Diễn đàn: Cách hành xử khi 'Giữa đàng gặp chuyện bất bình'

Lời gan ruột của những người trong cuộc

(PLO)- "Giữa đàng gặp chuyện bất bình", nếu nháo nhào nhảy vô can ngăn, rồi lỡ không kiềm chế được thì lại biến cuộc can ngăn thành một vụ ẩu đả, vô tình biến hành động nghĩa hiệp của mình thành hành vi vi phạm pháp luật.

Diễn đàn: Cách xử lý khi "Giữa đàng gặp chuyện bất bình" của báo Pháp Luật TP.HCM đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của bạn đọc. Các ý kiến đều đồng tình rằng người Việt chúng ta luôn có tinh thần tương trợ lẫn nhau, sẽ không ai vô cảm, lạnh lùng khi nhìn đồng loại của mình gặp nạn; vấn đề quan trọng là lựa chọn xử sự phù hợp cho từng câu chuyện cụ thể.

Báo Pháp Luật TP.HCM vinh danh hành động đẹp của những người tham gia giải cứu tài xế mắc kẹt trong xe trong vụ tai nạn trên cầu Phú Mỹ, quận 7, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Ông LÝ NHƠN THÀNH, thành viên Tổ bảo vệ ANTT của phường Nguyễn Thái Bình, quận 1:

Phân tích đúng sai, giảm thiểu căng thẳng

Ông LÝ NHƠN THÀNH

Mỗi ngày tổ ANTT chúng tôi tham gia tuần tra vào nhiều khung giờ khác nhau trên địa bàn để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các vụ việc gây mất an ninh trật tự. Quá trình tuần tra tổ cũng gặp các vụ việc tranh cãi của người dân xuất phát từ mâu thuẫn trong cuộc sống hoặc khi tham gia giao thông…

Đối với các trường hợp mâu thuẫn đánh nhau, tôi sẽ vào can ngăn và tách họ ra từ ban đầu. Nếu hai bên quá bức xúc, thì sẽ tìm cách nói chuyện, gợi mở và tạo cảm giác thân thiện, phân tích đúng sai... để giảm bớt sự căng thẳng.

Nếu hai bên vẫn không dừng lại, tôi sẽ mời cơ quan chức năng xuống hiện trường làm việc. Trường hợp tổ ANTT nhận được thông báo có đánh nhau và dùng hung khí nguy hiểm, tổ sẽ triển khai đội hình khác có trang bị khiên bảo vệ, áp giáp, nón… để đến hiện trường.

Vừa rồi, có trường hợp va chạm giao thông, hai bên căng thẳng còn định dùng nón, dây xích để ẩu đả… Lúc đó, tôi đã vào can thiệp và xuất trình giấy tờ, sau đó tôi đề nghị hai bên dừng lại, nếu không tôi sẽ là người làm chứng và gọi cơ quan chức năng đến làm việc. Sau khi tổ ANTT can thiệp, hai bên đã dừng.

Đối với người dân, thông thường những người vào can ngăn mâu thuẫn đều tự tin, tính tình nhẹ nhàng, không nóng nảy và họ nhận thức được vụ việc nên mới dám đứng ra can ngăn. Bên cạnh đó, một số người thấy bất bình thì can ngăn nhưng nếu can không khéo thì sẽ “xung trận” và trở thành nạn nhân hoặc thành người vi phạm nặng nhất trong cuộc ẩu đả.

Vì vậy, người dân cần thận trọng khi tham gia vào các cuộc can ngăn mâu thuẫn. Khi phát hiện sự việc, không cần phải ùa vào cùng nhau can ngăn mà chỉ cần một vài người vào can, những người xung quanh ghi hình, hô hoán sẽ báo lực lượng chức năng để đánh vào tâm lý của những người đang sự nóng nảy... Nếu đối tượng dùng hung khí nguy hiểm thì cách tốt nhất là quay nhiều video clip thật rõ hành vi, biển số xe... để trình báo cơ quan chức năng gần nhất. Điều này vừa giữ an toàn cho bản thân mà giúp được mọi người.

Chị VÕ THỊ KIỀU DIỄM, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM:

Hành động nhỏ, ngăn hậu quả lớn

Chị VÕ THỊ KIỀU DIỄM

Hôm đó, khi đang xếp hàng ở siêu thị, tôi bị thu hút bởi tiếng la hét và khóc lóc ầm ĩ từ phía quầy bánh kẹo. Một bé trai, khoảng 6-7 tuổi, đang níu chặt tay mẹ, gương mặt đỏ bừng, vừa khóc vừa giãy giụa. Đứa trẻ liên tục chỉ tay vào một món đồ ngọt trên kệ, đòi mẹ mua. Người mẹ căng thẳng và đầy giận dữ, cố gắng kéo tay con ra nhưng không thành.

Sự kiên nhẫn của bà dường như cạn kiệt, người mẹ đột ngột cúi xuống, nắm chặt vai con, nhấc cậu bé lên rồi lay mạnh. Những tiếng khóc thét trở thành tiếng nấc đứt quãng, nhưng bà không dừng lại. Người mẹ giơ tay đánh liên tiếp vào mông và lưng con, mỗi cú đánh kèm theo một lực mạnh khiến cậu bé chao đảo, đôi chân nhỏ lảo đảo mất thăng bằng. Khuôn mặt bà đỏ bừng, miệng không ngừng la mắng, giọng nói vang vọng khắp khu vực khiến không khí trở nên nặng nề.

Những người xung quanh đứng nhìn, có người quay mặt đi, có người nhíu mày lắc đầu. Một vài ánh mắt đầy ái ngại hướng về phía hai mẹ con, nhưng không ai can thiệp. Tôi cảm thấy tim mình thắt lại khi thấy ánh mắt sợ hãi của cậu bé, đôi bàn tay nhỏ gắng che lấy cơ thể nhưng không đủ sức chống đỡ.

Tôi cảm thấy lòng mình chùng xuống. Bạo lực nơi công cộng không chỉ tổn thương cậu bé mà còn để lại những ảnh hưởng xấu đến mọi người chứng kiến, đặc biệt là trẻ em khác. Thay vì im lặng hoặc chỉ nhìn, tôi quyết định phải hành động, nhưng theo cách không khiến người mẹ cảm thấy bị phán xét.

Tôi bước tới gần, cố gắng giữ điềm tĩnh, không trực tiếp chạm vào tình huống căng thẳng. Tôi nhặt một món đồ chơi giá rẻ từ kệ gần đó và đặt lên quầy gần tay cậu bé, tạo sự chú ý cho cả hai mẹ con. Sau đó, tôi vờ cúi xuống chỉnh lại những món hàng bị xáo trộn, tạo cảm giác tôi chỉ tình cờ xuất hiện.

Sự có mặt của tôi dường như làm người mẹ nhận ra mọi ánh nhìn xung quanh. Bà buông tay con, đứng thẳng dậy, thoáng lúng túng. Không nói lời nào, bà kéo cậu bé đứng lên rồi dẫn đi về phía quầy hàng khác. Cậu bé vẫn sụt sùi, nhưng không còn tiếng khóc thét, thay vào đó là sự im lặng xen lẫn ngơ ngác.

Dõi theo bóng họ, tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì mình đã ngăn được tình huống xấu đi, dù chỉ là một hành động nhỏ. Tôi không lên tiếng, không chỉ trích, nhưng sự hiện diện và hành động gián tiếp của tôi có lẽ đã giúp tình huống bạo lực này lắng xuống một cách hòa nhã. Tôi hy vọng người mẹ sẽ suy nghĩ lại và tìm cách xử lý tốt hơn trong tương lai.

Anh ĐỖ HÙNG DŨNG, ngụ tỉnh Đồng Nai:

Cung cấp chứng cứ, góp phần xử lý triệt để hành vi sai phạm

Hôm đó, khi đang đi tập thể dục ở nơi gần trường học, tôi nghe thấy tiếng cãi vã và nhìn thấy một nhóm học sinh vây quanh một cậu bé nhỏ hơn. Cậu bé bị ép vào tường, nước mắt lưng tròng, tay ôm ba lô cố bảo vệ mình. Một đứa trong nhóm đó túm cổ áo cậu, đẩy mạnh vào tường, trong khi những đứa còn lại đứng xung quanh, cười nhạo và cổ vũ.

Không thể đứng im, tôi hô to yêu cầu dừng lại. Rồi tôi bước tới gần, đứng chắn giữa cậu bé và nhóm học sinh. Nhóm này ngay lập tức quay ra nhìn tôi, vẻ mặt thách thức và kèm theo lời chửi bới, đe dọa. Lúc này tôi rút điện thoại ra và giơ lên, cố ghi lại sự việc. Khi thấy tôi làm vậy, nhóm học sinh chần chừ, ánh mắt lộ rõ sự bối rối. Một em bước tới gần, muốn giật điện thoại của tôi nhưng không dám hành động, còn những em khác dần tản ra.

Khi nhóm học sinh bỏ đi, tôi quay lại nhìn cậu bé. Em vẫn còn sợ hãi nhưng không bị thương. Tôi dặn em về nhà ngay và báo cho gia đình. Sau đó, tôi gửi đoạn video và thông tin sự việc tới nhà trường, hy vọng họ sẽ can thiệp kịp thời để giải quyết tình trạng bạo lực này.

Dù sau sự việc, tôi lo lắng về những lời đe dọa của nhóm học sinh, nhưng tôi không hối hận. Cảm giác bất bình và sự can thiệp kịp thời giúp tôi nhận ra rằng không thể đứng im khi chứng kiến bạo lực, dù hành động của mình có thể không thay đổi ngay lập tức, nhưng ít nhất đã ngừng được sự việc xấu xảy ra trong khoảnh khắc đó.

Sáng suốt lựa chọn cách can ngăn và lên án cái xấu

Trong vụ án hai vợ chồng đánh người đi đường chỉ vì va chạm giao thông nhỏ nhặt, anh Hà Hữu Vinh (tài xế xe ôm công nghệ) không phải là người gây ra mâu thuẫn với vợ chồng này. Anh Vinh là người đi đường, chứng kiến cảnh họ tấn công hai người đi đường khác. Anh Vinh đứng ra ngăn cản và bị họ tấn công ngược lại. Sự việc diễn ra rất nhanh, chỉ trong vài phút.

Ở đây, anh Vinh cũng đang đại diện cho cộng đồng, anh có hành động dũng cảm, lên tiếng ngăn cản hành vi đánh người. Hành động này của anh đã được Công an quận 1 khen thưởng.

Việc những người đi đường khác chứng kiến cảnh anh Vinh bị đánh nhưng không ra tay giúp đỡ không phải là sự vô cảm. Minh chứng là có một anh tài xế xe ôm công nghệ khác cũng đứng ra can ngăn nhưng cũng không cản nổi sự hung hăng của vợ chồng này. Một số người khác nhanh chóng dùng điện thoại quay lại cảnh này. Rõ ràng họ đều đang đại diện cho cộng đồng.

Những đoạn video được đăng tải trên mạng xã hội hay gửi đến cơ quan công an đều là cách lên án cái xấu. Sự việc này khiến tôi liên tưởng đến bức ảnh “Kền kền chờ đợi” của tác giả Kevin Carter. Bức ảnh đã được trao giải thưởng Pulitzer. Tuy nhiên, trước đó khi bức ảnh được đăng tải lần đầu tiên trên tờ The New York vào ngày 26-3-1993 thì ngay sau đó, rất nhiều độc giả tỏ thái độ chỉ trích tác giả bức ảnh. Họ đặt câu hỏi tại sao khi nhìn thấy con kền kền đang tấn công em bé, tác giả bức ảnh không ra tay cứu giúp em bé mà còn đứng đó chụp ảnh. Tất nhiên, thực tế thì em bé trong bức ảnh vẫn được an toàn.

Việc quay video trong tình huống nêu trên chính là đang góp phần lên án cái xấu. Việc ngay sau đó công an vào cuộc xử lý hành vi vi phạm của hai vợ chồng đánh người là một động thái tích cực.

Nhìn nhận ở góc độ những người đi đường khác, khi sự việc diễn ra quá nhanh, họ chưa kịp đánh giá sự việc như thế nào thì xét về tâm lý chung, việc họ không đứng ra ngăn cản hành vi đánh người cũng là điều dễ hiểu. Nếu nháo nhào nhảy vô can ngăn, rồi lỡ không kiềm chế được thì lại biến cuộc can ngăn thành một vụ ẩu đả, vô tình biến hành động nghĩa hiệp của mình thành hành vi vi phạm pháp luật.

Cùng hợp lực, dùng sức mạnh tập thể để ngăn cản, khống chế hành vi coi thường pháp luật là điều nên làm. Vì sự việc diễn ra nhanh chóng chỉ trong vài phút nên chúng ta chưa thấy được sức mạnh tập trong tình huống này. Người Việt chúng ta luôn có tinh thần tương trợ lẫn nhau. Tôi tin rằng không ai trong chúng ta tỏ ra vô cảm, lạnh lùng khi nhìn đồng loại của mình gặp nạn.

TS NGUYỄN NGỌC SƠN, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới