấn công thành công nhiều mục tiêu trong các điều kiện thời tiết khác nhau, trong đó có các mục tiêu “cỡ nhỏ và được ngụy trang”.
Cánh tay đắc lực của Su-57
S-70 hiện là UAV tiên tiến nhất đang được ngành công nghiệp quốc phòng của Nga phát triển. Có rất ít thông tin chi tiết về năng lực hoạt động chính xác của mẫu UAV này.
Được trang bị một động cơ Saturn Al-41F1, S-70 có thể đạt tốc độ tối đa lên đến 1.000 km/giờ. S-70 cũng được trang bị khoang chứa vũ khí bên trong, giúp làm tăng khả năng tàng hình của máy bay.
S-70 sử dụng cùng loại động cơ với Su-57, đều là sản phẩm của Sukhoi - một công ty quốc phòng Nga. Theo ông Culp, chương trình phát triển S-70 được liên kết chặt chẽ với S-57. Mẫu UAV này được thiết kế để hoạt động như một "cánh tay đắc lực" của Su-57. Theo đó, máy tính trên Su-57 có thể điều phối hoạt động của S-70 khi chiến đấu.
Phiên bản mới có gì?
Một trong những thách thức kỹ thuật lớn nhất trong quá trình phát triển S-70 là làm sao cho mẫu UAV có thể tàng hình hoàn toàn. Cấu hình động cơ ban đầu của máy bay đã cản trở khả năng tàng hình của nó.
Tuy nhiên, phiên bản mới nhất của S-70, ra mắt tại Hiệp hội Sản xuất Máy bay Novosibirsk vào tháng 12-2021, đã cho thấy có nhiều thay đổi trên máy bay, giúp tăng cường khả năng hoạt động bí mật của nó.
Ở phiên bản mới, một số bộ phận, chẳng hạn như ống khói phía sau, cửa hút gió, lỗ thoát khí và ăng-ten, hoặc là bị loại bỏ, hoặc thay đổi theo hướng giúp gia tăng khả năng tàng hình của S-70.
Trở ngại trong quá trình phát triển S-70
Hợp đồng phát triển và chế tạo UAV hạng nặng cho các lực lượng vũ trang Nga được Sukhoi và chính phủ Nga ký kết lần đầu tiên vào năm 2011. Tuy nhiên, phải đến năm 2019, UAV này mới có chuyến bay đầu tiên.
Trong báo cáo gửi Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Yuri Slyusar - người đứng đầu Tập đoàn chế tạo máy bay thống nhất (UAC) của Nga (sở hữu Sukhoi) - tuyên bố rằng S-70 sẽ được chuyển giao cho lực lượng vũ trang Nga vào nửa đầu năm 2024. Mặc dù vậy, chưa có bằng chứng nào chứng minh rằng quá trình phát triển S-70 sẽ diễn ra nhanh hơn trong tương lai so với giai đoạn phát triển ban đầu.
Một trở ngại khác đối với S-70, cũng như với bất kỳ dự án tiên tiến nào khác của Nga, là khả năng chương trình phát triển UAV sẽ rơi vào vòng xoáy nghiên cứu và mua sắm vốn đang gặp nhiều khó khăn của Nga. Vấn đề này sẽ còn trở nên tồi tệ hơn do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, khi cấm Moscow nhập khẩu một số công nghệ quân sự và công nghệ lưỡng dụng.
Theo ông Culp, S-70 chắc chắn là một trong những UAV lái tiên tiến nhất của Nga, song nó còn phải vượt qua nhiều trở ngại nữa trước khi có thể được đưa vào sử dụng hoàn toàn.