Bộ TN&MT đang xây dựng dự thảo quyết định của Thủ tướng về quy định định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì (Fs) để xác định mức đóng góp hỗ trợ tái chế thực hiện trách nhiệm mở rộng của các nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) (viết tắt là dự thảo). Dự thảo đang được lấy ý kiến rộng rãi.
Các doanh nghiệp (DN) cho rằng dự thảo quy định mức chi phí tái chế bao bì quá cao khiến các DN gặp khó.
Dùng bao bì đã tái chế vẫn bị tính phí tái chế cao
Theo dự thảo, mức Fs bao bì giấy là ở mức 1.900 đồng/kg, bao bì giấy hỗn hợp là 2.500 đồng/kg, bao bì kim loại là 3.468 đồng/kg… Các DN cho rằng định mức này là quá cao, đẩy chi phí sản xuất, nâng cao giá thành khiến người tiêu dùng chịu thiệt thòi.
Bà Phạm Thị Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, cho biết hiện nay trong ngành sữa sử dụng 1.000 nguyên vật liệu bao bì cho các sản phẩm từ bao bì thứ cấp đến cao cấp. Ước tính khối lượng bao bì giấy sử dụng 336.000 tấn/năm, bao bì giấy hỗn hợp 78.000 tấn/năm, lon thiếc 62.400 tấn/năm.
Chi phí tái chế tăng cao sẽ ảnh hưởng đến giá tiêu dùng các mặt hàng như bia, nước ngọt. Ảnh: T.UYÊN |
“Trong dự thảo, mức Fs của bao bì giấy hỗn hợp đang được tính rất cao. Nếu mức Fs vừa cao vừa bất hợp lý sẽ đẩy chi phí sản xuất tăng, dẫn đến giá sản phẩm tăng. Đơn cử như giá bán sỉ hộp sữa 110 ml sẽ tăng 0,12%, người tiêu dùng sẽ chịu nhiều thiệt thòi” - bà Ngọc nói.
Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, các DN có trách nhiệm tái chế hoặc xử lý chất thải đối với sản phẩm bao bì của sáu nhóm sản phẩm như dầu nhớt, vỏ ruột xe; nhóm điện, điện tử; phương tiện giao thông; nhóm pin, ắcquy; dầu nhớt; nhóm bao bì… Theo đó, DN lựa chọn các hình thức tự tái chế, đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế. Từ ngày 1-1-2024 nếu không thực hiện DN sẽ bị phạt.
Từ 850 triệu đến 1 tỉ đồng là số tiền phạt đối với hành vi không đăng ký kế hoạch tái chế hoặc không gửi bản kê khai số tiền đóng góp hỗ trợ tái chế… theo Điều 32 Nghị định 45/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Cùng nhìn nhận trên, bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA), cho biết mức Fs cao, tạo gánh nặng chi phí cho DN và cũng đẩy giá hàng hóa tăng lên.
Theo bà Vân Anh, các bao bì chính của ngành gồm giấy, nhựa, kim loại. Mỗi năm thị trường tiêu thụ khoảng 11.153 tỉ lon, bao bì giấy 6 triệu tấn, nhựa 3,5 triệu tấn. “Dự thảo đưa ra mức Fs vật liệu nhôm 3.468 đồng/kg đang cao hơn 1,26 lần so với trung bình 14 nước Tây Âu” - bà Vân Anh so sánh.
Bà Vân Anh thông tin thêm theo tính toán của các DN, với mức Fs 3.958 đồng/kg nhựa cứng PET, HDPE, nước suối đóng chai 500 ml giá bán sỉ 3.750 đồng sẽ tăng lên 1,62%. Tương tự, mức Fs 3.468 đồng/kg nhôm, lon bia 330 ml giá bán sỉ 9.600 đồng sẽ tăng lên 0,24%.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Cao su Đức Minh, Chủ tịch Hội Cao su nhựa TP.HCM, cho biết sản phẩm vỏ ruột xe hầu như thải ra môi trường được các đơn vị thu gom 2.000 đồng/kg, tái chế ra các sản phẩm cao su tái sinh được bán với giá 11.000 đồng/kg. Các sản phẩm này được các công ty mua về sản xuất ra linh kiện như chân đế máy lạnh, tủ lạnh…
“Hiện nay vỏ ruột xe đã được DN tái chế 100% nhưng theo dự thảo quy định mức Fs tới 3.488 đồng/kg là không khả thi. Chúng tôi kiến nghị không đưa mặt hàng vỏ ruột xe vào đối tượng chịu Fs” - ông Quốc Anh nói.
Cần có cuộc khảo sát đúng, đủ
Với thực tế trên, các DN kiến nghị cơ quan chức năng cần xem xét ban hành mức phí Fs phù hợp. Ngoài ra, nhiều DN cũng cho rằng cần xem lại mức đóng góp vào việc hỗ trợ tái chế. Chẳng hạn, với vật liệu thu hồi có giá trị cao nhà tái chế đã có lời. Cụ thể, tái chế nhôm lời 3.000 đồng, sắt lời 2.000 đồng... nên các DN sản xuất không cần thiết đóng góp vào việc hỗ trợ tái chế. Tuy nhiên, những vật liệu có giá trị thu hồi thấp như túi nylon, bao bì, giấy hỗn hợp, DN nhất trí cần hỗ trợ nhưng phải ở mức hợp lý.
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), cho biết đang có quan điểm khác nhau của nhà sản xuất và cơ quan soạn thảo về mức Fs. Do đó, cần có cuộc khảo sát đúng và đủ khu vực tái chế đang tồn tại để có cơ sở chắc chắn cho việc đánh giá mức Fs phù hợp.
“Trên thế giới, các quốc gia đã định hướng làm sao tạo ra thị trường mua bán trực tiếp, công bằng giữa nhà sản xuất, thu gom, nhà tái chế. Các bên tự thỏa thuận theo nguyên tắc thị trường. Với thực tế trên, Việt Nam cần định hướng chính sách tương tự” - TS Việt nói.
Tại Việt Nam thị trường thu gom, vận chuyển, xử lý tái chế đã có từ lâu đời. Đó là những người chuyên thu gom đồ nhôm, nhựa, giấy vụn… đặc biệt là các làng nghề tái chế. Tuy nhiên, thị trường này sơ khai, sản phẩm tái chế chưa là đầu vào của các nhà sản xuất. Nhà nước nên khuyến khích các cơ sở này phát triển. Điều này sẽ dễ dàng hơn so với DN đầu tư xây dựng nhà máy tái chế mới hoàn toàn. Đồng thời tạo cơ chế đàm phán trực tiếp giữa nhà sản xuất và làng nghề tái chế.
“Muốn vậy chúng ta phải điều tra thực trạng để có chính sách hỗ trợ kết nối với DN và nâng tầm họ lên, đáp ứng nhu cầu của nhà sản xuất. Từ đó mới hình thành sớm thị trường trao đổi trực tiếp giữa nhà sản xuất và tái chế. Nhà nước sẽ không cần phải can thiệp. Đây là hướng thiết thực giải quyết bài toán tái chế, đảm bảo theo cơ chế thị trường, hướng tới phát triển nền kinh tế tuần hoàn mạnh mẽ” - TS Việt nhấn mạnh.
Doanh thu tã, bỉm… đóng góp vào bảo vệ môi trường
Nghị định 08/2022 (hướng dẫn một số điều của Luật Bảo vệ môi trường) ban hành danh mục sản phẩm bao bì và mức đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải.
Cụ thể, tại Phụ lục 23 của Nghị định 08 hướng dẫn đối với tã, bỉm, khăn ướt dùng một lần; băng vệ sinh đóng góp 1% doanh thu đối với trường hợp sản xuất hoặc 1% giá trị nhập khẩu của sản phẩm.
Khay, bát, đũa, ly, cốc, dao kéo, màng bọc thực phẩm một lần; ống hút, tăm bông tai, tăm chỉ kẽ răng, bàn chải đánh răng dùng một lần; dầu gội đầu, dầu gội và dầu xả dùng một lần, dao cạo râu dùng một lần… đóng góp 1.500 đồng/kg nhựa được sử dụng.
Quần áo các loại và phụ kiện, đồ chơi trẻ em các loại… đóng góp 1.500 đồng/kg nhựa được sử dụng.