Chiều muộn một ngày trung tuần tháng 11-2024, trước cửa nhà cô Liêu Thị Mỹ Hiếu (mọi người thường gọi là cô Uyên) trong con hẻm trên đường Mạc Đĩnh Chi (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đã lác đác trẻ nhỏ đeo cặp sách tới học.
Năm nay cô Uyên bước sang tuổi 60, lớp học tình thương của cô mở tại nhà đã hơn 10 năm.
Học đọc, học viết, học yêu thương
Từ 5 giờ chiều các ngày trong tuần từ thứ 2 đến thứ 6, cổng nhà cô Uyên luôn mở sẵn. Những đứa trẻ từ 7 đến 15 tuổi lần lượt được người thân đưa tới cổng rồi chúng tự lên gác, thưa cô, cất cặp sách rồi sà xuống làm móc khóa từ hạt bẹt, hạt cườm với cô và các bạn.
Làm thêm móc khóa để bán là cách cô Uyên có thêm kinh phí duy trì lớp học, hoặc dành đến Tết mua cho mỗi em một bộ đồ, một đôi dép mới, dư nữa thì bỏ bao lì xì. Nếu có mạnh thường quân hỗ trợ thêm thì tiền bán móc khóa sẽ dành tới hè cô trò cùng đi du lịch.
Lớp cô Uyên hiện có khoảng 20 học sinh từ lớp 1 đến lớp 8. Trong số này có đến 10 em không được đến trường, mỗi em một hoàn cảnh, em thì ba mẹ bỏ ở với ông bà, em không có khai sinh, em lại quá tuổi vào lớp 1…
Dù có trong hoàn cảnh nào thì tất cả các em đều có chung niềm vui đi kiếm tìm con chữ cho tương lai của mình. Bé Nhi (15 tuổi) theo học cô Uyên từ khi chưa biết chữ mà giờ đã học đến chương trình lớp 5. Suốt 6 năm qua, mỗi ngày bà nội đều cần mẫn đi bộ khoảng 4 km (đi – về) để dẫn Nhi tới lớp cô Uyên với mong mỏi cháu mình được biết chữ như người ta.
Hay như em Thiện (12 tuổi) đang học lớp 7 cũng là từng đó thời gian em theo học cô Uyên. Chị em Ngân – Quỳnh (12-10 tuổi) theo cô Uyên được 3 năm, cùng đang học chương trình lớp 2. Điều đặc biệt, trước đây mẹ của Ngân – Quỳnh cũng từng là học trò của cô Uyên.
Học ở lớp học tình thương của cô Uyên, các em đang học ở trường sẽ được kèm những môn còn học yếu; các em không được đến trường sẽ được học đọc, viết và làm toán. Không chỉ học văn hóa, các em còn được cô chỉ dạy cách đối nhân xử thế, yêu thương và biết ơn gia đình, cha mẹ…
Mỗi tháng, cô Uyên tổ chức họp lớp một lần để bình chọn những em ngoan, chịu khó học hành. Phần thưởng thường là kem đánh răng hoặc xà bông, em nào giỏi có khi được tặng sữa. Phần thưởng tuy nhỏ nhưng là động lực để các em phấn đấu vươn lên.
Từ khi mở lớp học tình thương đến nay, cô Uyên không nhớ mình đã dạy bao nhiêu học trò. Nhưng có 3 em được cho là khá thành công khi học tới đại học, một em làm kế toán cho công ty nước ngoài, một em làm giáo viên dạy mẫu giáo, một em làm thư ký cho một công ty ở TP.HCM.
Nhờ cô Uyên mà nhiều nhóm sinh viên đã kết nối với lớp học, cùng cô “gieo chữ” giúp các em tiến bộ dần theo năm tháng. Cũng qua cô, nhiều mạnh thường quân thường xuyên tới lui gởi quà cả vật chất lẫn tinh thần cho cô, trò.
Bạn Bảo Trâm (sinh viên năm 3, Đại học Y dược Cần Thơ), tình nguyện viên ở lớp học tình thương, tâm sự rất cảm phục với tình yêu học trò của cô Uyên và mong muốn được chia sẻ niềm vui học tập với các em nhỏ ở đây.
Mơ làm công nhân nhưng lại gắn với nghề dạy chữ
Trải lòng về những tháng năm bắt đầu với nghề “gieo chữ”, cô Uyên kể: "Hồi nhỏ cô mơ ước làm công nhân, được bận bộ đồ công nhân đi làm vì biết mình nhà nghèo, học hành không tới đâu. Thường thì chỉ học tới lớp 8 là nghỉ rồi”.
Không chỉ dạy bọn trẻ, cô Uyên còn trò chuyện, chia sẻ với cha mẹ các em về cách sống tử tế, biết liệu cơm gắp mắm lo cho tương lai của con cái. Có khi cô sẵn sàng cho họ mượn cả triệu bạc trang trải khó khăn, rồi nhận tiền góp mỗi ngày 10 ngàn đồng, khi nào góp đủ lại cho mượn tiếp…
Năm 17-18 tuổi, cô Uyên là một đoàn viên hoạt động năng nổ của phường. Ngoài dạy thêu, may cho thanh niên cô còn phụ trách một nhóm con nít, thường tổ chức sinh hoạt, vui chơi cho các em với những câu chuyện “ngày xửa ngày xưa” do mình tự nghĩ ra. Không chỉ vậy, cô còn dạy học cho những em không có điều kiện đến trường, rồi em nào quần áo không tươm tất thì cô may lại…
Sau đó, cô được phường vận động đi dạy phổ cập. "Lúc đó tôi nói dạy cho đám con nít ở điểm chùa của phường thì tôi làm được, chứ đứng lớp thì băn khoăn lắm vì có biết gì đâu mà dạy. Thú thật tôi không tự tin là mình có thể đi dạy phổ cập được vì đánh vần rất khó.
Khi nghe tôi thổ lộ, phường trấn an đây là dạy xóa mù chữ, dạy sao cho bọn trẻ chữ là được. Công việc này không cần phải giỏi, chỉ cần siêng năng, chịu khó học hỏi. Nghe vậy, tôi nhận lời..." - cô Uyên kể lại.
Nhờ tham gia dạy phổ cập xóa mù chữ mà sau đó cô Uyên được đi học bổ túc đến lớp 10 dù chưa được cấp bằng. Cũng nhờ không giấu dốt mà cô đã học được phương pháp dạy chữ cho học trò, đứng lớp dạy phổ cập suốt 19 năm kể từ khi cô 19 tuổi.
Không chỉ dạy ở trường, mà khi đi làm từ thiện, biết có một số em ở quận khác không có điều kiện đi học, cô cũng dành thời gian mỗi tuần ba buổi đạp xe đến dạy. Thông qua bạn bè, cô lại nhận lời dạy cho một nhóm trẻ ở hội từ thiện, tham gia dự án của ngành lao động xã hội…
Một lần đi đổ xăng, cô Uyên thấy 2 đứa trẻ bán vé số, cô hỏi “sao con không đi học?”. Nghe hai đứa trẻ trả lời thích học nhưng do mẹ không có tiền, cô nói hãy lại chỗ cô, cô dạy miễn phí. Vài ngày sau, 2 đứa trẻ đến nhà cô học, dần dà người nọ giới thiệu người kia, lớp học tình thương tại nhà cô đã hình thành như vậy.
"Mơ ước chỉ làm công nhân thôi, nhưng cuộc đời run rủi cho mình gắn bó với nghề dạy chữ đến nay đã hơn 40 năm. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng trong những khó khăn đó lại có rất nhiều niềm vui, đó là khi được tâm sự với các em, chia sẻ với các em về cuộc sống…" - cô Uyên chia sẻ.
Cô Uyên là người tâm huyết, nhiệt tình
Khi tôi còn công tác ở UBND phường An Cư những năm 1987-1990, tôi biết cô Uyên là một đoàn viên ưu tú, năng nổ, tích cực ở địa phương.
Việc dạy phổ cập khi đó giao cho một thầy giáo giỏi phụ trách, thầy sẽ huy động giáo viên, những người có năng khiếu, có trình độ tới dạy phổ cập. Tuy không theo sát công việc này nhưng tôi biết cô Uyên rất tâm huyết, nhiệt tình. Sau này, khi cô đi làm từ thiện nhiều hơn thì cô mới tách ra, mở lớp học tình thương dạy cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, giúp cho người dân nhiều thứ.
Đến khi tôi nghỉ công tác, cô Uyên vẫn nỗ lực hoạt động và là người tích cực làm từ thiện của địa phương. Việc làm của cô Uyên rất tốt, xứng đáng được nêu gương.
Ông NGUYỄN NGỌC DỀU - nguyên Chủ tịch UBND phường An Cư (năm 1987-1990)