Lo nổ ‘bong bóng’ thị trường bất động sản

Tại hội thảo bàn về “Cơn sốt bất động sản, cơ hội và rủi ro” vừa được tổ chức tại TP.HCM sáng 29-6, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Chiến lược và Thương hiệu cạnh tranh, cho biết: Muốn nhìn nhận thị trường bất động sản (BĐS) có ổn định hay bất ổn thì chỉ cần nhìn vào ba yếu tố, đó là tính thanh khoản, mức độ tăng hoặc giảm giá có mạnh không và giao dịch trầm lắng hay sôi động.

Soi vào các yếu tố kể trên cho thấy thời gian vừa qua chỉ có đất nền ở một số khu vực TP tăng mạnh, còn các phân khúc khác có biên độ tăng hoặc giảm quanh mức 3%-5%. Tính thanh khoản, nhất là ở phân khúc tầm trung vẫn rất tốt. Giao dịch trên thị trường thứ cấp ở một số quận vài tháng trước có thời điểm tăng trên 40% và có dấu hiệu đầu cơ nhưng hiện đã giảm mạnh. Khảo sát thực tế của PV Pháp Luật TP.HCMtại khu vực Thủ Đức, quận 2, quận 9, khu vực Bình Hưng Hòa của quận Bình Tân…, những nơi là tâm điểm của sốt đất cách đây 4-5 tháng, hiện hoạt động mua bán vô cùng trầm lắng, lượng giao dịch đã giảm mạnh so với lúc trước.

Lượng giao dịch bất động sản đã giảm mạnh so với lúc trước. Ảnh chụp tại quận 2, TP.HCM. Ảnh: HTD

Chị Thu Vân, nhân viên môi giới địa ốc tại quận 9, cho biết thêm: Nhiều khu đất hồi đầu năm sốt xình xịch thì giờ đây gần như nguội lạnh. Khu Phú Gia, Invesco, Kiến Á ở quận 9 giá giảm khá mạnh. So với cách đây bốn tháng hiện giá giảm khoảng 3-8 triệu đồng/m2. Có những lô trước đây được chào bán với giá 50 triệu đồng/m2 thì hiện chỉ khoảng 44-46 triệu đồng/m2. Chẳng hạn khu gần phà Cát Lái thời điểm đầu năm, chủ đất hét đến 40 triệu đồng/m2 thì giờ chỉ dao động quanh mức 32-33 triệu đồng/m2. Dự án Đông Tăng Long, nhiều lô đất đã được các nhà đầu tư bán ra có mức giảm khoảng 3 triệu đồng/m2 so với giá thị trường để đẩy hàng, chốt lời.

Nhận định về mức độ trầm lắng của thị trường địa ốc, ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc Công ty DKRA, cho biết: Dù diễn biến của thị trường chậm lại nhưng chưa xảy ra tình trạng bán đổ bán tháo. Hiện những người bán ra đa số là dân đầu cơ, muốn thoát hàng và nhóm thứ hai là những người kẹt vốn. Tuy nhiên, những dự án đã ra giấy đỏ hoặc giá rẻ thì khách hàng vẫn sẵn sàng mua.

Ông Nguyễn Văn Thủy, giám đốc một công ty môi giới địa ốc tư nhân quận 2, cho biết: Để đảm bảo an toàn, tốt nhất khi mua đất nền các nhà đầu tư nên mua những nền có giấy đỏ. Bởi với những lô đất có giấy bao giờ cũng chuyển nhượng được giá cao hơn và dễ dàng hơn ngay cả khi thị trường “đóng băng”. Bằng chứng là đã có những người mua đất mà chỉ quan tâm đến vị trí, giá cả nhưng không đọc kỹ hợp đồng nên gặp rủi ro trong khâu chuyển nhượng. Trường hợp này thường rơi vào những lô đất tái định cư chưa ra giấy. Từ góc nhìn khác, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng với sự chao đảo của thị trường chứng khoán trong thời gian vừa qua thì trong thời gian tới thị trường BĐS sẽ được hưởng lợi. Trong khi đó, TS Võ Trí Thành lại cho rằng tính bất định của thị trường chứng khoán ảnh hưởng cả bên cung và cầu. Về phía cầu thì lựa chọn của các nhà đầu tư hiện có thể dịch chuyển dòng tiền sang kênh tiết kiệm, trái phiếu, BĐS hay vàng. Về phía cung thì khi thị trường chứng khoán giảm điểm thì kênh huy động vốn của các chủ đầu tư cũng chịu tác động không hề nhỏ. Bởi lên sàn là để huy động vốn, do đó nếu kênh huy động vốn chủ lực này gặp khó khăn thì cũng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường BĐS.

Theo một báo cáo của Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) gửi chính quyền TP ngày 22-6, thị trường BĐS TP trong năm tháng đầu năm nay đã có biểu hiện sụt giảm so với cùng kỳ năm 2017. Cụ thể, tổng số dự án đủ điều kiện huy động vốn đưa ra thị trường là 29 dự án, giảm 9,4% so với 32 dự án đã đưa ra thị trường cùng kỳ năm 2017.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới