Lợi ích và rủi ro của Úc khi mua tàu ngầm Mỹ

(PLO)- Thỏa thuận Úc mua năm tàu ngầm của Mỹ có thể sẽ thổi bùng căng thẳng mới giữa Trung Quốc và liên minh AUKUS, giữa lúc có nhiều lo ngại về nguy cơ nổ ra xung đột quân sự liên quan tới Bắc Kinh.

Ngày 13-3 tới, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ gặp Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Thủ tướng Úc Anthony Albanese để thảo luận về Hiệp ước Đối tác an ninh tăng cường ba bên (AUKUS). Một trong những nội dung nổi bật sẽ là Úc chuẩn bị ký thỏa thuận mua năm tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia của Mỹ trong khuôn khổ AUKUS.

Theo thỏa thuận, ban đầu Mỹ sẽ gửi một số tàu ngầm loại này đến Úc để huấn luyện các sĩ quan ở đây cách vận hành, sau đó mới bán chính thức cho Úc. Về lâu dài, Anh và Úc sẽ cùng nhau phát triển một loại tàu “lai” dựa trên thiết kế tàu ngầm thế hệ tiếp theo của Anh - hiện được đặt tên là SSN (R).

Nhiều câu hỏi cho bước đi của Úc

Theo tờ The New York Times, số tàu ngầm mới sẽ được dùng để thay thế cho hạm đội tàu ngầm lớp Los Angeles đã cũ trong biên chế Hải quân Úc. Không giống các tàu ngầm tên lửa đạn đạo vốn là một phần trong kho vũ khí hạt nhân của Mỹ, các tàu ngầm tấn công nhanh như tàu lớp Virginia có thể sử dụng nhiều loại vũ khí khác nhau, trong đó có cả ngư lôi và tên lửa hành trình. Tàu ngầm lớp Virginia cũng có thể chở các lực lượng tác chiến đặc biệt và thực hiện các nhiệm vụ trinh sát, tình báo.

Ngoài tàu ngầm, mới đây Bộ Quốc phòng Úc cũng xác nhận sẽ mua 63 tên lửa dẫn đường chống bức xạ AARGM-ER, 20 tên lửa huấn luyện trên không CATM, các thiết bị hỗ trợ huấn luyện đào tạo, hậu cần, sửa chữa và vận hành trị giá hơn 750 triệu USD. Trước đó, vào tháng 5-2022, Bộ Ngoại giao Mỹ từng phê duyệt việc bán các bệ phóng tên lửa di động cho Úc.

Tàu ngầm lớp Virginia cần thủy thủ đoàn 132 người, trong đó lượng sĩ quan cấp cao là 15. Theo chuyên gia John Blaxland thuộc ĐH Quốc gia Úc, “Úc có thể sẽ phải dùng tới nhân lực của Mỹ và Anh để hỗ trợ vận hành tàu ngầm”. Vì thế, “cả ba nước sẽ cần một mức độ hợp tác chặt chẽ, đáng tin cậy chưa từng có để thực hiện công việc này về mặt chính trị và quân sự”.

Điều này đặt ra nhiều câu hỏi. Chẳng hạn, liệu sau khi Mỹ kết thúc đào tạo quân đội Úc vận hành tàu ngầm thì các thủy thủ Mỹ và Anh có tiếp tục hoạt động trên tàu hay không. Thủ tướng Úc Albanese đã nhấn mạnh rằng Úc sẽ kiểm soát “hoàn toàn 100%” các tàu ngầm mua từ Mỹ.

Một tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia neo tại cảng quân sự Peral, bang Hawaii của Mỹ hồi tháng 6-2019. Ảnh: Hải quân Mỹ

Với việc không chủ động trong việc kiểm soát công nghệ và phụ thuộc vào sản phẩm và dịch vụ từ Mỹ và Anh, nhiều chuyên gia lo ngại thỏa thuận mới sẽ gây khó cho Úc trong việc tìm ra hướng đi riêng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà không nhất thiết phải gia nhập chiến lược của hai đồng minh. Thậm chí thỏa thuận có thể sẽ còn gây ra làn sóng phản đối AUKUS trong một bộ phận người dân Úc, cùng nguy cơ lớn hơn về nổ ra căng thẳng mới với Trung Quốc (TQ).

AUKUS chuẩn bị chạm trán Trung Quốc

Theo giới quan sát, TQ có thể sẽ coi bất kỳ thỏa thuận vũ khí nào trong khuôn khổ AUKUS là động thái khiêu khích từ Mỹ và đồng minh nhằm kìm hãm mình, đồng thời sẽ bắt đầu tăng tốc chạy đua vũ trang để đề phòng xung đột. Chuyên gia James Curran thuộc ĐH Sydney nhận định khả năng cao là TQ đánh giá Úc thông qua hành động tham gia AUKUS và mua tàu ngầm Mỹ đã đồng ý với chiến lược ngăn chặn TQ của Mỹ. Một rủi ro là tới đây khu vực sẽ phải chứng kiến nhiều động thái đối đầu, gây hấn hơn giữa TQ với Mỹ và đồng minh, an ninh, hòa bình khu vực có thể bị tác động.

The New York Times dẫn nguồn tin nội bộ cho biết giới tình báo Mỹ vẫn đang tích cực quan sát mọi động thái từ TQ nhằm bắt kịp dấu hiệu sớm nhất của nguy cơ xung đột, nhất là liên quan đến vấn đề Đài Loan. Gần đây nhiều quan chức Mỹ liên tục bày tỏ sự lo ngại rằng Mỹ và TQ có thể sẽ đụng độ quân sự vì vấn đề Đài Loan.

Tình báo Mỹ cũng đang theo dõi các nỗ lực cải tạo trái phép của quân đội TQ ở các vùng biển trong khu vực, gồm cả Biển Đông. Theo nhiều quan chức Mỹ, TQ có ý định phô trương sức mạnh quân sự với ý định thiết lập một hạm đội hải quân ở Ấn Độ Dương, biển Ả Rập, vịnh Ba Tư và xa hơn nữa.

Mỹ tính toán hiện đại hóa và mở rộng sản xuất tàu ngầm

Một tài liệu do Nhà Trắng công bố hôm 9-3 về các yêu cầu chi tiêu cho năm 2024 đề cập đến việc hiện đại hóa tàu ngầm và mở rộng sản xuất. Theo đó, Mỹ sẽ củng cố “bốn nhà máy đóng tàu hải quân công cộng để đáp ứng các yêu cầu bảo trì tàu ngầm và tàu sân bay trong tương lai”.

Điểm cuối cùng được liệt kê trong tài liệu đề cập rõ ràng các mục tiêu của AUKUS: “Ngân sách cũng tài trợ cho nền tảng kỹ thuật vững chắc hỗ trợ quan hệ đối tác an ninh ba bên Úc, Anh và Mỹ. Chúng ta cần phải nhanh chóng cung cấp cho Úc tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, được trang bị vũ khí hiện đại”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới