Lo nước đóng chai, sữa, bia...tăng vì gánh thêm phí tái chế

(PLO)-  Đại diện Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho rằng, nếu tính định mức Fs như trong dự thảo thì 1 lon bia sẽ phải tính thêm 41 đồng; chai bia tăng thêm 51 đồng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 28-6, Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT) phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội tái chế chất thải Việt Nam tổ chức Hội thảo “Góp ý dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức chi phi tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính phục vụ quản lý, giám sát, hỗ trợ thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu”.

Rất tiến bộ nhưng...

Tại hội thảo, các đại biểu đều khẳng định, yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm trong việc thu gom, xử lý, tái chế sản phẩm (EPR) là một điểm rất tiến bộ khi đề cập trong của Luật Bảo vệ Môi trường nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường. Tuy vậy, nếu định mức chi phí tái chế (Fs) không phù hợp thì EPR khó có thể được triển khai.

Được biết, Fs là công thức tính phí tái chế cho các DN sản xuất, nhập khẩu, tiêu thụ bao bì phải nộp nếu như DN không tự tái chế được.

Góp ý cụ thể vào dự thảo nhiều hiệp hội cho rằng, định mức chi phí tái chế như dự thảo rất cao, còn nhiều điểm chưa hợp lý, nếu tính như dự thảo thì các sản phẩm sẽ tăng thêm 1,36% với nước uống đóng chai; 0,6% với bia lon; 0,2% đối với bịch sữa, gây khó khăn cho DN cũng như cho người tiêu dùng.

Vì vậy, các đại biểu đề nghị cần tính toán lại mức tính cho hợp lý để cho sát từng sản phẩm, bao bì.

Bà Chu Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng, theo dự thảo định mức chi phí tái chế Fs có nhiều bất cập. Ví như, Fs cho bao bì nhôm là 6.180 đồng/kg, cao hơn gần 5 lần so với trung bình các nước là 1.250đồng/kg; Fs cho giấy là 2.750 đồng/kg, trong khi trung bình thế giới là 1.900 đồng/kg.

“Nếu tính định mức Fs như trong dự thảo thì 1 lon bia sẽ phải tính thêm 41 đồng; chai bia tăng thêm 51 đồng”, bà Vân Anh nhấn mạnh.

Đại diện VBA cho rằng, giá vốn hàng hóa sẽ tăng lên sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất. Ảnh: M.TĐại diện VBA cho rằng, giá vốn hàng hóa sẽ tăng lên sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất. Ảnh: M.T

Theo bà Vân Anh, định mức tái chế rất cao dẫn đến nguy cơ giá sản xuất và tiêu dùng tăng cao.

Hơn nữa, Fs đề xuất chưa theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn do chưa trừ đi giá trị vật liệu thu hồi được. Hiện nay, nhiều vật liệu có giá trị thu hồi cao như nhôm, bao bì giấy, chai nhựa cứng, trong thực tiễn chúng đã được thu hồi hầu như hoàn toàn, không có nguy cơ với môi trường, nhà tái chế đã có lãi. Do vậy, nếu yêu cầu nhà sản xuất đóng góp để hỗ trợ nhà tái chế đang có lãi là chưa hợp lý.

Còn những vật liệu giá trị thu hồi thấp, như túi nilon, bao bì giấy hỗn hợp ít được tái chế vì lỗ, nguy cơ với môi trường cao thì mới cần nhà sản xuất đóng góp hỗ trợ nhà tái chế.

Về chi phí quản lý hành chính, bà Vân Anh cho rằng theo dự thảo là 3% là một số tiền rất lớn, và chưa phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Bởi Luật không quy định khoản đóng góp này được dùng để chi trả cho chi phí quản lý hành chính. Mặt khác, theo Điều 82 Nghị định 08/2022/NĐ-CP thì chi phí quản lý hành chính trích từ lãi tiền gửi ngân hàng của khoản đóng góp, chứ không phải trích trực tiếp từ khoản đóng góp.

Sửa đổi phù hợp với tình hình thực tiễn

VBA kiến nghị, áp dụng Fs = 0 cho các bao bì, sản phẩm có giá trị vật liệu thu hồi được cao hơn chi phí tái chế như bao bì giấy, bao bì nhựa cứng, bao bì kim loại. Các vật liệu có giá trị thu hồi thấp như bao bì nilon, bao bì giấy hỗn hợp giá trị Fs cần phù hợp, nhưng không cao hơn so với thế giới. Đồng thời, bỏ chi phí quản lý hành chính 3%.

Trong hai năm đầu (2024 và 2025), cơ quan chức năng cần tập trung vào hướng dẫn doanh nghiệp thi hành quy định, chưa áp dụng hình thức xử phạt; Cần có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp sử dụng bao bì thân thiện với môi trường hoặc sử dụng vật liệu tái chế; Xây dựng cơ chế ưu tiên, khuyến khích đối với các loại nguyên vật liệu thân thiện với môi trường làm bao bì; Thay đổi cách nộp từ nộp tạm ứng vào đầu năm 2024 sang nộp theo quyết toán số lượng thực tế khi kết thúc năm 2024.

Các đại biểu tại hội thảo sáng 28-6. Ảnh: M.T

Các đại biểu tại hội thảo sáng 28-6. Ảnh: M.T

Về phía DN trực tiếp tham gia thu gom rác thải nhựa và tái chế, đại diện công ty Green Future đề xuất 5 giải pháp. Thứ nhất, tính lại chi phí thu gom, tái chế với rác thải nhựa mềm, chi phí này không thể thấp hơn nhựa cứng PET, HDPE, LDPE, PP, PS, EPS, PVC

Thứ hai, tính lại quãng đường vận chuyển trung bình 20 km từ điểm thu gom đến nhà máy. Vì theo người đại diện, khoảng cách 20km là quá ngắn.

Thứ ba, đó là nên đưa danh mục tái chế rác thải nhựa là túi nilon vào danh mục rác thải được hỗ trợ.

Thứ tư, tổng mức đề xuất hỗ trợ tái chế nhựa mềm từ Fs phải trên 10 triệu tấn thì các chương trình xử lý mới có thể duy trì được, từ đó câu chuyện về rác thải nhựa mới có thể được giải quyết.

Cuối cùng, công ty Green Future đề nghị Hội đồng EPR quốc gia xây dựng một sàn giao dịch tín chỉ nhựa. Ở đó sẽ có sự minh bạch về các DN, ngoài ra, các DN có thể mua bán cho nhau trên đó.

Tại hội thảo đại diện các doanh nghiệp, Hiệp hội cũng đã có nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo. Đại diện VCCI cho biết, đơn vị sẽ tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp để gửi lên cơ quan soạn thảo Nghị định, sửa đổi phù hợp với tình hình thực tiễn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm