Sáng 21-6, Hội Nhà báo TP.HCM đã tổ chức Lễ kỷ niệm 93 năm ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2018) và trao giải báo chí TP.HCM lần thứ 36, tại Nhà hát Đài Truyền hình TP.
Loạt bài "Cán bộ phường vì dân" của nhóm tác giả Thanh Tuyền, Lê Thoa đoạt giải Nhất nhóm 3 (hai tác giả đứng thứ hai và ba từ phải sang). Ảnh: T.THÙY
Theo đó, từ 226 tác phẩm được gửi dự thi, ban tổ chức đã quyết định trao giải cho 66 tác phẩm. Trong đó có 5 giải Nhất, 15 giải Nhì, 21 giải Ba và 25 giải Khuyến khích.
Ông Mã Diệu Cương, Chủ tịch Hội Nhà báo TP, đã nhiệt liệt chúc mừng các tác giả đoạt giải lần này. Ông cho biết giải báo chí TP.HCM là giải thưởng cao quý nhất trong năm dành cho tác phẩm báo chí xuất sắc cũng như tôn vinh các tác giả. Trong nhiều năm qua, giải báo chí luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo TP, nhất là Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.
Nhóm tác giả đoạt giải của báo Pháp Luật TP.HCM chụp ảnh cùng Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Thân Thị Thư. Ảnh:T.THÙY
Tại đây, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Thân Thị Thư cũng nhận định, trải qua 93 năm hình thành và phát triển, đội ngũ những người làm báo luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, là vũ khí sắc bén; mô tả trung thực khách quan về sự phát triển của TP.
Theo bà Thư, báo chí TP đã phản ánh đa dạng phong phú nhịp đập, hơi thở cuộc sống. Không chỉ phản ánh những tấm gương điển hình mà còn tích cực tham gia phòng chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực, những biểu hiện suy thoái, đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc sai trái… Ngày càng có nhiều tác phẩm có chất lượng cao, có sức lan tỏa và mang lại hiệu ứng xã hội tốt.
Tác phẩm "Đuối vì họp" của hai tác giả Việt Hoa, Lê Thoa đoạt giải Nhì nhóm 2 (hai tác giả đứng thứ nhất và hai từ trái sang). Ảnh: T.THÙY
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP cũng đánh giá cao sự kỳ công, tinh thần dấn thân, lòng yêu nghề, nỗ lực sáng tạo của các tác giả có tác phẩm đoạt giải báo chí TP năm nay; đồng thời lưu ý mỗi nhà báo phải thể hiện được trách nhiệm và bản lĩnh của mình.
“Người làm báo phải nói thẳng nhưng cũng phải cân nhắc nhiều hơn khi viết để làm sao nội dung thông tin trên báo giúp cho xã hội nhận thức đúng bản chất sự việc, giúp bạn đọc có thái độ tích cực với cuộc sống. Mọi thông tin trên báo chí phải xuất phát từ cái tâm trong sáng của nhà báo, tất cả vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì quyền lợi chính đáng của người dân” - bà Thư nhấn mạnh.
Tác phẩm "Mạo danh nhà khoa học trong vụ nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải xuống vùng biển Hòn Cau" của nhóm tác giả Phương Nam, Tấn Lộc, Nguyễn Đức, Chân Luận đoạt giải Ba (đại diện tác giả đứng thứ 4 từ trái sang). Ảnh: H.KIM
Năm nay, báo Pháp Luật TP.HCM đoạt ba giải báo chí với 1 giải Nhất, 1 giải Nhì và 1 giải Ba.
Trong đó, giải Nhất ở nhóm 3 (phỏng vấn, tường thuật, ghi nhanh) với tác phẩm “Cán bộ phường vì dân" gồm 4 kỳ của hai tác giả Thanh Tuyền và Lê Thoa.
Giải Nhì ở nhóm 2 (Chính luận) với tác phẩm “Đuối vì họp” gồm 3 kỳ của hai tác giả Việt Hoa và Lê Thoa.
Giải Ba ở nhóm 3 (phỏng vấn, tường thuật, ghi nhanh) với tác phẩm “Mạo danh nhà khoa học trong vụ “nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải xuống vùng biển Hòn Cau” của nhóm tác giả Phương Nam, Tấn Lộc, Nguyễn Đức và Chân Luận.