Theo Korea Times, năm 2000, khi ông Trump lần đầu tranh cử tổng thống, ông có nói trong cuốn sách của mình, "The America We Deserve" (tạm dịch: Nước Mỹ chúng ta xứng đáng được hưởng), rằng ông ủng hộ tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên.
Khi ông bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, ông Trump đã thể hiện thái độ đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
“Khủng bố IS là một vấn đề lớn, Nga cũng là vấn đề lớn, Trung Quốc cũng vậy. Chúng ta có rất nhiều vấn đề. Triều Tiên cũng trở thành vấn đề. Họ thật sự có vũ khí hạt nhân sao?” - ông Trump nói, ám chỉ ông Kim Jong-un, trong một bài phát biểu tranh cử ở Nam Carolina hồi tháng 12-2015.
Tân tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) nhiều lần đề nghị gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: KOREA TIMES
Trong đợt tranh cử vừa qua, ông Trump lại cho rằng Triều Tiên là vấn đề của Trung Quốc chứ không phải của Mỹ. “Tôi sẽ để Trung Quốc khiến nước này biến mất” - tổng thống vừa đắc cử Donald Trump từng nói trong chương trình “This Morning” của đài CBS TV hồi tháng 2.
Ông Donald Trump cũng đã vài lần đề cập rằng ông sẵn sàng đối thoại với ông Kim Jong-un một khi được bầu làm tổng thống. Trong một cuộc phỏng vấn với hãng Reuters hồi tháng 5, tân tổng thống Mỹ có nói ông sẽ “nói chuyện với ông Kim” và “sẽ không gặp vấn đề gì" khi nói chuyện với ông ấy.
Đến tháng 6, khi đang vận động tranh cử ở Redding, California, ông Trump nói có thể không gặp ông Kim Jong-un tại Triều Tiên nhưng vẫn có thể đón ông Kim đến Mỹ để đối thoại. Ông cũng chỉ trích các chuyên gia ngoại giao của Mỹ không đàm phán với nhà lãnh đạo trẻ Triều Tiên.
Tuy nhiên, ông So Se-pyong, Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc, lại tỏ ra không mấy nhiệt tình với đề nghị gặp ông Kim của ông Trump. “Quyết định gặp hay không thuộc về nhà lãnh đạo tối cao của nước tôi nhưng tôi nghĩ ý tưởng này thật là vô nghĩa. Đây chỉ là một kiểu tuyên truyền hoặc quảng cáo” - Reuters dẫn lời ông So Se Pyong, Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc, bình luận.
Tuy nhiên trong tháng 6, Bình Nhưỡng đã bất ngờ dành tặng cho ông Trump những lời khen có cánh. Trang web truyền thông của nhà nước Triều Tiên DPRK cũng từng đăng bài xã luận ca ngợi ông Donald Trump là "chính trị gia khôn ngoan", "ứng viên tổng thống có tầm nhìn xa".
Tờ The Washington Post cho rằng truyền thông Triều Tiên khen ngợi ông Trump do ông đã đưa ra những quan điểm có lợi cho nước này. Cụ thể là ý tưởng rút binh sĩ Mỹ khỏi Hàn Quốc nếu Seoul không tăng hỗ trợ chi phí cho Mỹ. "Tôi sẽ không vui vẻ gì khi làm điều này nhưng tôi sẵn sàng làm. Chúng ta không thể cứ để mất đi hàng tỉ USD".
Trong một diễn biến liên quan, AFP đưa tin một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 10-11 cho hay Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ qua Mỹ gặp tân Tổng thống Donald Trump vào ngày 17-11. Ông Abe sẽ có chuyến đi tới Peru tham dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Trước khi tới Peru, ông tới New York.
Ngay sau khi ông Trump đắc cử, Thủ tướng Abe đã gọi điện thoại chúc mừng ông Trump. Cuộc nói chuyện qua điện thoại diễn ra trong 20 phút. Ông Abe đã nói về tầm quan trọng của mối quan hệ song phương và liên minh Nhật-Mỹ. Ông cũng nhấn mạnh củng cố nền hòa bình và ổn định khu vực châu Á-Thái Bình Dương, theo quan chức ngoại giao Nhật Bản.
Đáp lại, ông Trump cho biết ông hy vọng sự vững mạnh trong quan hệ Mỹ-Nhật sẽ tiến triển hơn. Ông Trump cũng đánh giá cao chính sách kinh tế của ông Abe và hy vọng sớm làm việc với ông. Nguồn tin từ chối cung cấp thêm thông tin.