LS nghi ngờ tiền tham ô vẫn nằm ở nhà em ông Thăng

Luật sư Ngô Thu Hằng (bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh) khẳng định ông Thanh không có quyền quyết định hay can thiệp vào việc chuyển nhượng cổ phần của PVP Land.
Luật sư dẫn lời khai của cựu TGĐ PVP Land Nguyễn Ngọc Sinh thể hiện, thời điểm PVP Land chuyển nhượng cổ phần là hoàn cảnh bắt buộc, có sự thống nhất của các lãnh đạo PVP Land, cũng như các cấp có thẩm quyền.
Luật sư cũng cho rằng lời khai của cựu Chủ tịch HĐQT PVP Land Đào Duy Phong nói bị cáo Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo bán cổ phần với giá 40 triệu mỗi m2 đất là không có cơ sở. Luật sư cho rằng chính lời khai của bị cáo Thái Kiều Hương (cựu phó TGĐ Công ty Vietsan) đã phủ nhận việc này. (Bà Hương nói “ông Thanh đã là lãnh đạo thì muốn chỉ đạo gì chỉ cần gọi điện trực tiếp cho các ông Phong, Sinh không cần thông qua tôi”).
Luật sư Hằng sau đó kết luận, nếu căn cứ vào lời khai của bị cáo Phong để kết luận bị cáo Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo là không có cơ sở bởi “không có chứng cứ vật chất về việc bị cáo Trịnh Xuân Thanh gọi điện thoại cho ông Phong”.
Luật sư Hằng cũng dẫn một lời khai khác của bị cáo Huỳnh Nguyễn Quốc Duy: “với tính cách như ông Thanh sẽ gọi trực tiếp cho người có chức vụ thâm niên như ông Phong chứ không cần thông qua người ngoài như tôi, không thể hồ đồ như thế”.
Luật sư Hằng cũng cho rằng với khoản tiền 14 tỉ đồng bị cáo Thanh bị cáo buộc tham ô, qua lời khai của tất cả bị cáo cũng như hồ sơ chứng tỏ ông này không tham gia bàn bạc, chỉ đạo, chia tiền.
Một luật sư khác của ông Trịnh Xuân Thanh, luật sư Nguyễn Quốc Hùng đề nghị áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội “khi chưa có đủ chứng cứ kết tội thì phải tuyên bị cáo không phạm tội” và nguyên tắc suy đoán có lợi cho bị cáo này khi các lời khai mâu thuẫn, chứng cứ không đủ vững chắc.
Theo luật sư Hùng, hợp đồng chuyển nhượng 12 triệu cổ phần đã bị tòa án tuyên vô hiệu, số tiền hơn 100 tỉ đồng đã được trả lại vì vậy không có thiệt hại. Cũng theo luật sư Hùng, số tiền 49 tỉ đồng cáo buộc các bị cáo tham ô không phải tiền Nhà nước mà là tiền của Công ty Minh Ngân và việc điều khiển dòng tiền thuộc về bà Thái Kiều Hương.
Cạnh đó, khi ông Thanh hoàn lại tiền thì đã hoàn lại “nguyên đai nguyên kiện”. Điều này chỉ người trong cuộc là ông Đinh Mạnh Thắng (em trai ông Đinh La Thăng, cựu chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) mới biết vì ông này là người chuyển đến. Luật sư cho rằng đây là “căn cứ vững chắc” thể hiện số tiền 14 tỉ đồng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của bị cáo Thắng, “không chừng vẫn nằm trong nhà bị cáo Thắng”.
Luật sư Hùng sau đó nhắc lại đề nghị tiến hành thực nghiệm điều tra tại tòa mà luật sư Trần Hồng Phúc đã đề cập sáng 25-1 vì “thời gian xét xử còn, việc thực nghiệm cũng không phức tạp”.
Luật sư Hùng đề nghị HĐXX tuyên thân chủ mình vô tội. “Nếu HĐXX còn lăn tăn thì tiến hành thực nghiệm điều tra để tránh hoang mang cho bị cáo” - luật sư Hùng kết luận.


Quang cảnh phiên tòa. Ảnh: ĐL

Kế đó là phần bào chữa của luật sư Nguyễn Văn Quynh. Luật sư Quynh cho rằng hồ sơ vụ án không có tài liệu nào thể hiện vai trò của bị cáo Trịnh Xuân Thanh cũng như có mâu thuẫn trong các lời khai về việc đàm phán, chi tiền, chuyển tiền...
Luật sư sau đó đọc một bút lục khá dài liên quan đến lời khai của bị cáo Lê Hòa Bình (cựu Chủ tịch Công ty 1-5, bị cáo vắng mặt tại phiên tòa) khi cơ quan điều tra yêu cầu khai tóm tắt tình tiết có liên quan đến việc mua bán dự án Nam Đàn Plaza.
"Luật sư dừng lại, phần tiền chi cho bị cáo Duy (Huỳnh Nguyễn Quốc Duy, môi giới tự do) đã được giải quyết trong các bản án trước nên không nằm trong phạm vi vụ án này" - HĐXX ngắt lời luật sư.
Luật sư Quynh lập tức phản ứng, cho rằng bút lục liên quan đến lời khai của bị cáo Lê Hòa Bình rất quan trọng trong vụ án này.
"Tất cả người trong phiên tòa phải có thái độ tôn trọng HĐXX và tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa. Nếu như luật sư không tuân theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa thì mời luật sư ra ngoài” - HĐXX nói.
Luật sư Quynh phản ứng dữ dội và đề nghị đại diện VKS kiểm sát theo pháp luật đối với HĐXX. Đại diện VKS cho rằng theo quy chế phiên tòa, tất cả mọi người trong phòng xử án phải tuân theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa.
"Theo nội quy cụ thể của phiên tòa, tất cả người tham gia phiên tòa phải tuân thủ sự điều khiển của thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Lưu ý luật sư phải tuân theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa" - đại diện VKS nêu rõ.
Đáp lại, ông Quynh cho rằng trong phần xét hỏi, ông đã đề nghị công bố những bút lục nói trên nhưng HĐXX không chấp nhận và cho rằng luật sư có thể trình bày trong phần tranh luận...
Luật sư Quynh sau đó tiếp tục bào chữa cho thân chủ và đề nghị HĐXX tuyên ông Trịnh Xuân Thanh vô tội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới