Cán bộ làm thêm giờ để dân bớt cực

“Chứng kiến nhiều công nhân hết giờ làm việc mà vẫn hớt hải chạy đến phường nộp hồ sơ, nhiều cán bộ phường rất động lòng” - ông Lê Doãn Tuyến, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP.HCM, chia sẻ về lý do phường tổ chức làm việc thêm ngoài giờ hành chính.

“Thấy công nhân tan ca mới đến phường mà thương”

Ông Tuyến cho hay xuất phát từ mong muốn phục vụ và hỗ trợ dân tối đa, từ đầu năm 2018, UBND phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân đã quyết định tổ chức tiếp nhận, xử lý và trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa đến 18 giờ các ngày thứ Hai, Tư, Sáu hằng tuần. Phường đã nhắn tin cho hơn 6.000 hộ dân trên địa bàn phường để thông báo từ ngày 1-2, UBND phường sẽ làm “tăng ca” như thế.

Thông báo này cũng được niêm yết trước cổng UBND phường và bộ phận một cửa để người dân được biết. Trong ba ngày mỗi tuần, phường bố trí 2-3 cán bộ luân phiên ở lại tiếp nhận và xử lý hồ sơ. Lãnh đạo phường gồm chủ tịch và các phó chủ tịch phân công thay nhau trực để ký giấy tờ và cùng làm việc với cán bộ. Phí và lệ phí cho việc tiếp nhận hồ sơ ngoài giờ vẫn không thay đổi so quy định. Từ đó đến nay, UBND phường đã tiếp nhận và xử lý ngoài giờ hơn 300 hồ sơ bao gồm: Sao y, chứng thực, bảo hiểm, quy hoạch, nhà đất…

Tương tự, ông Đoàn Xuân Vinh, Phó Chủ tịch UBND phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM, cho biết từ lâu chính quyền đã tổ chức làm việc sáng thứ Bảy để phục vụ người dân nhưng vẫn không xuể. Từ đó, Đoàn Thanh niên của phường tổ chức sao y, chứng thực cho người dân vào mỗi thứ Ba, thứ Năm hằng tuần từ 17 giờ đến 19 giờ. “Thấy người dân hài lòng, mình được tiếp thêm động lực” - ông Vinh chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND quận 12 Lê Huỳnh Minh Tú cho biết tại quận này công tác giải quyết hồ sơ sẽ được thực hiện liên tục từ sáng đến tối mà không nghỉ trưa. “Tăng thời gian phục vụ người dân từ tám tiếng lên 9,5 tiếng mỗi ngày thứ Hai, Tư, Sáu. Như vậy, người dân sẽ thêm được nhiều lựa chọn khi có nguyên một khung giờ để đến làm việc và họ muốn đến khi nào cũng được” - ông Tú cho hay.

Về khâu cán bộ, quận 12 cho hay quận bố trí sao cho đảm bảo cán bộ chỉ làm tối đa tám tiếng mỗi ngày. Ông Tú cho biết trên thực tế, vào mỗi buổi sáng, có rất nhiều trường hợp người dân nộp hồ sơ khá trễ, trong khi số lượng hồ sơ hằng ngày của quận là quá lớn. Tình trạng này khiến người dân phải đợi qua đầu giờ chiều, gây phiền lòng, lỡ công, lỡ việc bà con. Đó chính là lý do khiến quận bố trí cán bộ làm việc luôn cả buổi trưa để giải quyết nhu cầu của dân.

Chị Phan Trần Thanh Mai (ngụ quận Thủ Đức) cho biết rất may mắn khi phường Bến Thành nhận sao y để kịp nộp hồ sơ bảo hiểm vào sáng hôm sau. Ảnh: LÊ THOA

Trước khi tổ chức tiếp nhận và giải quyết hồ sơ sau giờ hành chính, UBND phường Bình Trị Đông B đã nhắn tin cho 6.000 hộ dân. Ảnh: LÊ THOA

Được tiếp thêm động lực khi dân hài lòng

Thường xuyên ngồi trực cùng cán bộ vào buổi tối, ông Nguyễn Thanh Vang, Phó Chủ tịch UBND phường Linh Trung (quận Thủ Đức), chia sẻ rằng địa bàn phường rất đông công nhân, sinh viên nên nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính rất lớn. “Nếu phường chỉ làm trong giờ hành chính thì rất kẹt cho anh em công nhân. Họ phải nghỉ làm một buổi để đi làm giấy tờ, như thế sẽ ảnh hưởng đến tiền lương” - ông Vang nói.

Từ đó, UBND phường đề xuất kế hoạch làm thêm ngoài giờ để giúp dân giải quyết hồ sơ, thủ tục. Đều đặn vào thứ Ba và thứ Năm hằng tuần, từ lúc 18 đến 19 giờ 30, UBND phường tăng cường thêm ba cán bộ ngồi trực để tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cho dân. “Ngày đầu mới triển khai, dân đến chưa nhiều. Chúng tôi thông báo qua loa phát thanh, họp giao ban khu phố cũng thông tin, treo băng rôn ở nhiều tuyến đường nên dần dà người dân biết và đến nộp hồ sơ ngoài giờ khá đông” - ông Vang cho hay.

Ông Trần Duy Long, Chủ tịch UBND phường Linh Xuân, Thủ Đức, cho biết trước đó phường đã tiến hành hỗ trợ giải quyết hồ sơ tại nhà cho nhiều đối tượng nhưng vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của dân. Do đó, phường đã nhắn tin đến cho 5.000 hộ dân trên địa bàn về thông tin giải quyết hồ sơ ngoài giờ hành chính. “Phường chọn ngày thứ Hai và thứ Sáu để làm thêm giờ, vì hai ngày này người dân đến đông nhất trong tuần” - ông Long chia sẻ.

Thành phố hoan nghênh tinh thần vì dân phục vụ

Xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân và doanh nghiệp không thể đi làm hồ sơ trong giờ hành chính mà một số phường, quận tổ chức cho cán bộ, công chức làm ngoài giờ. Dù là giải pháp tình thế nhưng TP rất hoan nghênh tinh thần tìm giải pháp để phục vụ kịp thời cho người dân. Điều này góp phần nâng cao hình ảnh của cơ quan nhà nước, của cán bộ, công chức.

Hiện nay chúng ta chưa có quy định về việc cơ quan nhà nước phải làm ngoài giờ để phục vụ dân. Vì vậy, cách làm của các địa phương là một gợi ý tốt. Sắp tới UBND TP sẽ phân công cho Sở Nội vụ nghiên cứu, khảo sát từng khu vực, lắng nghe ý kiến, kiến nghị, xem nơi nào thực sự có nhu cầu làm thêm ngoài giờ để đề xuất, báo cáo cho UBND TP quyết định. Bởi việc tổ chức làm ngoài giờ còn đi kèm với các vấn đề liên quan như nhân sự, bộ máy, chi phí lao động…

Mục tiêu của việc tổ chức làm ngoài giờ là để phục vụ người dân và doanh nghiệp (không có điều kiện liên hệ trong giờ hành chính) chứ không phải vì cán bộ làm ngoài giờ để tăng thu nhập. Ngoài ra, cán bộ, công chức cũng phải làm tròn nhiệm vụ của mình trong khung giờ hành chính.

Ông ĐỖ VĂN ĐẠO, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM

Hình ảnh đẹp, cần nhân rộng

Cán bộ không nghỉ trưa hoặc ở lại chiều tối để giải quyết hồ sơ cho dân là hình ảnh đẹp. Đây là nhu cầu cần thiết của người dân vì nhiều người không có điều kiện đi làm hồ sơ trong giờ hành chính. Các địa phương đã cố gắng sắp xếp nhân sự để làm thêm giờ, trên tinh thần tự nguyện. Một số địa phương đã thực hiện hiệu quả, vì vậy cần tiếp tục nhân rộng ở những địa bàn có nhu cầu.

Ông CAO THANH BÌNH, đại biểu HĐND TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm