Liệu robot có thể trở thành tổng thống?

Hiện tại, một nhóm nhỏ các nhà khoa học và các nhà tư tưởng tin rằng nếu công nghệ tiến bộ đủ tốt thì nhân loại nên để robot quản lý đất nước. Nhân loại có thể có phiên bản đầu tiên về robot tổng thống trong vòng 10 hoặc 15 năm tới.

Một chiếc máy tính mang tâm trí… tổng thống

Mark Waser là một nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo làm việc lâu năm tại viện Trí tuệ số cho biết nếu chúng ta sửa một số nhược điểm quan trọng về trí tuệ nhân tạo, người máy sẽ ra quyết định tốt hơn con người.

Là chủ tịch của Humanity+, một tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ việc sử dụng công nghệ để mở rộng năng lực của con người, bà Natasha Vita-More hy vọng rằng một ngày nào đó loài người sẽ có một người máy tổng thống. Đây sẽ là một nhà lãnh đạo không có cơ thể con người nhưng vẫn tồn tại được bằng một số cách, chẳng hạn như một máy tính mang tâm trí con người.

Zoltan Istvan, người đã tranh cử cho chức tổng thống Mỹ vào năm 2016 với tư cách là một người theo chủ nghĩa siêu thể. Chủ nghĩa này hoạt động dựa trên công cuộc tìm kiếm sự bất tử cho con người. Ông Istvan là người đề xướng việc người máy sẽ lên làm tổng thống đã phát biểu: “Một người máy tổng thống không thể bị các nhà vận động hành lang mua chuộc. Nó sẽ không bị ảnh hưởng bởi vấn đề tiền bạc hoặc các vấn đề cá nhân. Người máy sẽ không quan liêu như chúng ta đang gặp phải ngay tại Nhà Trắng”.

Nhân loại có thể có phiên bản đầu tiên về robot tổng thống trong vòng 10 hoặc 15 năm tới.

Biến phim khoa học viễn tưởng thành sự thật

Trong nhiều thập niên qua, ý tưởng về việc một nhà cai trị người máy đã xuất hiện trong thể loại khoa học viễn tưởng. Năm 1950, bộ truyện ngắn của Isaac Asimov mang tên I, Robot đã mô tả về một thế giới tồn tại người máy mang ý thức và trí thông minh giống con người. Chúng được kiểm soát bởi ba luật lệ dành cho người máy. Một trong số đó là người máy không gây thương tích cho con người và cho phép con người tấn công chúng mà không đáp trả. Trong loạt truyện Culture của tác giả Iain Banks, hệ thống máy tính hoạt động như một chính phủ, tìm cách phân bổ xã hội lẫn phân phối các nguồn lực một cách tốt nhất. Gần đây hơn, bộ phim Her đã gieo hy vọng cho việc những cỗ máy hoạt động giống con người.

Ông Waser cho biết: “Tôi là một trong những người tin rằng nhân loại sẽ có được trí thông minh ở cấp độ con người sớm hơn nhiều so với hầu hết mọi người vẫn nghĩ. Khoảng năm 2008, tôi đã nói rằng con người sẽ có được trí tuệ nhân tạo này khi đến gần năm 2025. 10 năm sau, tôi không thấy bất kỳ lý do gì khiến tôi sửa đổi lại ước tính đó”.

Robot tổng thống khó giải quyết chuyện… phá thai

Trong thực tế, thay thế một con người bằng một robot hoạt động trong Nhà Trắng sẽ không đơn giản. Thậm chí những người tin tưởng về sự xuất hiện của nhà lãnh đạo người máy cũng thừa nhận sẽ có những trở ngại nghiêm trọng.

Đầu tiên, không ai biết được máy tính sẽ lãnh đạo như thế nào. Theo ông Istvan hình dung, trong các cuộc bầu cử quốc gia thường kỳ, các cử tri sẽ quyết định những ưu tiên nào dành cho người máy và làm thế nào để người máy giải quyết các vấn đề đạo đức, chẳng hạn như việc phá thai. Các cử tri sẽ có cơ hội trong cuộc bầu cử tiếp theo để thay đổi những sự lựa chọn đó. Việc lập trình hệ thống ban đầu chắc chắn sẽ gây nhiều tranh cãi và các lập trình viên cũng có thể cần phải được bầu cử. Tất cả điều này sẽ đòi hỏi việc sửa đổi hiến pháp.

Biết thiên vị và… phân biệt chủng tộc

Trong một trường hợp khác khi mà trí tuệ nhân tạo có thể thay đổi cuộc đời của một con người, một hệ thống trí tuệ nhân tạo được sử dụng bởi các tòa án trên cả nước để xác định nguy cơ tái phạm của bị cáo. Căn cứ vào đó, tòa án sẽ đưa ra các quyết định xử phạt và số tiền bảo lãnh cần đóng. Hệ thống trông hoàn hảo cho công nghệ tự trị. Nó có thể ngấu nghiến một lượng lớn dữ liệu, tìm ra những khuôn mẫu mà mọi người có thể bỏ lỡ và tránh được các thành kiến gây hại cho các thẩm phán và công tố viên.

Tuy nhiên, tổ chức ProPublica đã mở một cuộc điều tra và cho thấy mặt tối của hệ thống này. Các báo cáo cho biết so với đối tượng là người da trắng, các đối tượng người da đen có tỉ lệ nhiều hơn 77% là sẽ tái phạm trong tương lai. Hệ thống đã không xem xét một cách rõ ràng sắc tộc của bị cáo nhưng nó lại cân nhắc một số yếu tố khác như nghèo đói và thất nghiệp. Vì vậy hệ thống đã trở nên thiên vị. Bề ngoài trông có vẻ trung lập nhưng hệ thống mang các kết quả có tính định hướng về sự bất bình đẳng.

Đây là một vấn đề cho tất cả máy tính: Đầu ra và đầu vào của chúng tốt như nhau. Nếu một hệ thống được cung cấp các thông tin mang tính phân biệt chủng tộc, hệ thống có nguy cơ đưa ra kết quả phân biệt chủng tộc.

Tháng 10-2016, chính quyền Obama đã đưa ra một báo cáo về trí tuệ nhân tạo, làm dấy lên mối quan tâm tương tự: “Dù cho các nhà phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo đều có những ý định tốt nhất nhưng họ có thể vô tình tạo ra các hệ thống mang tính thiên vị, bởi vì ngay cả các nhà phát triển ấy cũng có thể không hiểu hệ thống đủ tốt để ngăn ngừa các kết cục không mong đợi”.

Con người kết hợp robot: Bộ đôi tổng thống hoàn hảo

Đã có một số nghiên cứu chỉ ra rằng bộ đôi máy tính và con người có thể làm việc hiệu quả hơn so với việc mỗi bên tự thân vận động. Gần đây, có một thí nghiệm về việc xem các hình ảnh của tế bào hạch bạch huyết và xác định các tế bào này có gây ung thư hay không. Khi trí tuệ nhân tạo hoạt động độc lập, tỉ lệ mắc lỗi là 7,5%. Khi nhà nghiên cứu bệnh lý học hoạt động độc lập, tỉ lệ mắc lỗi là 3,5%. Nhưng khi cả máy móc và con người cùng phối hợp, tỉ lệ lỗi giảm xuống còn 0,5%. Một công ty đầu tư mạo hiểm ở Hong Kong đang đưa điều này vào thực tiễn. Thông báo vào năm 2014, công ty đã đưa trí tuệ nhân tạo vào ban giám đốc công ty nhằm đọc hiểu các con số rồi tư vấn cho hội đồng quản trị về những quyết định đầu tư cần làm.

Việc có một con người làm tổng thống cùng với sự trợ giúp từ trí tuệ nhân tạo sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn so với việc tổng thống chỉ làm việc một mình. Suy cho cùng, tổng thống không phải chỉ là người ra quyết định. Tổng thống cũng có thể là một người anh hùng hoặc là một nhân vật phản diện; là một tượng đài hay là một tên hề; là một người tạo ra kết nối hay là người gây chia rẽ, điều đó còn dựa vào lời nói và cảm xúc của người tổng thống đó.

Giáo sư khoa học chính trị tại ĐH Chapman, bà Lori Cox Han, nói: “Tổng thống là một biểu tượng quốc gia. Tất cả chúng ta nhìn vào tổng thống khi có gì đó đang tiến triển tốt đẹp hoặc đang rơi vào bế tắc. Trong cuộc khủng hoảng, chúng ta mong đợi tổng thống sẽ làm nhiều việc hơn là chỉ đưa ra quyết định. Dù sao thì chúng ta vẫn có thể muốn có một con người làm tổng thống”.

Không biết… chối tội

Một giả định rằng các máy tính có thể tự giải quyết các vấn đề của chúng. Đây là điều mà các nhà khoa học gọi là “sự kỳ dị công nghệ”. Tại thời điểm đó, máy tính sẽ trở nên thông minh hơn con người và chính chúng có thể thiết kế các máy tính mới thậm chí còn thông minh hơn. Sau đó các thế hệ tiếp theo sẽ tiếp tục thiết kế các máy tính mới còn thông minh hơn.

Một vấn đề kỹ thuật lớn khác cần phải giải quyết trước khi máy tính có thể được dùng để điều hành đất nước: Máy tính không biết cách tự giải thích. Thông tin được đưa vào rồi một quyết định được đưa ra nhưng không ai biết tại sao máy tính lại chọn lựa quyết định đó. Đây là trở ngại lớn cho công việc liên tục đòi hỏi những quyết định đối với những thông tin không thể đoán trước đi kèm cùng những hậu quả nghiêm trọng. Nói về ông Donald Trump hay cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, ít nhất thì họ cũng có thể giải thích cho các suy nghĩ và hành động của họ cho công chúng, vận động hành lang và xuất hiện trên TV. Hiện giờ, một máy tính vẫn chưa thể làm được điều này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm