Lo tình hình nhân đạo Gaza khi nhiều nước quay lưng với UNRWA

(PLO)- Xung đột Israel - Hamas ngày càng leo thang cộng thêm việc nhiều nước thông báo ngưng tài trợ cho Cơ quan Liên hợp quốc hỗ trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) làm tăng nỗi lo tình hình nhân đạo Gaza.

Kể từ cuối tuần qua, hàng loạt quốc gia đã tuyên bố sẽ ngừng tài trợ cho Cơ quan Liên hợp quốc (LHQ) hỗ trợ người tị nạn Palestine (UNRWA), sau khi Israel cáo buộc 13 nhân viên của UNRWA có liên quan cuộc tấn công ngày 7-10-2023 của Hamas nhắm vào Israel và tham gia với nhiều vai trò khác nhau, bao gồm bắt cóc con tin và chuẩn bị hậu cần, theo đài CNN.

Quyết định ngưng tài trợ đã dấy lên tranh cãi trong cộng đồng quốc tế và đặt ra thách thức mới đối với người dân Palestine ở Gaza, những người đang oằn mình vì chiến tranh.

Quyết định gây tranh cãi

Ngày 26-1, ngay sau khi nhận được thông tin về cáo buộc của Israel, UNRWA đã lập tức sa thải một số nhân viên. Ngoài ra, Giám đốc UNRWA Philippe Lazzarini cũng yêu cầu Văn phòng Các dịch vụ giám sát nội bộ của LHQ (OIOS) mở cuộc điều tra về các cáo buộc.

Tổng Thư ký LHQ António Guterres ngày 28-1 cho biết chín nhân viên UNRWA liên quan cáo buộc đã bị sa thải, một người đã chết và danh tính những người còn lại vẫn đang “được làm rõ”. “Bất kỳ nhân viên nào của LHQ liên quan các hành động khủng bố sẽ phải chịu trách nhiệm, bao gồm việc truy tố hình sự” - ông Guterres nhấn mạnh.

Các nhân viên của UNRWA làm việc tại TP Khan Younis (phía Nam Dải Gaza) ngày 25-10-2023. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, thái độ kiên quyết của LHQ vẫn không làm hài lòng một số quốc gia. Tính đến ngày 31-1, hàng loạt nước gồm Anh, Ý, Úc, Canada, Phần Lan, Hà Lan, Áo, Pháp, Đức, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Thụy Điển, New Zealand, Iceland, Romania và Estonia đã thông báo ngừng tài trợ cho UNRWA, theo sau động thái tiên phong của Mỹ. Tương tự, Liên minh châu Âu (EU) cũng thông báo sẽ ngưng khoản tài trợ cho UNRWA cho đến cuối tháng 2 để chờ kết quả điều tra.

Động thái cắt viện trợ của hàng loạt quốc gia trên đã “gây sốc” cho LHQ, kéo theo những tranh cãi giữa các nước, và gia tăng nỗi lo tình hình nhân đạo Gaza. “Tôi bị sốc khi những quyết định như vậy được đưa ra dựa trên cáo buộc đối với vài cá nhân trong bối cảnh chiến tranh tiếp diễn, nhu cầu ngày càng tăng và nạn đói xuất hiện. Người Palestine ở Gaza không cần hình phạt tập thể này” - Giám đốc Lazzarini của UNRWA nói.

Tổng Thư ký Ban Chấp hành Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Hussein Al-Sheikh cho rằng động thái ngưng tài trợ tiềm ẩn những rủi ro lớn về chính trị và cứu trợ. “Chúng tôi kêu gọi các quốc gia đã ngừng hỗ trợ cho UNRWA ngay lập tức đảo ngược quyết định của mình” - ông Al-Sheikh nhấn mạnh.

Các quốc gia ủng hộ Palestine như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước thành viên của Liên đoàn Ả Rập cũng chỉ trích việc ngưng tài trợ. Ireland, Na Uy… tuyên bố sẽ tiếp tục tài trợ và ca ngợi những gì UNRWA đã làm với người dân Palestine.

Ngoài ra, trong khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định bằng chứng do Israel cung cấp về các cáo buộc trên là “rất đáng tin cậy” thì Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov kêu gọi điều tra về các cáo buộc của Israel.

Khổ chồng khổ cho người dân Gaza

Theo hãng tin AP, UNRWA từ lâu đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người Palestine. Cơ quan này được thành lập để cứu trợ cho khoảng 700.000 người tị nạn Palestine sau chiến tranh Ả Rập - Israel năm 1948.

Khi xung đột Israel - Hamas bùng phát hồi tháng 10-2023, UNRWA được xem là lá chắn cuối cùng bảo vệ người dân Palestine. Theo số liệu của LHQ, hơn 2 triệu dân thường ở Dải Gaza (dân số Gaza khoảng 2,3 triệu người) phụ thuộc vào nguồn viện trợ từ UNRWA. UNRWA cũng điều hành nơi trú ẩn cho hơn 1 triệu người phải sơ tán vì chiến tranh.

Theo UNRWA, tính đến ngày 30-1, khoảng 152 nhân viên của cơ quan này đã thiệt mạng ở Gaza kể từ khi xung đột Israel - Hamas bùng phát.

Theo UNRWA, bên cạnh khoản trợ cấp ít ỏi từ LHQ (chủ yếu sử dụng cho chi phí hành chính), cơ quan này được tài trợ gần như hoàn toàn bằng các khoản đóng góp của các quốc gia. UNRWA cảnh báo rằng nếu nguồn tài trợ không tiếp tục, họ sẽ chỉ có thể duy trì hoạt động đến cuối tháng 2.

Bình luận về tình hình hiện tại, nhiều chuyên gia cho rằng lý do cuộc tấn công ngày 7-10-2023 của Hamas không đủ để các nước ngừng viện trợ cho UNRWA. TS Srinjoy Bose - nhà phân tích tại ĐH New South Wales (Úc) nói với kênh Channel NewsAsia: “Bạn không thể đình chỉ viện trợ cứu người chỉ dựa trên những cáo buộc trong bối cảnh thảm họa nhân đạo cực độ đang xảy ra”.

Đồng quan điểm, GS Jason Hart tại ĐH University of Bath (Anh) cho rằng cáo buộc không đủ thuyết phục để các nước cắt tài trợ cho UNRWA khi “bản thân khoản viện trợ này đang rất cần”. GS Hart lưu ý rằng chưa có bằng chứng chuyên sâu cho thấy các cáo buộc có cơ sở.

Các chuyên gia cũng cho rằng nếu không có sự cứu trợ của UNRWA thì có khả năng người dân Gaza sẽ khổ chồng thêm khổ. TS Bose nói: “Tác động ngay lập tức đối với người dân Palestine sẽ trở nên tồi tệ hơn và nhiều người sẽ buộc phải chạy trốn ra ngoài Gaza. Có thể nói tác động lâu dài của việc “xử tử” UNRWA sẽ phá hủy quyền trở về Palestine của người Palestine”.

Tương tự, GS Hart cho rằng nếu UNRWA ngừng làm việc ở Gaza, sẽ không tổ chức nào “có thể lấp đầy khoảng trống” trong bối cảnh hiện tại. “Bất kỳ tổ chức nào còn lại thực hiện công việc đó trong trung và dài hạn sẽ phải đối mặt với gánh nặng cơ sở hạ tầng bị phá hủy do giao tranh” - ông Hart nhận định.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, nếu các quốc gia vẫn kiên quyết phản đối UNRWA, họ vẫn có thể tìm kiếm các tổ chức viện trợ khác để hỗ trợ người dân Gaza. Trang tin Axios ngày 31-1 dẫn nguồn tin cho biết các nhà lập pháp Israel đang đề xuất nhiều cái tên có thể thay thế UNRWA, như Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Chương trình Lương thực Thế giới (WFP)...•

Liên hợp quốc họp kín với 35 nước tài trợ UNRWA

Tối 30-1 (giờ Mỹ), Tổng thư ký Guterres đã họp kín với 35 quốc gia tài trợ cho UNRWA và kêu gọi các nước đã ngưng tài trợ đảo ngược quyết định, tờ The Times of Israel đưa tin.

Ông Guterres kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra nhanh chóng về cáo buộc của Israel và Na Uy, Tây Ban Nha cùng một số quốc gia khác vì đã không cắt viện trợ.

Trước cuộc họp, người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric nói với PV rằng “không có tổ chức nào khác ngoài UNRWA có cơ sở hạ tầng để làm những gì UNRWA làm” và “việc nhanh chóng thay thế UNRWA là không khả thi dưới bất kỳ hình thức nào”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới