Xe tăng T-90M của Nga có thể sống sót trước tên lửa Javelin trên chiến trường Ukraine?

(PLO)- Xe tăng T-90M của Nga được đánh giá là "cơn ác mộng" của quân đội Ukraine. Tuy nhiên, bất chấp những dự đoán T-90M có khả năng sống sót trước tên lửa chống tăng Javelin của Mỹ, thực tế cho thấy phương tiện này có vẻ dễ bị tấn công.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo trang 19fortyfive, có thể nói xe tăng chiến đấu T-90M Proryv-3 của Nga xuất hiện tại tỉnh Kharkiv của Ukraine hôm 25-4 là thông tin đáng chú ý. Là phiên bản cải tiến của T-90, xe tăng T-90M Proryv-3 được cho là có lớp giáp gần như không thể bị phá hủy, điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi về tính hiệu quả của tên lửa chống tăng Javelin và NLAW mà Mỹ và Anh đã cung cấp cho Ukraine. Đây là hai loại vũ khí từng tiêu diệt xe tăng cũ hơn của Nga.

Tên lửa chống tăng Javelin trong một cuộc diễn tập bắn đạn thật của quân đội Mỹ tại trung tâm huấn luyện Camp Fuji (Nhật). Ảnh: WikiCommons / Marine Corps Lance Corporal Jonathan Willcox

Tên lửa chống tăng Javelin trong một cuộc diễn tập bắn đạn thật của quân đội Mỹ tại trung tâm huấn luyện Camp Fuji (Nhật). Ảnh: WikiCommons / Marine Corps Lance Corporal Jonathan Willcox

Không lâu sau đó xuất hiện thông tin một xe tăng T-90M bị bắn cháy và được cho là do trúng tên lửa Javelin. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga và quân đội Ukraine không bình luận thông tin này.

Xe tăng T-90M

T-90M hoàn toàn khác biệt với xe tăng T-72 và T-80, hai loại xe tăng từng bị hệ thống chống tăng của Ukraine làm tê liệt kể từ khi xung đột nổ ra.

T-90M Proryv-3 lần đầu ra mắt năm 2017 với những cải tiến đáng kể so với mẫu xe tăng đời trước đó T-90. Xe tăng T-90M Proryv-3 được trang bị giáp phản ứng nổ (ERA), pháo chính nòng trơn mới 2A46M-4 125 mm cùng tháp pháo hiện đại, tầm bắn xa hơn và độ chính xác được cải thiện 15-20%. Đồng thời T-90M Proryv-3 có khả năng tiêu diệt xe tăng đối phương ở khoảng cách 4-5 km.

Xe tăng T-90M của Nga. Ảnh: Russian State Media

Xe tăng T-90M của Nga. Ảnh: Russian State Media

Ngoài ra, mẫu T-90M sử dụng động cơ diesel công suất 1.000-1.130 mã lực và hộp số tự động. Cỗ máy chiến đấu này có thể di chuyển với tốc độ 70 km/giờ.

T-90M còn được trang bị hệ thống ngắn bắn đa kênh mới, có thể cho phép sử dụng vũ khí bất kỳ thời điểm nào trong ngày và có thể trao đổi dữ liệu với các phương tiện khác trong thời gian thực. Cùng với hệ thống điều khiển hỏa lực tự động Kalina, hệ thống nạp đạn tự động kiểu băng chuyền 22 viên và hệ thống chữa cháy cải tiến, chiếc xe tăng đã tăng khả năng chiến đấu cũng như đem lại khả năng sống sót cao hơn cho tổ lái.

T-90M còn có lớp phủ chống trượt đặc biệt tương tự loại sử dụng trên xe tăng T-14 Armata mới nhất.

Nói tóm lại, xe tăng T-90M được đánh giá là ác mộng của quân đội Ukraine. Tuy nhiên, bất chấp những dự đoán rằng T-90M có khả năng sống sót trước tên lửa chống tăng Javelin của Mỹ thì thực tế cho thấy nó có vẻ dễ bị tấn công.

T-90M không hoàn hảo

Khả năng sống sót của xe tăng T-90M trên chiến trường Ukraine vẫn chưa được chứng minh.

Tại Syria, năm chiếc T-90 đã bị lực lượng nổi dậy Syria phá hủy bằng vũ khí chống tăng tiêu chuẩn. Dù đây không phải là phiên bản T-90M nhưng điều này chắc chắn sẽ khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu các tính năng của xe tăng T-90M cải tiến có bị thổi phồng hay không.

Có lẽ điểm yếu lớn nhất của T-90M là đạn được tích trữ bên trong tháp pháo – một mục tiêu hoàn hảo cho tên lửa Javelin. Thật vậy, lực lượng Ukraine sử dụng hệ thống tên lửa này đã được huấn luyện nhắm mục tiêu đặc biệt vào phần đầu xe tăng cũng vì lý do này.

Tên lửa Javelin sử dụng cơ chế dẫn đường hồng ngoại với các ống ngắm quang học. Vì hệ thống bảo vệ của xe tăng T-90 được thiết kế để thu nhận tia laser, điều này cho phép tên lửa Javelin né tránh hệ thống phòng thủ của xe tăng.

Xe tăng Nga ở Ukraine đã cũ, lỗi thời và không hiệu quả

Các xe tăng chiến đấu chủ lực của Nga đã bị phá hủy trong cuộc chiến tranh ở Ukraine. Nhiều chiếc bị phá hủy và nằm trên đường, một số thì bị vũ khí hiện đại như tên lửa chống tăng vác vai Javelin của Mỹ phá hủy, một số thì bị vũ khí chống tăng di động do Ukraine sản xuất như Stugna-P tiêu diệt, một số khác thì bị máy bay không người lái (UAV) Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ hạ gục.

Xe tăng Nga bị phá hủy tại Ukraine. Ảnh: TWITTER

Xe tăng Nga bị phá hủy tại Ukraine. Ảnh: TWITTER

Theo trang Asia Times, các xe tăng mà Nga triển khai trên chiến trường Ukraine đều đã cũ và lỗi thời, không còn phù hợp với chiến trường của thế kỷ 21.

Nhiều chuyên gia đã chỉ trích hoạt động thiết giáp của Nga. Theo đó, xe tăng của Nga thường được sử dụng trong không gian đô thị, nơi chúng khó có thể di chuyển. Xe tăng Nga đặc biệt dễ bị tấn công từ phía trên.

Chỉ trích của giới chuyên gia còn tập trung vào các lỗ hổng trong thiết kế của xe tăng Nga. Khi một xe tăng Nga bị bắn trúng, đạn dược nằm gần hệ thống pháo và được tích trữ xung quanh bộ nạp tự động phát nổ, thổi bay tháp pháo lên không trung. Trong tình huống đó, khả năng sống sót của kíp lái là rất thấp.

Bên cạnh đó, các binh sĩ lái xe tăng của Nga cũng không được huấn luyện đầy đủ cũng là nguyên nhân dẫn tới thảm họa.

Nhưng ngay cả khi bỏ qua tất cả sai sót trên, sự thật là Nga đang chiến đấu với thiết bị cũ kỹ và lỗi thời đáng kể. Điều này khiến xe tăng khó có cơ hội sống sót dù thậm chí các chỉ huy chiến trường của Nga đã làm mọi thứ đúng đắn và binh sĩ Nga đã được đào tạo bài bản.

Xe tăng chiến đấu chủ lực của Nga tại chiến trường Ukraine là T-72. Nga cũng vận hành một lượng nhỏ xe tăng T-80 và T-90.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm