Liệu Nga, Trung có liên minh đối phó Mỹ?

Tạp chí The Diplomat đưa bài viết của TS Natasha Kuhrt, giảng viên về hòa bình và an ninh quốc tế tại Khoa nghiên cứu chiến tranh thuộc ĐH King (London, Anh) và TS Marcin Kaczmarski, giảng viên về nghiên cứu an ninh tại Trường Khoa học xã hội và Chính trị thuộc ĐH Glasgow (Scotland), về vấn đề này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải). Ảnh: AAP

Theo hai chuyên gia này, nhiều nhà hoạch định chính sách ở phương Tây đánh giá quan hệ Nga - Trung chủ yếu được định hình từ áp lực mà hai nước này phải chịu từ Mỹ.

Chiến lược An ninh quốc gia Mỹ năm 2017 xác định cả hai nước là “các nhà cạnh tranh chiến lược”, hay từ khi Chiến lược quốc phòng Mỹ năm 2018 cảnh báo rằng Mỹ có thể chiến đấu ở cả hai mặt trận. Một tài liệu của tổ chức RAND (Mỹ, chuyên nghiên cứu phát triển chính sách công) năm 2018 cũng nhắc tới hai đối thủ này và đánh giá TQ đáng lo hơn với Mỹ so với Nga. Ông Biden cũng mô tả Nga là đối thủ, trong khi đó TQ lại là một kẻ cạnh tranh đáng gờm.

Theo logic, mức độ quan hệ Nga - Trung tùy vào mức áp lực mà hai nước phải chịu từ Mỹ thì quan hệ hai nước đã phải được củng cố thắt chặt hơn sau các diễn biến trên. Tuy nhiên, thực tế hợp tác hai nước này trong vài năm qua lại không hẳn thế.

Ở một số mặt, chẳng hạn về chính trị hay thái độ chống đối phương Tây, về năng lượng hay an ninh, quan hệ Nga - Trung khá phát triển. Nga và TQ cùng cải thiện vị thế trong hệ thống Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, ở mặt khác vẫn còn nhiều trở ngại ngăn hai nước này thật sự bắt tay liên minh. Không bên nào muốn công nhận các chính sách gây tranh cãi của bên kia, chẳng hạn cách Nga đối xử với Ukraine, hay các hành động hiếu chiến của TQ ở Biển Đông. Một điều nữa, so với Mỹ, thị trường Nga không nhiều tiềm lực - về thương mại, đầu tư, công nghệ - để TQ khai thác phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, chính sách ngày càng hiếu chiến của TQ với các đối tác truyền thống của Nga ở châu Á cũng làm Nga khó xử. Trong chuyện xung đột biên giới giữa TQ và Ấn Độ, Nga chỉ có thể xoa dịu cả hai bên và giữ thế trung lập. Nếu liên minh với TQ, Nga sẽ không thể làm được điều này. Hơn nữa, Nga hiện vẫn tiếp tục bán vũ khí cho Ấn Độ.

Chuyện TQ ký thỏa thuận đầu tư với EU cũng có thể là tin xấu với Nga, vốn muốn hợp tác với TQ để nối kết dự án Vành đai và Con đường (TQ) với Liên minh kinh tế Á Âu (gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan). Nga hiện vẫn kiểm soát hệ thống đường sắt mà TQ cần để vươn tới châu Âu. Tuy nhiên, TQ sẽ sớm phát triển một hệ thống hạ tầng khác để đảm bảo mình không cần phải phụ thuộc vào Nga.

Tóm lại, Mỹ là vấn đề với cả hai nước nhưng điều này sẽ không đủ khiến Nga và TQ quyết định liên minh, theo các chuyên gia.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm