Liệu Tổng thống Hàn Quốc có bị luận tội vì thiết quân luật?

(PLO)- Tương lai chính trị của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đang đứng trước dấu hỏi lớn với quyết định ban bố thiết quân luật vào tối 3-12.

Tuyên bố thiết quân luật đầy bất ngờ vào đêm 3-12 của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã đẩy căng thẳng kéo dài nhiều năm giữa phía ông Yoon với các phe đối lập và trong cả nội bộ đảng của ông lên cao trào. Động thái này cũng làm dấy lên nghi vấn về tương lai chính trị của ông.

Ông Yoon đã tuyên bố hủy bỏ lệnh thiết quân luật chỉ vài giờ sau khi quốc hội – bao gồm một số thành viên từ chính đảng của ông – bỏ phiếu bác bỏ động thái này.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. Ảnh: REUTERS

Nhiều bên kêu gọi luận tội, từ chức

Ngay sau khi Tổng thống Yoon đồng ý dỡ bỏ lệnh thiết quân luật theo nghị quyết của quốc hội vào rạng sáng 4-12, hơn 40 nghị sĩ từ các đảng đối lập đã kêu gọi luận tội ông với cáo buộc "chủ mưu các sai phạm nghiêm trọng trong quản lý quốc gia, mang tính phản quốc”, theo tờ The Korea Herald.

"Tổng thống đã thực hiện hành động tương đương với tội phản quốc khi huy động quân đội. Rõ ràng, ông ấy không thể tại vị thêm một phút nào nữa. Chúng ta cần khẩn trương thông qua bản kiến nghị luận tội” - ông Hwang Un-ha, lãnh đạo đảng Tái thiết Hàn Quốc, nhấn mạnh.

Ông Hwang cũng thúc giục các đảng đối lập đề xuất kiến nghị luận tội ngay trong ngày 4-12, nhấn mạnh rằng đề xuất này phải được bỏ phiếu trong vòng 24 đến 72 giờ sau khi được trình.

Trước đó, ông Lee Jae-myung - lãnh đạo đảng Dân chủ Hàn Quốc - đã chỉ trích tuyên bố thiết quân luật là hành vi vi hiến và bất hợp pháp, nhấn mạnh “kể từ thời điểm này, ông Yoon không còn xứng đáng là tổng thống Hàn Quốc”.

Trước đó, lãnh đạo đảng Quyền lực Nhân dân (đảng cầm quyền của Tổng thống Yoon) đã yêu cầu tổng thống Hàn Quốc giải thích rõ ràng về quyết định ban bố thiết quân luật, đồng thời kêu gọi cách chức Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc, theo đài CNN.

Chánh án Tòa án Tối cao Hàn Quốc Cho Hee-dae để ngỏ khả năng luận tội ông Yoon, chỉ nói “sẽ giải quyết vấn đề đó vào thời điểm thích hợp".

“Vì vai trò của ngành tư pháp là bảo vệ quyền tự do và quyền của công dân thông qua việc xét xử công bằng, [Tòa án Tối cao] sẽ làm hết sức mình để đảm bảo rằng không có gì bị bỏ sót trong việc thực hiện nhiệm vụ này” - ông Cho nói thêm.

Rất đông người dân Hàn Quốc đã tràn xuống đường biểu tình sau khi ông Yoon ban bố thiết quân luật. Sau khi lệnh thiết quân luật được dỡ bỏ, nhiều người dân vẫn tập trung trước tòa nhà quốc hội, hô vang khẩu hiệu “Bắt giữ ông Yoon Suk-yeol” và “Luận tội ông Yoon Suk-yeol”. Ngày càng nhiều người dân yêu cầu luận tội tổng thống sau diễn biến vừa rồi.

Theo hãng thông tấn Yonhap, Liên đoàn Công đoàn Hàn Quốc (KCTU), với hơn 1,2 triệu thành viên, cho biết sẽ đình công vô thời hạn cho đến khi Tổng thống Yoon từ chức.

Người dân Hàn Quốc biểu tình bên ngoài tòa nhà Quốc hội sáng 4-12 sau khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tuyên bố thiết quân luật. Ảnh: REUTERS

Chuyên gia nói gì?

Động thái của ông Yoon diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc tìm cách củng cố vị thế quốc tế, theo hãng tin Reuters.

"Với một tổng thống đặt nặng danh tiếng quốc tế của Hàn Quốc, động thái này khiến hình ảnh đất nước trở nên bất ổn. Điều này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tài chính và tiền tệ mà còn gây tổn hại cho vị thế ngoại giao của Hàn Quốc" - ông Mason Richey, GS tại ĐH Nghiên cứu Quốc tế Hankuk, nhận định.

Một nhà ngoại giao phương Tây giấu tên cho rằng việc tuyên bố thiết quân luật có thể làm phức tạp thêm các nỗ lực thúc đẩy sự tham gia của Hàn Quốc trong các sáng kiến ngoại giao đa phương.

Bà Jenny Town - chuyên gia thuộc viện nghiên cứu Stimson Center (Mỹ) - đánh giá đây là động thái "nguy hiểm và tuyệt vọng", có thể báo hiệu khởi đầu cho sự kết thúc nhiệm kỳ của ông Yoon.

"Dù trước đó ông đã mất lòng dân, nhưng hành động này có thể là giọt nước tràn ly dẫn đến các nỗ lực luận tội" - bà Jenny nói.

Bà Celeste Arrington - GS Khoa học Chính trị và Quan hệ Quốc tế tại ĐH George Washington (Mỹ) - nhận định đây là một động thái gây sốc và có phần cực đoan từ Tổng thống Yoon. Bà cho rằng "theo hiến pháp, lãnh đạo chỉ được tuyên bố thiết quân luật trong những trường hợp khẩn cấp nghiêm trọng ở cấp độ quốc gia, như chiến tranh, khủng hoảng hoặc nhu cầu quân sự cấp thiết" và "rõ ràng, bối cảnh hiện tại không đáp ứng những tiêu chí đó”.

Bà Celeste cũng đề cập thế khó của Tổng thống Yoon khi từ lúc nhậm chức vào tháng 5-2022 vị tổng thống Hàn Quốc đã phải làm việc với một quốc hội do đảng đối lập kiểm soát.

“Cả đảng của ông và phe đối lập đều thể hiện rất ít thiện chí hợp tác. Chẳng hạn, ông đã sử dụng quyền phủ quyết tổng thống nhiều hơn bất kỳ người tiền nhiệm nào trong lịch sử Hàn Quốc, trong khi quốc hội đã cố gắng luận tội hàng chục thành viên trong chính phủ của ông” - theo bà Celeste.

Bà Celeste cho rằng rất có thể sẽ diễn ra một quá trình luận tội tổng thống Hàn Quốc. “Quốc hội, nơi có tỷ lệ ủng hộ tổng thống Yoon không cao, sẽ bỏ phiếu. Khi đó, Tòa án Hiến pháp sẽ quyết định giữ nguyên hay bác bỏ bản luận tội” - vị chuyên gia nhận định.

Điều gì xảy ra nếu Tổng thống Yoon bị luận tội?

Theo hiến pháp Hàn Quốc, quốc hội Hàn Quốc có thể thông qua kiến ​​nghị luận tội tổng thống nếu ông ấy “vi phạm hiến pháp hoặc các đạo luật khác trong khi thi hành công vụ”, theo CNN.

Việc luận tội sẽ cần phải được đa số quốc hội đề xuất và 2/3 tổng số nhà lập pháp chấp thuận.

Đề xuất này sau đó sẽ được chuyển lên Tòa án Hiến pháp - một trong những tòa án cao nhất của Hàn Quốc, cùng với Tòa án Tối cao. Ít nhất 6 trong số 9 thẩm phán đồng ý thì mới tiến hành luận tội.

Theo hiến pháp, trong suốt quá trình luận tội, tổng thống Hàn Quốc sẽ bị đình chỉ thực thi quyền lực cho đến khi Tòa án Hiến pháp đưa ra phán quyết cuối cùng.

Trong quá trình tổng thống bị luận tội, thủ tướng sẽ đảm nhận vai trò lãnh đạo lâm thời. Theo hiến pháp, nếu cuộc luận tội được duy trì và tổng thống từ chức, chính phủ phải tổ chức bầu cử trong vòng 60 ngày kể từ đó.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới