GIA LAI:

Lời kể đau xót của người mẹ ôm xác con đang phân hủy

Câu chuyện đau lòng này không phải xảy ra ở chốn rừng thiêng nước độc hay một nơi hoang dã mà là ngay chính ở Phố núi Pleiku (Gia Lai). Nhiều người dân vẫn chưa hết bàng hoàng khi chứng kiến cảnh tượng, một người phụ nữ Bahnar ngồi khóc lịm bên xác đứa con trai tội nghiệp của mình đang trong quá trình phân hủy…

Sự việc đã xảy ra hơn 1 tuần, đến nay, dù sức khỏe chưa hoàn toàn bình phục, tinh thần và đầu óc của chị Đinh Rắp (34 tuổi, trú làng Măng Rõ, xã Al Bá, huyện Chư Sê, Gia Lai) đã dần tạm ổn. Nhìn di ảnh của đứa con trai xấu số của mình, trong tâm trạng đau đớn, chị kể lại cho chúng tôi nghe câu chuyện đầy đau thương của mình, vì căn bệnh tâm thần tái phát mà chính chị đã “giết” đứa con trai do mình đứt ruột đẻ ra.

Chiều tối ngày 21/8, chị Rắp và đứa con trai Đinh Chôi (6 tuổi) ngồi chăm sóc cha mình là ông Đinh Yối (SN 1938, trú làng Măng Rõ), bị lên cơn tâm thần ở Khoa thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai. Lúc nay, bỗng dưng ông Yối đứng lên bỏ đi ra khỏi bệnh viện. Thấy vậy, chị Rắp không tìm cách ngăn cản mà lại dắt con đi theo cha mình. Dù không thông thạo đường xá thành phố, trời lại tối, nhưng 3 con người tội nghiệp cứ cùng nhau lang thang khắp nơi.

Khi đi đến Tượng đài liệt sĩ tỉnh Gia Lai (nằm trên quốc lộ 19, phường Thắng Lợi, TP.Pleiku), bỗng dưng mẹ con chị Rắp mất dấu vết của ông Yối. Chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào, chị Răp lại dẫn bé Chôi chui vào rẫy cà phê của gia đình ông Đặng Minh Trí (tổ 3, phường Thắng Lợi).
Trong đêm tối lạnh lẽo, bé Chôi liên tục khóc kêu đói, rét và đòi mẹ về nhà, còn người mẹ thì chỉ biết lấy áo khoác của mình chùm lên người con và ôm ghì lấy cậu bé. Đầu óc chị không còn đủ tỉnh táo để nhận thức về sức khỏe và lời kêu khóc của đứa con khi bên tại chị lúc nào cũng văng vẳng tiếng của “Yàng” (trời) cảnh báo: “nếu 2 mẹ con ngươi mà đi ra khỏi đây sẽ có người giết chết”.

Lời kể đau xót của người mẹ ôm xác con đang phân hủy ảnh 1

Chị Rắp đau đớn kể lại những ngày trong rẫy cà phê của 2 mẹ con
Câu nói này cứ ám vào tai, vào đầu chị Rắp, khiến chị rơi vào nỗi sợ hãi vô hình. Chị không dám đứng lên đi hay kêu người giúp đỡ mà chỉ biết ngồi một chỗ dưới gốc cà phê ôm chặt con và khóc hết ngày này đến ngày khác. Thời tiết ở Gia Lai thất thường, lúc nắng gắt, lúc mưa to khiến sức khỏe của bé Chôi bị cạn kiệt trong cái đói, cái rét, cái bệnh và cậu bé tội nghiệp đã trút hơi thở cuối cùng chỉ ít ngày sau đó.

Cái chết của đứa con bé bỏng trong vòng tay của mình cũng không làm cho đầu óc người mẹ tỉnh táo lại, chị chỉ biết ngồi ôm con và khóc, trong khi bên tai vẫn văng vẳng tiếng của Yàng. 9 ngày trôi qua, thi thể của bé Chôi đang dần phân hủy và bốc mùi, còn sức khỏe chị Rắp dường như đã cạn kiệt bên cạnh đứa con xấu số của mình…

Còn gia đình, người thân chị Rắp và lũ làng vẫn không ngừng tỏa đi khắp TP. Pleiku để tìm kiếm 3 con người này. Họ đã thông báo lên công an phường Thắng Lợi và tới các phường khác nhưng mọi nỗ lực tìm kiếm đều vô vọng. Đến ngày 30/8, quá trình tìm kiếm thì người dân phát hiện ông Yối đang lang thang trên đường Hùng Vương (TP.Pleiku). Gặp được người quen, bỗng dưng đầu óc ông Yối liền tỉnh táo, nên ông đã kể lại cuộc hành trình của ông và mẹ con chị Rắp trước khi lạc nhau.

Lời kể đau xót của người mẹ ôm xác con đang phân hủy ảnh 2

Ông Yối cũng đã tỉnh táo lại sau cái mất của đứa cháu ngoại

Nghe xong, hàng chục người đã đến 1 số nơi của phường Thắng Lợi để tìm mẹ con chị Rắp thì phát hiện ra sự thật kinh hoàng trên. Ngay lập tức, chị Rắp được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai để cấp cứu, phục hồi sức khỏe. Còn thi thể bé Chôi sau khi được công an khám nghiệm đã được đưa về làng để mai táng.

Theo kết luận của cơ quan điều tra, trong quá trình đi tìm kiếm ông ngoại, bé Chôi đã bị cảm sốt trong người. Trong khi thời tiết ở Gia Lai nắng, mưa thất thường khiến bệnh tình của bé ngày càng nặng mà không được cứu chữa nên đã tử vong.

Ông Kpă Yang - Bí thư Đảng ủy xã Al Bá cho biết, năm 1963, ông Yối tham gia cách mạng kháng chiến chống Mỹ, đến năm 1969 thì ông bị địch bắt đầy ra đảo Phú Quốc. Đến năm 1973, thì ông Yối được thả về.
Sau năm 1994, ông Yối được nhận chế độ 1 lần, đến nay thì không được nhận bất cứ chế độ gì cả. Sau khi bị đi đày về, có lẽ do bị tra tấn dã man nên thần kinh của ông Yối không được ổn định. Năm 2003 - 2004, ông Yối được đưa ra huyện khám, xét nghiệm chất độc màu da cam 2 lần nhưng không thấy kết quả báo về.
Ông A Nơk, 1 trong 3 người con rể của ông Yối, cho biết, ông Yối có 5 người con đều khỏe mạnh. Chị Răp cũng đã có chồng và 3 người con, bé Chôi là con út của vợ chồng chị Rắp. Vài tháng trở lại đây, chị Rắp bỗng dưng bị bệnh, trong đầu lúc nào cũng nghe thấy tiếng nói nên được gia đình đưa đi khám bệnh thì được biết chị này mắc bệnh tâm thần.

Vẫn đang còn nằm trên giường vì sức khỏe còn yếu, chị Răp tỉnh táo đau đớn khóc: “Lúc ở trong rẫy, lúc nào tai mình cũng nghe tiếng Yàng nói là nếu mẹ con ngươi đi khỏi chỗ này sẽ có người giết chết. Nên mình rất sợ hãi chỉ biết khóc và ôm con. Bây giờ mình rất nhớ con và đau khổ, mình không cứu được con, con mình đã đi gặp A tâu (ông bà, tổ tiên) rồi”.

Theo Thiên Thư (Dân trí)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm