Lò mổ lớn nhất huyện 'đầu độc' dòng sông Mã

Xả thải phế phẩm trực tiếp xuống sông Mã

Người dân khu phố Hồi Xuân (xã Hồi Xuân, Quan Hóa, Thanh Hóa) phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM về việc trại nuôi nhốt, giết mổ gia súc Mai Lâm mỗi ngày giết mổ hàng chục con heo, xả thải trực tiếp xuống dòng sông Mã nhưng không hề có hệ thống xử lý, gây ra mùi hôi thối nồng nặc, ô nhiễm dọc con sông này. Cũng theo người dân địa phương, lò giết mổ gây tiếng ồn từ khoảng 23 giờ đêm đến 7 giờ sáng hôm sau khiến người dân cả khu phố này mất ngủ.

Qua xác minh, được biết lò mổ này đã tồn tại gần 10 năm. Hai năm trở lại đây lò trở thành nơi giết mổ lớn nhất của huyện Quan Hóa, Thanh Hóa, cung cấp thịt heo cho địa phương này và các huyện lân cận. Đáng nói là lò mổ này chưa được cấp phép, chưa đủ các thủ tục cần thiết cho một lò mổ hoạt động tại địa bàn.

Lò mồ xả thải trực tiếp các phế phẩm sau khi giết mổ ra môi trường. Ảnh: Đ.TRUNG

Lò mổ hoàn toàn không có hệ thống xử lý môi trường theo quy định hiện hành, toàn bộ nước thải, phân heo, phế phẩm… sau khi giết mổ xong được xối nước, xả thải dẫn trực tiếp xuống sông Mã.

Bà Hoàng Thị Mai - chủ lò mổ thừa nhận hành vi xả thải trực tiếp ra môi trường không qua hệ thống xử lý theo quy định. Bà cho biết nhiều năm qua vẫn làm như vậy và không có biện pháp khắc phục, thay đổi.

Những con heo tại lò mổ.

Chính quyền xã bất lực?

Bà Dương Thị Hằng, Bí thư khu phố Hồi Xuân, thông tin: Khoảng 80% người dân khu phố đã gửi đơn kiến nghị đến các cấp thẩm quyền đề nghị xử lý nghiêm đối với lò mổ trên. Nhiều nhiều năm qua, tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri phản ánh có hứa hẹn nhưng hết năm này qua năm khác không thể xử lý được.

Phế phẩm sau khi giết mổ xả thải trực tiếp xuống dòng sông Mã gây ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: Đ.TRUNG

Phó Chủ tịch UBND xã Hồi Xuân - bà Phạm Thị Anh cho biết bản thân xã đã xuống giải thích, xử lý và yêu cầu chủ lò mổ có biện pháp can thiệp để không làm ô nhiễm dòng sông, ảnh hưởng đời sống bà con. Thế nhưng chủ lò mổ  không những không khắc phục mà còn hoạt động với quy mô lớn hơn, đã đến lúc huyện phải vào cuộc và có biện pháp mạnh.

Chính quyền địa phương đã có văn bản gửi lên huyện, đề nghị phòng môi trường, công an, cơ quan chức năng có liên quan có hướng xem xét giải quyết dứt điểm.

Bà Phạm Thị Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Hồi Xuân, thông tin xã không thể xử lý dứt điểm được lò mổ gây ô nhiễm mà cần phải các cấp có thẩm quyền cao hơn vào cuộc. Ảnh: Đ.TRUNG

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trịnh Đức Du - Trưởng phòng TN&MT huyện Quan Hóa thông tin: "Lò mổ này chưa được cấp phép đảm bảo an toàn về môi trường. Hiện chúng tôi đang cho kiểm tra và phối hợp với các ngành chức năng có liên quan cùng vào cuộc để xử lý".

Ngoài ra ông Du cho hay hiện nay huyện này mới có quy hoạch lò mổ của địa phương, vì thế những lò mổ ở địa bàn có công suất lớn đều chưa được cấp phép về việc đảm bảo môi trường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm