Lo ngại nguy cơ tính toán sai lầm của các bên ở biển Hoa Đông

Tờ South China Morning Post ngày 13-3 nhận định các tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trên biển Hoa Đông đang khiến căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật leo thang. Theo giới phân tích, điều này sẽ làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm trong khu vực.

Đến nay, Nhật chưa bao giờ thừa nhận các chính sách quốc phòng là nhằm chống lại sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Tuy nhiên, Tokyo đang đầu tư nhiều hơn vào phát triển quân sự. Động thái diễn ra cùng lúc với các hoạt động tuần tra ngày càng dày đặc của lực lượng tuần duyên và không quân của Trung Quốc.

Hai tàu tuần duyên của Nhật áp sát một tàu đánh cá Trung Quốc năm 2012. Ảnh: AP

Động thái mới của Nhật

Trong năm 2020, 1.157 tàu Trung Quốc đã đi vào vùng tiếp giáp của quần đảo, từ 12 đến 24 hải lý, tăng hơn 5% so với 12 tháng trước đó và gần gấp ba so với con số vào năm 2012.

Tháng trước, các quan chức Nhật xác nhận rằng các luật hiện hành đã cho phép lực lượng tuần duyên của họ nổ súng đối với các tàu nước ngoài có ý định đổ bộ lên quần đảo. Đó là phản ứng trước việc Trung Quốc cho phép lực lượng hải cảnh tấn công các tàu mà Bắc Kinh coi là xâm nhập trái phép vào vùng biển của họ - một động thái khiến Nhật, Mỹ và quốc tế phẫn nộ

Cũng trong tháng 2, trang web quân sự Janes đưa tin chính phủ Nhật đã hợp tác với công ty Mitsubishi Heavy Industries để phát triển hệ thống tên lửa siêu thanh - có khả năng bay với tốc độ gấp năm lần tốc độ âm thanh - cho Lực lượng Phòng vệ của nước này (SDF).

Đồng thời, ngân sách quốc phòng của Nhật cho năm tài chính 2021, bắt đầu vào tháng 4, dự kiến tăng năm thứ chín liên tiếp lên khoảng 51 tỉ USD

Nguy cơ tính toán sai lầm

Bên cạnh việc tăng cường khả năng quốc phòng của mình, Nhật cũng đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ. Hai nước đã gia hạn thỏa thuận về các khoản thanh toán cho căn cứ quân sự, theo báo cáo của hãng thông tấn Kyodo News vào tháng trước.

Theo phía Nhật, nhiệm vụ "bảo vệ tài sản" của nước này đã tăng từ 14 vào năm 2019 lên 25 vào năm ngoái, với 21 trong số đó có liên quan việc bảo vệ máy bay Mỹ trong cuộc huấn luyện chung với Nhật.

Ông Timothy Heath, nhà phân tích quốc phòng của tổ chức tư vấn Rand của Mỹ, cho biết hành động của Nhật nên được coi là phản ứng trước những động thái gần đây của Trung Quốc.
 Theo ông, việc Trung Quốc thông qua luật hải cảnh và sự gia tăng của các tàu cá cũng như các tàu khác của nước này đã gây áp lực lớn lên Nhật.
Bên cạnh đó, ông cho rằng hợp tác của Nhật với Mỹ là cách duy nhất để Tokyo theo kịp Bắc Kinh, vì Trung Quốc đã có ưu thế trên biển và trên không và khoảng cách có thể sẽ chỉ tăng lên trong tương lai.

Song, ông lưu ý rằng sự hiện diện của quá nhiều tàu và máy bay gần các đảo tranh chấp làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm.

"Điều quan trọng là tất cả các bên phải đẩy mạnh nỗ lực ổn định tình hình bằng cách đồng ý với các thủ tục chung và tiếp tục đối thoại về các cách giảm thiểu sự cố trên biển và đảm bảo an toàn cho các bên" - ông nói.

Ông Raffaello Pantucci, một cộng sự cấp cao tại Viện Royal United Services ở London, cho biết việc gia tăng khí tài quân sự và tiếp tục các hành động khiêu khích đã mở rộng không gian cho các sự cố tiềm ẩn.

Ông Grant Newsham, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược Nhật, cho biết các cuộc đụng độ sẽ chỉ xảy ra nếu Trung Quốc tấn công. Tuy nhiên, ông Song Zhongping, một nhà bình luận quân sự ở Hong Kong, không đồng ý với quan điểm này.

"Một cuộc đụng độ sẽ xảy ra nếu Lực lượng Phòng vệ Nhật hoặc các quan chức chính phủ đổ bộ lên quần đảo trước, hoặc phía Nhật bắn Trung Quốc trước" - ông nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm