Loạt chính trị gia NATO lo ông Biden không đấu nổi ông Trump

(PLO)- Sự băn khoăn về khả năng thắng cử và điều hành của ông Biden lan ra ngoài nước Mỹ cụ thể sang nhiều chính trị gia NATO, sau màn thể hiện được cho không tốt của ông trong phiên tranh luận với ông Trump.

Việc Tổng thống Mỹ Joe Biden thể hiện không tốt trong phiên tranh luận trực tiếp lần một với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump không chỉ khiến chính trường và người dân nước Mỹ băn khoăn mà cả các chính trị gia nhiều nước đồng minh cũng bày tỏ sự quan ngại.

Lo ông Biden không thắng được ông Trump

Tờ Politico ngày 6-7 cho biết mình vừa phỏng vấn một loạt chính trị gia là lãnh đạo và quan chức cấp cao nhiều nước đồng minh Mỹ trong khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) liên quan ông Biden và phiên tranh luận vừa rồi.

Theo Politico, nhiều chính trị gia NATO mà tờ này phỏng vấn đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về tuổi tác, sức khỏe và khả năng giành chiến thắng của ông Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Hiện lãnh đạo nhiều đồng minh NATO đang âm thầm đặt câu hỏi liệu ông Biden có thể chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 và đảm bảo sự ủng hộ của Mỹ đối với việc phòng thủ của châu Âu hay không. Ảnh: GETTY IMAGES

Hiện các lãnh đạo và các nhà ngoại giao NATO đang chuẩn bị sang Mỹ tham gia hội nghị thượng đỉnh NATO vào tuần tới. Politico cho biết đã trao đổi với 20 người có liên quan đến NATO hoặc liên quan đến hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới ở Mỹ.

Các chính trị gia này phần lớn ủng hộ ông Biden tái đắc cử, lo ông Trump trở lại nắm quyền sẽ gây tổn hại đến liên minh NATO và làm tê liệt nỗ lực viện trợ cho Ukraine. Tuy nhiên các chính trị gia châu Âu bất an với màn thể hiện tranh luận của ông Biden và lo ngại rằng ông Biden có thể không đủ sức đánh bại ông Trump và lãnh đạo một siêu cường toàn cầu trong nhiệm kỳ 4 năm nữa.

Ông Ian Bremmer, chủ tịch của Eurasia Group (công ty tư vấn rủi ro chính trị, trụ sở ở Mỹ), cho biết ông đã trực tiếp nghe được những lo ngại về tình trạng của ông Biden từ nhiều nhà lãnh đạo G7 và châu Âu. Theo ông Bremmer, `những lo ngại về ông Biden` và `sự hoảng loạn về ông Trump` đang ngày càng tăng ở châu Âu.

“Không cần phải là thiên tài mới thấy rằng tổng thống đã già. Chúng tôi không chắc rằng, ngay cả khi ông ấy thắng cử, ông ấy có thể trụ được thêm bốn năm nữa` - Politico dẫn lời một chính trị gia một nước NATO.

"Thành thật mà nói, thật đau lòng khi phải chứng kiến ​​phiên tranh luận này. Tất cả chúng ta đều muốn ông Biden có nhiệm kỳ thứ hai để tránh phải đối phó với ông Trump một lần nữa, nhưng điều này không thực sự đáng tin cậy" - một quan chức Liên minh châu Âu nói về cuộc tranh luận.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong phiên tranh luận tuần trước. Ảnh: GETTY IMAGES

Thậm chí, trao đổi với Politico trước khi Anh có thủ tướng mới vào ngày 6-7, một bộ trưởng Anh đã thẳng thắn đặt câu hỏi rằng "Liệu các nhà tài trợ của đảng Dân chủ có thể hành động cùng nhau và khiến ông Biden nghỉ hưu để chúng ta có cơ hội có một ứng cử viên đáng tin cậy đối với cử tri không?"

"Với tôi, có vẻ như sẽ rất khó khăn để ông ấy tiếp tục chiến dịch của mình và tiếp tục tại vị" – Politico dẫn lời một nhà ngoại giao cấp cao EU. Vị chính trị gia này đề nghị đảng Dân chủ nên "cân nhắc mọi lựa chọn".

Trong số các chính trị gia công khai bày tỏ lo ngại có ông Donald Tusk, thủ tướng trung dung của Ba Lan, rằng ông Biden `chắc chắn có vấn đề`, `các phản ứng không rõ ràng`.

Chính trị gia Marie-Agness Strack-Zimmermann, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Đức, cho rằng nếu Trump thắng cử lần nữa thì do `đảng Dân chủ không thể đưa ra một ứng cử viên mạnh mẽ chống lại ông ấy`.

Thượng đỉnh NATO – cơ hội và thách thức với ông Biden

Nhiều chính trị gia thậm chí còn cho biết họ đã cảm thấy bất an, `dè dặt thầm lặng về việc đặt niềm tin` vào ông Biden ngay cả trước khi phiên tranh luận diễn ra.

Thế nên, theo Politico lúc này ông Biden phải thuyết phục những người đồng cấp châu Âu rằng ông sẵn sàng vượt qua cuộc khủng hoảng chính trị để tiếp tục chiến đấu.

Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris xuất hiện trên Ban công Truman của Nhà Trắng ở Washington, D.C., hôm 6-7. Bà Harris là một trong những người đang được nhiều người ủng hộ thay ông Biden đấu với ông Trump. Ảnh: GETTY IMAGES

Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Mỹ vào tuần tới sẽ là sự kiện vừa mang lại cơ hội để ông Biden trấn an các đồng minh Mỹ, vừa mang tính thách thức với ông Biden, đài Fox News Politico nhận định. Theo Politico, ông Biden có nhiều lợi thế cảm tình với các lãnh đạo NATO. Một trong số đó là quan điểm của ông Biden về cuộc chiến Nga phát động ở Ukraine và về ông Putin, và việc ông Biden nhiều lần nhắc lại quan điểm này trong phiên tranh luận với ông Trump.

(Từ phải sang): Tổng thống Joe Biden, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Thủ tướng Nhật Fumio Kishida tham dự phiên họp về châu Phi, biến đổi khí hậu và phát triển vào ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh G-7 ở Savelletri (Ý) vào ngày 13-6. Ảnh: REUTERS

Về thách thức, gần như chắc chắn ông Biden sẽ phải đối mặt các câu hỏi từ các đồng minh về cam kết của Mỹ đối với Ukraine, theo Politico. Giờ sau phiên tranh luận không tốt với ông Trump, khả năng ông Biden sẽ phải nghe những đánh giá về khả năng thể chất lẫn năng lực chính trị của mình.

Ông Biden sẽ phải thể hiện kỹ năng lãnh đạo và sức bền của mình trong 3 ngày hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra ở thủ đô Washington D.C. từ ngày 9 đến ngày 11-7 trong thời tiết dự báo sẽ rất nóng nực. Với tư cách là người chủ trì, ông Biden sẽ không thể bỏ lỡ các sự kiện.

Vào ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh, ông Biden sẽ có bài phát biểu quan trọng về 75 năm thành lập NATO tại Hội trường Mellon, nơi hiến chương thành lập liên minh được ký kết vài năm sau Thế chiến II.

Ngày 10-7 — 24 giờ bận rộn nhất của hội nghị thượng đỉnh — ông Biden sẽ gặp các nhà lãnh đạo của 31 quốc gia thành viên khác cũng như các quốc gia đối tác. Trong ngày này ông Biden sẽ chủ trì cuộc họp kéo dài ba giờ của Hội đồng Bắc Đại Tây Dương với sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia và chính phủ khác.

(Từ trái sang): Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida, Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Chủ tịch Hội đồng EU Charles Michel, Thủ tướng Đức Olaf Scholz (SPD), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen và Tổng thống Joe Biden tại hội nghị thượng đỉnh G-7 ở Fasano (Ý) vào ngày 13-6. Ảnh: GETTY IMAGES

Ngày 11-7, ông Biden sẽ tham dự và chủ trì một phiên họp kéo dài về nhiều chủ đề, từ chiến tranh ở Ukraine đến việc tăng cường năng lực răn đe của NATO, tình hình an ninh năng động ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ông Biden sẽ tham dự các phiên họp song phương với các đồng minh hàng đầu.

Trong ngày 11-7 ông Biden sẽ có một cuộc họp báo riêng. Một trong những mối quan tâm của các đồng minh NATO là liệu ông Biden có thể bảo đảm được sự ủng hộ của Mỹ cho việc phòng thủ châu Âu trong bao lâu nữa, đặc biệt sau cuộc bầu cử có khả năng sẽ rất sít sao với cựu tổng thống đảng Cộng hòa, người vốn nhiều lần tỏ ra không mặn mà việc hỗ trợ các đối tác ở nước ngoài.

Ngoài ra, một số đồng minh NATO không hoàn toàn hài lòng với khả năng lãnh đạo của ông Biden. Nhiều người cho rằng ông Biden đã quá chậm chạp trong cách tiếp cận cung cấp vũ khí và bật đèn xanh cho Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga.

Tuy nhiên theo Politico, ông Biden khả năng sẽ phải trả lời nhiều câu hỏi về tuổi tác và sự nhạy bén của mình hơn là về mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Vào tối ngày cuối cùng 11-7, ông Biden sẽ tổ chức một bữa tiệc tối cấp nhà nước với các nhà lãnh đạo thế giới cho đến tận đêm khuya — vượt qua mốc 8 giờ tối mà ông vừa đặt ra sẽ chấm dứt làm việc để giữ sức khỏe.

Lo ngại cũng xuất hiện ngoài khối NATO. Hãng tin Bloomberg dẫn lo ngại của Tổng thống cánh tả Brazil Luiz Inacio Lula da Silva rằng “ông Biden có vấn đề” trong khi "cuộc bầu cử ở Mỹ rất quan trọng đối với toàn thế giới".

Theo hãng tin Reuters, ở châu Á, cụ thể ở 2 nước đồng minh của Mỹ là Nhật và Hàn Quốc, sự bất an khả năng phải lần nữa chứng kiến mối quan hệ căng thẳng thời ông Trump cầm quyền nước Mỹ đang quay trở lại. Còn nhớ thời ông Trump làm tổng thống Mỹ thì chính quyền của ông đã kêu gọi 2 nước đồng minh này đóng góp tài chính nhiều hơn cho hỗ trợ quân sự, chưa kể căng thẳng gia tăng quanh các vấn đề gay gắt về thương mại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới