Loại bỏ 424 dự án thủy điện

“Chủ đầu tư các nhà máy thủy điện thường chỉ quan tâm chủ yếu đến sản xuất điện, còn việc điều tiết, cấp nước sản xuất, sinh hoạt hoặc hệ quả của việc xả lũ thì ít được quan tâm...”. Đó là những cảnh báo được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH-CN&MT) nêu ra tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH ngày 14-10 về kết quả rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện và vận hành khai thác các công trình thủy điện.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Theo Ủy ban KH-CN&MT, công tác quản lý an toàn tại các công trình thủy điện nhỏ hiện nay vẫn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro khó lường, khi có đến gần 30% số đập chưa được kiểm định; 66% đập chưa có phương án bảo vệ được phê duyệt; gần 55% số chủ đập chưa có phương án phòng, chống lụt bão. Nhiều chủ đầu tư khi lập dự án chỉ quan tâm đến yếu tố sản xuất điện, không chú trọng đúng mức đến điều tiết, cấp nước sản xuất, sinh hoạt, nhất là trong mùa khô kiệt. Điều này gây ra tình trạng cạn kiệt nguồn nước, thiếu nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, dẫn đến tranh chấp, gây bức xúc cho cộng đồng dân cư.

Loại bỏ 424 dự án thủy điện ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhìn nhận việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện đã gây ảnh hưởng lớn đến dân cư trong khu vực dự án. Ảnh: TTXVN

“Nhiều thủy điện còn ít quan tâm đến việc xây dựng phương án phòng, chống lụt bão cho vùng hạ du trong tình huống xả lũ khẩn cấp, vỡ đập... Có chỗ còn không thông báo xả nước, xả lũ gây thiệt hại, ảnh hưởng đáng kể đối với vùng hạ du, đặc biệt khi có mưa bão, lũ”- Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN&MT Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.

Báo cáo của Ủy ban KH-CN&MT cũng tỏ ra khá lo ngại trước hàng loạt các sự cố thủy điện xảy ra thời gian gần đây như vụ vỡ tường chắn bê tông ở thủy điện Đăk Rông 3 (Quảng Trị), vỡ đường ống áp lực thủy điện Đăm Bol - Đạ Tẻh (Lâm Đồng), vỡ đập khi thi công thủy điện Đăk Mêk 3 (Kon Tum), vỡ đập khi tích nước ở thủy điện Ia Krêl 2 (Gia Lai), vỡ bể áp lực trong quá trình chạy thử ở thủy điện Ea Súp 3 (Đắk Lắk)...

Chia sẻ với những lo ngại trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhìn nhận việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện đã gây ảnh hưởng lớn đến dân cư trong khu vực dự án; làm thu hẹp không gian sống của người dân bản địa; tác động tiêu cực nhất định đến môi trường - xã hội. Do đó, thực hiện yêu cầu của QH, Chính phủ đã tiến hành rà soát qua đó đã loại bỏ 424 dự án, không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí và tạm dừng có thời hạn 136 dự án.

Chưa chú trọng đánh giá môi trường

Phân tích nguyên nhân dẫn đến những hệ quả trên, Ủy ban KH-CN&MT cho rằng do công tác thực hiện đánh giá chiến lược môi trường và báo cáo đánh giá tác động môi trường bị xem nhẹ, đặt lợi ích kinh tế của quy hoạch thủy điện lên hàng đầu chứ chưa đánh giá các tác động của việc thực hiện quy hoạch đối với môi trường, đặc biệt là trên toàn bộ lưu vực sông, vùng hạ du.

Một khoảng trống nữa được ủy ban trên chỉ ra là ở nhiều khu vực nếu xét riêng từng dự án thủy điện cụ thể thì tác động tiêu cực tới môi trường có thể không lớn. Nhưng nếu xét trên toàn bộ lưu vực sông và đặc biệt ở hạ du thì ảnh hưởng xấu tới môi trường là rất đáng kể. Do đó, Ủy ban KH-CN&MT đề nghị cần nghiên cứu sửa đổi các quy định của pháp luật về đánh giá chiến lược môi trường cũng như đánh giá tác động môi trường cho phù hợp với thực tế.

Đề cập câu chuyện dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, ông Dũng đề nghị Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc để hạn chế thất thoát và lãng phí cho người dân, doanh nghiệp và xã hội. Qua đó, xem xét, sửa đổi quy định về phương thức, quy trình, thủ tục lập, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường cho phù hợp.

Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn thì tỏ ra băn khoăn khi báo cáo của Chính phủ không đề cập đến dự án thủy điện Sông Tranh 2. “Dự án này sau khi rà soát thì quyết định thế nào rồi” - ông Sơn hỏi. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết đến nay vẫn đang tiếp tục theo dõi và chưa phát hiện thêm vấn đề gì phức tạp. Tuy nhiên, trước mắt chỉ cho tích nước dần để tiếp tục quan trắc đến khi nào thấy đủ điều kiện an toàn mới cho tích nước đầy đủ và phát điện.

Làm rõ trách nhiệm khi xả lũ gây hại

Dự thảo nghị quyết về kết quả rà soát quy hoạch tổng thể thủy điện của QH yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xây dựng công trình thủy điện, vận hành hồ chứa, xả lũ gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân trong khu vực. Đồng thời, kiên quyết loại bỏ các dự án thủy điện có ảnh hưởng xấu, ảnh hưởng lớn tới môi trường và xã hội. Tập trung đầu tư nguồn lực xây dựng, vận hành hệ thống viễn thông, quan trắc, giám sát khí tượng, thủy văn, địa chấn; khảo sát, điều tra điều kiện tự nhiên khu vực dự án, công trình thủy điện; nghiên cứu, xây dựng các phương án ứng phó sự cố xả lũ khẩn cấp, vỡ đập.

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm