Còn các thí sinh thì cũng đổ xô đi thi thử cho vui khiến cho việc thi thử bị biến tướng và trở nên… loạn.
Thi thử luôn được quan tâm
Vào thời điểm này, khi kỳ thi đại học, cao đẳng đang đến gần, nhiều trung tâm luyện thi đại học có quy mô đã bắt đầu tổ chức những kỳ thi thử cho các thí sinh tương lai. Các kỳ thi được quảng cáo là có đề bài sát với cấu trúc của đề thi ĐH, rồi phòng thi cũng được tổ chức nghiêm nghị kỷ luật như thi thật. Tất cả các buổi thi thử đều có số báo danh, cán bộ trông thi nghiêm ngặt, và việc chấm thi cũng được làm chặt chẽ. Kết quả sẽ đến tay các thí sinh chỉ sau từ 10-12 ngày. Công bằng mà nói, những kỳ thi thử đại học đã giúp cho các thí sinh làm quen với không khí của những buổi thi đại học thật, đồng thời qua đó tự đánh giá được học lực của mình để có phương pháp học tập hợp lý và hiệu quả hơn.
Không chỉ các trung tâm luyện thi mở lớp thi thử mà theo khảo sát thì nhiều trường THPT cũng tổ chức cho học sinh của mình “cọ xát”. Sẽ có khoảng 2 đợt thi thử được các trường THPT tổ chức. Còn với những trung tâm tổ chức thi thử đại học thì số lượng các kỳ thi thử được tổ chức không giới hạn, tùy vào số lượng thí sinh đăng ký tham gia. Theo Tiến sĩ Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục Đại học và nghề nghiệp, Viện Nghiên cứu giáo dục Việt Nam thì: Thời điểm này là thời điểm “nước rút” chuẩn bị cho kỳ thi đại học, cao đẳng. Các trung tâm tổ chức dịch vụ thi thử cũng sẽ bùng phát hơn. Thi thử đại học nếu được tổ chức tốt, đề thi đảm bảo chất lượng, và đảm bảo được tiêu chí phân loại trình độ, năng lực của thí sinh, khâu trông thi và chấm thi được đảm bảo cũng sẽ là dịp để cho mỗi thí sinh kiểm tra lại kiến thức của mình, và biết được thực lực của bản thân. Từ đó sẽ có những điều chỉnh cần thiết để nhanh chóng bù đắp, bước vào kỳ thi thật. Kết quả của những kỳ thi thử cũng sẽ giúp thí sinh biết được khả năng để lựa chọn trường, ngành học phù hợp. Bị biến tướng vì chạy theo lợi nhuậnNhưng thực tế là việc thi thử hiện nay đang bị biến tướng và không mang lại hiệu quả như quảng cáo. Những trung tâm luyện thi tổ chức thi thử đa phần chạy theo lợi nhuận mà quên đi những điều thí sinh cần. Nhiều nơi chỉ tổ chức cho có, để thu tiền lệ phí, đề thi không sát với chương trình học, việc trông thi cũng chỉ qua loa đại khái. Đặc biệt do không được thẩm định, nên đề thi thử của những trung tâm vẫn đang bị “thả nổi”. Đề thi thử tại đây chủ yếu do chính những người dạy ở trung tâm, dựa theo kinh nghiệm và những đề thi đại học của những năm trước soạn thảo nên. Mức độ chính xác, khoa học, bám sát các chương trình học như lời quảng cáo của các trung tâm là chưa thể kiểm định. Do đề thi không khoa học, dẫn tới chất lượng thi thử không đảm bảo, khiến nhiều thí sinh mang tâm lý hoang mang, bất ổn, lo lắng sau mỗi kỳ thi thử. Sau đề thi, nhiều trung tâm tổ chức thi thử tiếp tục mắc những sai lầm khi tổ chức thi thử. Theo quy chuẩn của Bộ GD&ĐT, mỗi phòng thi không quá 24 người, nhưng điều đó không được thực hiện tại những trung tâm tổ chức thi thử. Mỗi phòng thi thử đều được nhồi nhét các thí sinh hết cỡ. Nếu thí sinh đăng ký dự thi đông, số lượng thí sinh trong mỗi phòng thi thử có thể lên đến 50-60 người. Do số lượng thí sinh đông, nên việc trông thi cũng thiếu nghiêm ngặt. Cộng thêm việc, nhiều thí sinh sẵn tiền nên cũng tham gia thi thử cho vui khiến cho những cuộc thi thử càng ngày càng bị biến tướng. Người viết bài này, qua khảo sát ý kiến của các thí sinh tham gia thi thử đã được nghe không ít câu chuyện nực cười từ các kỳ thi thử. Thực chất, đối với các thí sinh thì việc tham dự các kỳ thi thử để tự kiểm tra sức học của mình, nhưng nhiều thí sinh chỉ xin tiền bố mẹ đi thi thử cho bố mẹ vừa lòng, hoặc để “làm trò” trước các bậc phụ huynh. Ai đời đã đi thi thử lại còn quay cóp, lại còn dọa nạt thí sinh ngồi cạnh để được nhìn bài. Một thí sinh đã kể với tôi rằng, trong kỳ thi thử, đã có cậu bạn ngồi cùng phòng thi, đã chồm lên bàn lấy bài thi của mình kèm theo lời đe dọa: “Nếu mày không cho tao nhìn, tao châm lửa đốt bài mày luôn”. Thế hóa ra thi thử chẳng còn ý nghĩa gì cả, ngoài việc tốn tiền vô ích thế nhưng các bậc phụ huynh không phải ai cũng hiểu được điều này. Hiện nay, các trung tâm tổ chức thi thử nắm bắt được tâm lý nôn nóng, muốn thử sức mình của các thí sinh nên đã quảng cáo, tổ chức nhiều kỳ thi thử để thu lợi nhuận. Càng gần đến kỳ thi đại học, giá của những kỳ thi thử cũng sẽ được “đội” lên. Theo khảo sát, lệ phí cho 3 môn thi thử đại học khoảng 120.000đ-150.000đ. Như vậy, tính trung bình có thể thấy rằng, một môn thi thử có giá khoảng 40.000đ-50.000đ. Và các trung tâm cũng không hề có một mức lệ phí thi thử cố định nên giá có thể lên và xuống bất kể thời điểm nào. Nhưng gần ngày thi đại học, lệ phí chỉ có tăng chứ không giảm. Trong khi đó có không ít thí sinh muốn tham gia nhiều kỳ thi thử, họ cũng đã phải chi những khoản không phải là nhỏ. Không phải cứ thi nhiều là đạt kết quả caoThực tế, có nhiều trường THPT đã tổ chức các kỳ thi thử có chất lượng, điều đó cũng giúp các thí sinh biết được sức mình và chuẩn bị kỹ hơn cho kỳ thi thật. Các trường tổ chức thi thử cho học sinh có kèm quá trình học và ôn tập rõ ràng, và khi bước vào kỳ thi thử đại học, học sinh sẽ được trang bị những kiến thức và tâm lý tốt nhất. Khi có kết quả, danh sách, điểm của học sinh sẽ được thông báo toàn trường. Những kỳ thi thử như vậy đã góp phần chuẩn bị về tâm lý cho thí sinh trước khi bước vào kỳ thi thật nghiêm túc và đầy thử thách. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng khi thi thử xong, các thầy cô và học sinh phải tiếp tục ôn tập, phân tích đề thi, nguyên nhân của việc bài thi chưa đạt kết quả cao. Ngoài ra các nhà trường cũng cần phải phối hợp với phụ huynh và lên kế hoạch ôn tập, bồi dưỡng thêm kiến thức. Có như vậy, tác dụng của những kỳ thi thử mới có tác dụng. Những chuyên gia giáo dục này cũng cho biết nhiều học sinh không ôn tập, nhưng cũng rất muốn thi thử. Thi thử chỉ giúp các em biết được thực lực của mình chứ không phải thi nhiều là có thể sẽ đạt kết quả cao. Ngoài ra việc lựa chọn những trung tâm tổ chức thi thử cũng rất quan trọng. Bộ GD&ĐT cũng cần có những biện pháp để chấn chỉnh các cơ sở tổ chức dịch vụ thi thử đại học. Xử lý hành chính có lẽ là chưa đủ sức nặng, việc đình chỉ hoạt động của các cơ sở có những vi phạm về chất lượng đề thi không tốt, công tác tổ chức trông thi không nghiêm ngặt… Với các thí sinh đang chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học cũng nên tìm hiểu để có những thông tin nhất định về các trung tâm thi thử, không nên vì phong trào mà thi thử. Việc tổ chức thi thử tại các trường THPT có thể sẽ làm “hạ nhiệt” tại các trung tâm thi thử tràn lan hiện nay. Điều này sẽ thật sự hữu ích với những học sinh ở các trường THPT miền núi, vùng sâu, vùng xa… khi không phải vượt một chặng đường xa chỉ để đi… thi thử. Như vậy nếu được tổ chức một cách nghiêm túc thì thật sự có ý nghĩa đối với thí sinh trong việc “kiểm tra” trình độ của mình, nhưng nếu những kỳ thi thử chỉ được tổ chức vì tiền, vì lợi nhuận thì nó chẳng có ý nghĩa gì đối với các thí sinh ngoài việc làm tốn tiền cha mẹ.
Theo Bảo Nam (ANTĐ)