"Thời gian tới thời tiết, khí hậu thuận lợi cho virus cúm phát triển và lây lan; sự giao lưu đi lại qua biên giới rất lớn; nhu cầu sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm tăng mạnh nên nguy cơ dịch cúm xâm nhập, lây lan là rất cao” - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ngày 11-11 đã cho biết.
Theo ông Long, từ đầu năm đến nay tại Trung Quốc đã ghi nhận bốn trường hợp mắc cúm A/H5N6, năm trường hợp mắc cúm A/H5N1 và hai trường hợp mắc cúm A/H7N9.
Tại Việt Nam mặc dù chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A/H5N1, A/H5N6, A/H7N9 trên người, tuy nhiên đã ghi nhận một số ổ dịch cúm A/H5N1, A/H5N6 trên đàn gia cầm tại một số tỉnh.
Bộ Y tế đề nghị tăng cường kiểm soát tình hình buôn bán gia cầm nhập lậu qua biên giới.
Trước tình hình trên, Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND các tỉnh đề nghị tăng cường giám sát, điều tra phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch cúm trên gia cầm.
Đặc biệt phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thực hiện ngăn chặn nhập lậu qua biên giới, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển và buôn bán gia cầm, các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Thông báo kịp thời tình hình dịch cúm gia cầm để phối hợp giám sát phát hiện sớm không để lây lan sang người.
Trước tình hình trên, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên hạn chế tiếp xúc với gia cầm ốm, chết và chất thải từ gia cầm, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, chỉ ăn thịt gia cầm, các sản phẩm gia cầm đã được nấu chín kỹ.
Tuyệt đối không sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi có các biểu hiện hoặc dấu hiệu của bệnh cúm cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị.