Vì sao Nga không đưa xe tăng hiện đại nhất T-14 Armata tham chiến ở Ukraine?

(PLO)- Nga không có đủ số lượng xe tăng T-14 Armata để sử dụng chúng một cách hiệu quả trên chiến trường Ukraine. Nếu triển khai xe tăng hiện đại nhất này cùng với những xe tăng đời cũ sẽ chỉ khiến T-14 gặp nguy hiểm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

T-14 Armata là xe tăng chiến đấu chủ lực của quân đội Nga và từ lâu đã được coi là một vũ khí có thể giúp thay đổi cuộc chơi cho Moscow. Kể từ khi lần đầu được trình làng tại lễ duyệt binh Ngày chiến thắng năm 2015 tại thủ đô Moscow (Nga), khả năng tiên tiến của T-14 Armata không ngừng được ca ngợi.

Tuy nhiên, T-14 đã vắng mặt trên chiến trường Ukraine – nơi lẽ ra nó cần có mặt nhiều nhất- khi Nga bắt đầu phát động chiến dịch quân sự ở nước láng giềng hồi tháng 2, theo trang 19fortyfive.

Xe tăng T-14 Armata

Xe tăng thế hệ kế tiếp T-14 của Nga đáng chú ý ở chỗ nó có thiết bị được số hóa hoàn toàn, một tháp pháo tự động và một khoang riêng có bọc thép cho tổ lái.

Nguyên mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata của Nga tại lễ duyệt binh Ngày chiến thắng năm 2015. Ảnh: 19FORTYFIVE.COM

Nguyên mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata của Nga tại lễ duyệt binh Ngày chiến thắng năm 2015. Ảnh: 19FORTYFIVE.COM

Dự án Armata bắt đầu được tiến hành vào năm 2010 khi Bộ Quốc phòng Nga chấm dứt chương trình T-95.

Toàn bộ dự án Armata được coi là một bước nhảy vọt về công nghệ so với các thiết kế khí tài quân sự thời Liên Xô và ngay từ đầu T-14 rất khác biệt so với các nền tảng xe tăng của Liên Xô/Nga trước đây.

T-14 Armata còn gây chú ý ở chỗ mỗi bên sườn xe tăng có 7 bánh xích thay vì 6 bánh xích truyền thống thường thấy trong hầu hết các xe tăng chiến đấu chủ lực của Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh hoặc thậm chí của Nga ngày nay. T-14 còn có nhiều khoang hơn so với các xe tăng phương Tây đương thời.

Một trong số các đặc điểm cải tiến của T-14 là tháp pháo tự động, được phát triển để chứa pháo nòng trơn 2A82-1M 125 mm được điều khiển từ xa và bộ nạp đạn hoàn toàn tự động.

Trong băng đạn của xe tăng có tổng cộng 45 viên đạn. Pháo chính cũng được thiết kế để bắn tên lửa dẫn đường bằng laser. Ngoài ra, pháo 2A82 125 mm thậm chí có thể được nâng cấp thành pháo 2A83 152 mm. T-14 còn được trang bị vũ khí phụ bao gồm súng máy Kord 12.7 mm hoặc PKTM 7.62 mm.

Tổ lái có ba người gồm chỉ huy, lái xe và xạ thủ, tất cả ngồi trong một khoang riêng được bọc thép ở phía trước thân xe tăng, tách biệt với bộ nạp đạn tự động cũng như kho đạn ở trung tâm xe tăng. Điều này giúp tăng khả năng sống sót cho tổ lái.

Tháp pháo của T-14 cũng được tích hợp cột khí tượng, liên lạc vệ tinh, hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (GLONASS), ăng ten liên kết dữ liệu và liên lạc vô tuyến.

Vì sao Nga không đưa T-14 sang tham chiến ở Ukraine?

T-14 không có mặt trên chiến trường Ukraine, đơn giản vì Nga không có đủ số lượng xe tăng này để điều động.

Xe tăng Armata T-14. Ảnh: YOUTUBE

Xe tăng Armata T-14. Ảnh: YOUTUBE

Uralvagonzavod, công ty sản xuất xe tăng T-14 ban đầu cho biết T-14 sẽ được bàn giao cho quân đội Nga vào năm 2018, nhưng sau đó 9 chiếc T-14 đầu tiên đã bị đẩy sang năm 2019 mới được bàn giao. Sau mốc thời gian này, phía công ty Uralvagonzavod nói 20 chiếc T-14 sẽ được thử nghiệm và 80 chiếc sẽ sẵn sàng hoạt động vào cuối năm 2021.

Năm ngoái Nga đã thông báo rằng xe tăng T-14 Armata sẽ được đưa vào sản xuất hàng loạt trong năm nay nhưng có vẻ mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực tiên tiến này sẽ không sẵn sàng sớm nhất là sang năm sau.

Do đó dễ hiểu tại sao T-14 không tham chiến ở Ukraine. Nga đơn giản không có đủ số lượng xe tăng loại này để sử dụng chúng một cách hiệu quả. Có rất ít lý do để Nga triển khai chỉ một vài chiếc T-14 bởi khó mang lại lợi thế rõ rệt mặc dù mẫu xe tăng này chạy nhanh hơn và khả năng hoạt động cao hơn những xe tăng đời cũ đang được điều động ở Ukraine.

Nếu có bất cứ tính toán nào với mong muốn đưa T-14 ra chiến trường Ukraine thì Nga cần phải cân nhắc kỹ vì triển khai xe tăng hiện đại nhất này cùng với những xe tăng đời cũ sẽ chỉ khiến T-14 gặp nguy hiểm.

Một điều cần cân nhắc khác là Nga không thể để mất bất kỳ chiếc T-14 nào. Đó có thể là điều tốt nhất cho Nga vì mỗi chiếc T-14 được cho có giá hơn 3,7 triệu USD, gần 20 lần giá của một tên lửa chống tăng Javelin do Mỹ sản xuất, khoảng 175.000 USD.

Lực lượng Ukraine đã sử dụng hiệu quả tên lửa chống tăng Javelin và NLAW của Anh để phá hủy nhiều xe tăng Nga. Vì thế, việc triển khai xe tăng T-14 Armata không đáng để mạo hiểm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm