Ông Tô Văn Liêm, Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Hóc Môn (đơn vị quản lý cơ sở giết mổ Xuân Thới Thượng), cho biết công ty đang hoàn thiện những hạng mục công trình còn lại của nhà máy giết mổ, dự kiến cuối tháng 1-2018 sẽ chính thức hoạt động.
“Nhà máy giết mổ gia súc Xuân Thới Thượng có thể giết mổ mỗi ngày 2.000 con heo đảm bảo các điều điện an toàn thực phẩm. Đây được xem là cơ sở giết mổ công nghiệp hiện đại đầu tiên của cả nước” - ông Tô Văn Liêm nói.
Ông Tô Văn Liêm cho biết thêm căn cứ quy hoạch của TP.HCM thì đến cuối năm 2017 sẽ có sáu nhà máy giết mổ công nghiệp đi vào hoạt động. Thế nhưng hiện nay năm nhà máy khác hầu như vẫn chưa hoàn thành xây dựng cơ bản nên sẽ không đưa vào hoạt động đúng như tiến độ.
Ông Lê Thanh Liêm (bìa phải) đang trao đổi với đại diện Công ty CP Chế biến thực phẩm Hóc Môn. Ảnh: TRẦN NGỌC
“Từ thực tế trên, Nhà máy giết mổ Xuân Thới Thượng sẽ gặp không ít khó khăn khi đi vào hoạt động. Do giết mổ công nghiệp nên chi phí trên mỗi con heo sẽ cao hơn so với cơ sở giết mổ thủ công. Điều này sẽ khiến thương lái không đưa heo vào giết mổ tại cơ sở Xuân Thới Thượng mà đưa vào cơ sở giết mổ thủ công” - ông Tô Văn Liêm lo lắng.
Trước nỗi lo ngại của ông Tô Văn Liêm, ông Lê Thanh Liêm yêu cầu Sở NN&PTNT TP.HCM tìm những giải pháp thích hợp để không gây ảnh hưởng tới hoạt động của Nhà máy giết mổ Xuân Thới Thượng.
Trả lời câu hỏi của Pháp Luật TP.HCM: “Có thông tin cho rằng trong khi chờ hoàn thành hệ thống giết mổ công nghiệp, Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Hóc Môn có đề xuất với UBND TP.HCM cho phép đưa vào hoạt động dây chuyền giết mổ thủ công?”.
Ông Tô Văn Liêm trả lời: “Đúng là tháng 1-2017, chúng tôi có đề xuất UBND TP.HCM cho phép đưa vào hoạt động dây chuyền giết mổ thủ công để giảm áp lực giết mổ quá công suất của cơ sở giết mổ Xuyên Á (TP.HCM) trong những ngày giáp Tết. Tuy nhiên, UBND TP.HCM không chấp thuận đề nghị trên và yêu cầu chúng tôi đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống giết mổ công nghiệp. Chúng tôi đã làm đúng chỉ đạo của UBND TP.HCM”.