Bố mẹ các cháu sẽ tự tay viết đơn xin được học thêm mỗi tuần hai buổi, mỗi buổi học 10.000 đồng/em.
Nói là học thêm tự nguyện nhưng lại được viết theo đơn mẫu mà cô giáo cung cấp. Vậy nên từ tự nguyện biến tướng sang bắt buộc mà những bậc làm cha làm mẹ như chúng tôi chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Ở quê tôi, kinh tế chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng. Có gia đình bố làm thợ hồ, mẹ làm công nhân, rất ít gia đình có điều kiện. Vì vậy dù biết rằng chưa cần thiết cho con đi học (lứa tuổi còn nhỏ, lượng kiến thức chưa nhiều) nhưng vẫn đành tặc lưỡi cho yên. Bởi lẽ cũng có vài gia đình vì không đồng ý cho con đi học thêm nên cô giáo lại tiếp tục đánh giấy mời phụ huynh đến để nói chuyện vì “thiểu số phải theo đa số”.
Con tôi đang quen học múa học hát, thời gian chủ yếu là chơi. Vậy nên khi vào lớp 1, cháu phải dành thời gian học nhiều hơn, chỉ mong đến cuối tuần được nghỉ ngơi thì cô giáo lại giao bài tập về nhà. Ngoài mỗi ngày học chữ gì cô giao về viết chữ ấy thật thuần thục thì đến cuối tuần cô lại giao bài tổng hợp. Nếu các cháu không viết thì cô giáo lại phê bình là lười, bố mẹ thiếu trách nhiệm, phụ huynh không hợp tác với nhà trường...
Thế nên nhiều khi con tôi không có ngày thứ bảy, chủ nhật trọn vẹn, đúng nghĩa vì còn phải hoàn thành bài vở. Có lần con tôi khóc vì muốn đi chơi nhưng lại bị bố mẹ bắt ở nhà luyện chữ. Rồi dần dần con tôi đành phải ra điều kiện rằng đi chơi một buổi, buổi còn lại sẽ cố gắng viết cho xong.
Từ thực tế, phụ huynh chúng tôi đa số đều không muốn cho con đi học thêm vì nhận thấy lớp 1 thì học thêm cái gì? Chẳng lẽ thời gian học chính khóa chưa đủ để cô giáo truyền đạt kiến thức hay sao?
Theo PHINH NGUYỄN (TT)