Giữa tháng 6-2020, báoPháp Luật TP.HCM có loạt bài “TP.HCM: Lối ra nào cho 14.000 ha đất vướng quy hoạch?”. Nội dung các bài viết phản ánh những khó khăn, vướng mắc và bất cập trong quản lý nhà nước với hai loại đất có chức năng quy hoạch hỗn hợp (ĐHH) và dân cư xây dựng mới (DCXDM) kéo dài nhiều năm mà chưa có lối ra. Cụ thể là đối với công tác tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng…, mỗi quận, huyện làm một kiểu.
Liên quan đến nội dung này, trong một cuộc họp mới đây với các sở, ngành có liên quan về tình hình thực hiện Quyết định 60/2017 (Quyết định 60) về diện tích tối thiểu được tách thửa trên địa bàn TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan đã có những chỉ đạo cụ thể để gỡ vướng đối với tách thửa trong đất quy hoạch ĐHH và DCXDM.
Tồn tại nhiều vướng mắc
Theo rà soát của Sở QH-KT, trên địa bàn TP.HCM có hơn 14.000 ha đất nằm trong quy hoạch ĐHH và DCXDM. Người dân có đất trong hai chức năng quy hoạch này nhiều năm nay đều bị “treo” quyền lợi chính đáng về nhà, đất. Quận, huyện thì giải quyết quyền lợi cho người dân mỗi nơi một cách, không thống nhất.
Trong tháng 7-2020, Sở QH-KT đã có Công văn 2350 báo cáo đề xuất UBND TP nhiều nội dung liên quan đến việc tách thửa trong hai chức năng quy hoạch này. Sở QH-KT nhận định quá trình thực hiện tách thửa theo Quyết định 60 trong thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt là tách thửa đất ở có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật đối với khu vực quy hoạch ĐHH và DCXDM.
Quyết định 60 hiện hành không cho phép tách thửa trong hai chức năng quy hoạch nói trên. Đồng thời, Quyết định 60 cũng quy định sau ba năm kể từ ngày rà soát phê duyệt các quy hoạch này mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện và chưa có thông báo thu hồi đất, chưa có quyết định thu hồi đất hoặc đã có nhưng cơ quan có thẩm quyền cũng không điều chỉnh, hủy bỏ, hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố thì được tách thửa.
Theo Sở QH-KT, thời điểm xác định “sau ba năm” có nhiều quan điểm khác nhau, gây khó khăn trong quá trình thụ lý hồ sơ tách thửa cho người dân. Trong khi đó, Luật Quy hoạch đô thị quy định đối với quy hoạch phân khu định kỳ năm năm kể từ ngày phê duyệt quy hoạch, cơ quan, tổ chức lập quy hoạch cần rà soát để làm cơ sở xem xét, điều chỉnh.
“Như vậy, việc xem xét tách thửa đất ở, trong đó bao gồm trường hợp có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật, đối với ĐHH và DCXDM còn nhiều vướng mắc, chưa thống nhất trong quá trình giải quyết nhu cầu người dân” - Sở QH-KT nhìn nhận.
Khu vực đường 24 (phường Linh Trung, quận Thủ Đức) nằm trong quy hoạch đất dân cư xây dựng mới nên chỉ được cấp giấy phép xây dựng tạm. Ảnh: VIỆT HOA
Đề xuất chia nhóm để giải quyết
Từ những khó khăn của thực tiễn, Sở QH-KT đề xuất hướng giải quyết như sau:
Đối với đất quy hoạch DCXDM thấp tầng, Sở QH-KT cho rằng về cơ bản là phù hợp với mục đích để xây dựng nhà ở riêng lẻ cho hộ gia đình, cá nhân. Do đó, trong khi chờ điều chỉnh Quyết định 60, Sở QH-KT đề xuất sau năm năm kể từ ngày có quyết định phê duyệt quy hoạch mà chưa có hoặc có trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm và chưa có thông báo/quyết định thu hồi đất mà cơ quan có thẩm quyền không điều chỉnh, hủy bỏ (hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố) thì được tách thửa.
Đối với đất DCXDM cao tầng và ĐHH thì chức năng quy hoạch sử dụng đất và các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc không phù hợp với mục đích xây dựng nhà ở riêng lẻ cho từng hộ dân. “Do đó, quận, huyện cần rà soát quy hoạch, nếu không hợp lý, không khả thi thì điều chỉnh cục bộ hoặc điều chỉnh tổng thể nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân” - Sở QH-KT đề nghị.
Điều chỉnh, xóa bỏ quy hoạch không khả thi
Liên quan đến những đề xuất nêu trên của Sở QH-KT, trong cuộc họp ngày 28-8, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan đã có những chỉ đạo tháo gỡ.
Cụ thể, về những vướng mắc liên quan đến tách thửa trong ĐHH và DCXDM, ông Hoan giao Sở QH-KT khẩn trương hướng dẫn UBND quận, huyện rà soát, đánh giá tính khả thi, những bất hợp lý của những khu vực đã duyệt quy hoạch ĐHH và DCXDM trong các đồ án quy hoạch phân khu 1/2000. Đồng thời phân loại, xây dựng tiêu chí điều chỉnh quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 để có hướng xử lý cụ thể.
“Đối với những khu vực quy hoạch không khả thi thì phải đề xuất điều chỉnh quy hoạch, xóa quy hoạch, trả lại quyền và lợi ích hợp pháp của người dân” - thông báo của Văn phòng UBND TP truyền đạt chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan nêu rõ.
Đối với những khu vực quy hoạch ĐHH còn tính khả thi, đủ điều kiện thuận lợi để chỉnh trang đô thị nhưng chưa có nhà đầu tư, ông Hoan giao cơ quan chức năng đề xuất lập quy hoạch chi tiết 1/500. Qua đó, cụ thể hóa quy hoạch 1/2000 để xác định rõ vị trí, ranh giới từng loại chức năng sử dụng đất, công khai lấy ý kiến nhân dân. Cùng với đó, hướng dẫn người dân cùng tham gia đầu tư hạ tầng trong khu vực.
“Đối với khu vực quy hoạch đất DCXDM còn tính khả thi thì khẩn trương đề xuất kêu gọi đầu tư theo quy định. Sở, ngành, địa phương cần phải quản lý trật tự xây dựng thật chặt chẽ, xử lý nghiêm đối với trường hợp xây dựng không phép, sai phép, tự ý phân lô hộ lẻ” - thông báo nêu.
Tách thửa không cần hỏi ý kiến Sở QH-KT Theo Sở QH-KT, một bất cập khác là trước đây các quận, huyện được yêu cầu lập quy hoạch 1/500 đối với đất dân cư hiện hữu, đất dân cư hiện hữu kết hợp chỉnh trang, kể cả ĐHH và DCXDM có chức năng ở để việc tách thửa được đồng bộ về hạ tầng. Đồng thời, trong thời gian chờ lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500, các trường hợp tách thửa có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật thì phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Sở QH-KT trước khi quận, huyện xem xét, giải quyết. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, các quận, huyện đều cho rằng việc lập quy hoạch 1/500 là không khả thi. Do đó, Sở QH-KT cũng đề xuất TP giao quận, huyện căn cứ Quyết định 60 và các văn bản hướng dẫn để xem xét, giải quyết cho dân mà không cần phải lấy ý kiến của sở. Sở QH-KT cho rằng đây cũng là để cải cách hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cho dân. |