Lớn lên từ ống nghiệm

Lớn lên từ ống nghiệm ảnh 1
Từ trái qua: Phạm Tường Lan Thy, Lưu Tuyết Trân và Mai Quốc Bảo - Ảnh: Quỳnh Trung

Đợt đầu tiên thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm có hơn cả trăm ca, nhưng sự chào đời của ba bé Phạm Tường Lan Thy, Lưu Tuyết Trân và Mai Quốc Bảo được ghi nhận là bước khởi đầu quan trọng của ngành thụ tinh trong ống nghiệm ở VN. Mỗi cái tên đều có một ý nghĩa riêng như lời cảm ơn chân thành đến những người đã mang cho các em cuộc sống tươi đẹp này.

Nữ sinh trường chuyên

20.000 bé

Theo báo cáo của một nghiên cứu cộng đồng do Bộ Y tế công bố năm 2012, tỉ lệ hiếm muộn ở VN là 7,7%, nghĩa là cả nước có tới hơn 1 triệu cặp vợ chồng khó có khả năng có con. Số liệu của Hội nghị chuyên gia thụ tinh trong ống nghiệm lần 9-2013 cho thấy VN hiện có 17 trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm đang hoạt động trên khắp cả nước. Từ năm 1998 đến nay, ước tính số trẻ ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm tại VN khoảng 20.000 bé.



Anh Phạm Xuân Tài - ba của Phạm Tường Lan Thy - bồi hồi nhớ lại hành trình tìm kiếm đứa con đầy vất vả của vợ chồng anh. Cưới nhau được hơn 10 năm nhưng vợ chồng anh Tài - chị Dung vẫn chưa có con. Như nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn khác, họ chạy khắp nơi, tìm bác sĩ từ bệnh viện công đến tư nhưng không thành công, rồi họ đến chùa cầu xin cũng không thành. Một lần, biết tin qua báo chí, anh Tài quyết định thử vận may ở khoa hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) khi nghe đến phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

Anh Tài nhớ vào thời điểm đó chi phí thuốc rất mắc và rất hiếm, nhưng không phải ai cũng đậu thai trong lần tiêm đầu tiên. “Nhưng qua bao năm, tôi biết tiền đi khám những chỗ khác cộng lại còn mắc hơn làm bằng phương pháp này, nhưng lại không chắc là có con” - anh Tài đúc kết. Và anh đã hạnh phúc biết nhường nào, lòng nhẹ nhõm khi nghe bác sĩ Ngọc Lan thông báo đã có một sinh linh bé bỏng đang bắt đầu hình thành trong bụng vợ.

Ngày trước khi vợ sinh, anh Tài thức trắng đêm, nôn nao. Khi nghe tiếng trẻ khóc òa, đứng đằng sau tấm kính phòng mổ, anh nghẹn ngào. Và lúc thấy vợ đưa lên 10 ngón tay - một ký hiệu riêng của hai vợ chồng cho thấy “mẹ tròn con vuông”, anh mới thở phào nhẹ nhõm. Bé nặng 3,1kg. “Có vật gì đè nặng, thở không nổi. Sau này tôi hiểu đó là hạnh phúc” - anh Tài chia sẻ cảm giác vừa mừng vừa hạnh phúc khi lần đầu tiên lên chức bố sau bao năm tháng nhọc nhằn, hi vọng và cả thất vọng.

Sinh con ở tuổi 38 bằng phương pháp mổ nên chị Dung chỉ có mỗi mình bé Thy chứ không dám thử thêm lần thứ hai vì lớn tuổi. Bé Thy vừa bước vào năm học mới tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM. Là học sinh giỏi nhiều năm liền, Thy cho biết ước mơ sau này sẽ là một luật sư. Thy luôn hãnh diện là một trong những người đầu tiên ở VN được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. “Em thấy phương pháp này thật tuyệt vời nhưng đầy gian nan và vất vả. Không hiểu sao mẹ có thể chịu được” - Thy chia sẻ với ánh mắt đầy tự hào.

“Châu báu” của mẹ

Lưu Tuyết Trân - con gái của chị Trần Thị Bạch Tuyết và anh Lưu Tấn Trực ở Mỹ Tho, Tiền Giang - bây giờ đã là nữ sinh THPT. Năm 2000, khi bé Trân tròn 2 tuổi cũng là ngày ba Trực vĩnh viễn ra đi do ung thư gan. Để kiếm kế sinh nhai, chị Tuyết làm đủ việc từ may đồ chợ, đi tiếp thị sản phẩm. Sau này, cuộc sống khá hơn nhờ chị Tuyết biết vun vén. Tuy hạnh phúc không trọn vẹn nhưng chị Tuyết luôn nhắc nhở bản thân là phải “cố gắng vì con”.

Khi chúng tôi hỏi về chuyện hiếm muộn ngày ấy, chị Tuyết tâm sự: “Sống với nhau 8-9 năm vẫn chưa có con, vợ chồng tôi tìm mọi cách điều trị mà vẫn không thành công, nhưng chúng tôi chưa bao giờ có ý nghĩ bỏ cuộc”. Lần đầu mang thai chị khá lo lắng và quyết định dưỡng thai ba tháng ngay tại Bệnh viện Từ Dũ. Lúc đứa bé chào đời, chị nhìn hoài vì quá vui mừng mà không thốt nên lời trong khi anh Trực phải luôn trả lời báo chí.

Chị Tuyết kể hồi còn nhỏ bé Trân thường xuyên sốt cao và co giật nhưng đến 3 tuổi thì hết hẳn. Những lúc con bệnh, người mẹ ấy lại khóc, một phần vì lo sợ cho con, một phần vì không có ai bên cạnh để chia sẻ và động viên. Giờ đây thấy con khỏe mạnh và phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác, lòng chị thấy ấm áp lạ thường. Sinh con ở tuổi 32, chị Tuyết quyết định đặt tên con là Lưu Tuyết Trân, chữ “trân” được chị ví như “châu báu” và đó là động lực để chị bước tiếp dù đôi khi vẫn thấy cô đơn trên đường đời. “Nghe mẹ kể về chuyện em lọt lòng bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, em thấy thương mẹ nhiều hơn. Em sẽ cố gắng học để sau này có thể lo cho mẹ” - Trân nói.

15 tuổi, cao 1,75m

Bé trai duy nhất trong số ba em bé là Mai Quốc Bảo. Chị Mai Thúy Nga và anh Mai Văn Phơn cưới nhau được một năm, chị Nga có thai nhưng bị hư nhiều lần. Hai vợ chồng ra sức đi chùa khấn Phật, uống đủ thứ thuốc từ thuốc Bắc đến thuốc Nam, ăn bánh thánh ở nhà thờ... nhưng vẫn không thành công. Cho đến khi gặp bác sĩ Ngọc Phượng, niềm tin mãnh liệt trong chị lại trỗi dậy dù được bác sĩ Ngọc Phượng thông báo xác suất có con ở độ tuổi 41 của chị rất thấp. Chị Nga cũng là một trong số ít những trường hợp đậu thai thành công trong lần tiêm thuốc đầu tiên.

Quá trình mang thai bé Bảo thật sự khủng khiếp đối với chị Nga. Chị vật vã ói từ lúc mang thai đến lúc sinh, mỗi lần ăn vào chị đều nôn ra hết, thời gian chị nằm viện truyền dịch còn nhiều hơn thời gian ở nhà dưỡng thai. Khi được bác sĩ trao đứa bé 2,45kg áp vào ngực, chị Nga nghẹn ngào và chỉ biết cảm nhận hơi ấm từ sinh linh bé bỏng của mình.

Tuy sinh ra nhỏ vậy, Bảo lại dễ nuôi và bây giờ có chiều cao rất ấn tượng: 1,75m. Khi chúng tôi hỏi về cảm xúc của một đứa con sinh ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, Bảo cũng tự hào như hai bạn Thy và Trân. Cái tên Mai Quốc Bảo được chính ông ngoại đặt và xem như “một báu vật quốc gia”.

Có trải qua quá trình tìm con và kiên trì với thụ tinh trong ống nghiệm mới hiểu vì sao với họ, những đứa con là “bảo vật”, là “châu báu”.

Những ngày đầu tiên của thụ tinh trong ống nghiệm ở VN

Năm 1993-1994, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng tham gia giảng dạy cho sinh viên Pháp tại Đại học Nice, đồng thời học tập kỹ thuật và kinh nghiệm làm thụ tinh trong ống nghiệm tại Pháp. Song song đó, bà bắt đầu dành dụm tiền đi dạy để mua máy móc gửi về VN. Năm 1997, máy móc gần như hoàn thiện, đoàn chuyên gia Pháp gồm bốn người sang VN để cùng tiến hành 113 ca đầu tiên.

Ba đứa bé “mẹ tròn con vuông” vào ngày 30-4-1998 là những nỗ lực, cố gắng của đội ngũ y bác sĩ đầy tận tâm năm xưa của Bệnh viện Từ Dũ. Bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan - con gái bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, một trong những người chịu trách nhiệm chính khi thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm lần đầu tiên ở VN - kể: “Năm 1997 tôi mới tốt nghiệp trường y. Phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm thời đó muôn vàn khó khăn từ kỹ thuật cho đến tay nghề, vì thế không ai chịu đầu tư. Tôi xắn tay vào. Cũng là cái duyên, cái duyên đưa mình đến với ngành này”. Bác sĩ Ngọc Phượng lúc ấy đóng vai trò chỉ đạo, lo tất tần tật từ trong ra ngoài.


Theo HÀ AN (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm