Nội dung này được đề cập tới nhiều tại hội nghị sơ kết công tác sáu tháng đầu năm do Thanh tra Chính phủ tổ chức kết nối trực tuyến với 63 tỉnh thành trên cả nước, sáng nay, 11-7.
4 cán bộ bị kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực
Thống kê của Thanh tra Chính phủ, sáu tháng qua, cả nước đã có 202.826 người kê khai tài sản; 2.518 người được xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập; bốn cán bộ bị kỷ luật do kê khai không trung thực.
Thanh tra Chính phủ đã tổ chức hội nghị toàn quốc về công tác này, trong quá trình triển khai có 1.083 cơ quan, đơn vị, tổ chức đã được kiểm tra về công tác kê khai, công khai tài sản, thu nhập.
Thống kê này là chưa đầy đủ, bởi vẫn còn chín bộ, ngành và 42 địa phương chưa gửi báo cáo, hoặc có báo cáo những không kèm biểu mẫu, số liệu. Dù vậy, điều này cũng phản ánh phần nào kết quả công tác kiểm soát tài sản, thu nhập mà trọng tâm là xác minh tài sản, thu nhập – giải pháp được coi là đột phá khi sửa đổi toàn diện, ban hành mới Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.
Tuy nhiên, các ý kiến tại buổi sơ kết cho thấy vẫn còn nhiều vướng mắc, lúng túng từ Thanh tra Chính phủ đến Thanh tra các tỉnh, thành.
Vướng víu đủ đường
Từ đầu cầu Hà Nội, Chánh Thanh tra Hà Nội Trần Đức Hoạt cho biết quá trình triển khai xác minh tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai gặp nhiều vướng mắc với người có liên quan. “Ngoài vợ, chồng, con thì còn có thể người khác giữ hộ tài sản” - ông Hoạt nói.
Ông cho rằng quá trình xác minh rất khó vì hướng dẫn chưa đầy đủ, khuôn khổ pháp lý chưa rõ ràng. Phương pháp, cách làm trong xác minh tài sản, thu nhập cũng còn ý kiến khác nhau. Trường hợp người liên quan bất hợp tác là việc xác minh bị kéo dài. Tài sản cần xác minh có lúc thuộc sở hữu cá nhân, có lúc thuộc cơ sở kinh doanh, đánh giá thế nào không đơn giản.
Với thực tiễn ấy, nếu không có hướng dẫn, giải thích thì dễ dẫn đến cách làm khác nhau, thậm chí là tùy tiện, khó kết thúc được việc xác minh tài sản, thu nhập trong thời hạn pháp luật quy định.
Thiếu tướng Tạ Quang Huy, Phó Chánh thanh tra Bộ Công an, cũng nhìn nhận quá trình triển khai Luật 2018, Nghị định 130 và các văn bản liên quan cho thấy cách hiểu về kê khai tài sản, thu nhập cũng như xác minh là chưa thống nhất. Thẩm quyền của cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập không thể truy xét đến tận cùng nếu người có nghĩa vụ kê khai giấu diếm.
Thanh tra Chính phủ cũng lúng túng
Những vướng mắc ấy chính Thanh tra Chính phủ - cơ quan quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng cũng đang gặp phải.
Tháng 10-2022, lần đầu tiên thực hiện chức năng cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành bốc thăm lựa chọn ngẫu nhiên 30 cán bộ cấp vụ, có phụ cấp trách nhiệm từ 0,9, thuộc các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ở trung ương.
Theo kế hoạch, việc xác minh tài sản, thu nhập năm đầu tiên này phải thực hiện trong tháng 11 và tháng 12-2022. Tuy nhiên, đến nay các cuộc xác minh tài sản, thu nhập theo hình thức lựa chọn ngẫu nhiên của năm 2023, rồi năm 2024 đã tiếp tục được triển khai theo luật định nhưng lần đầu tiên vẫn chưa thể kết thúc. Cục trưởng phụ trách vừa nghỉ hưu những vẫn phải giữ lại để tiếp tục rà soát, hoàn thiện hồ sơ.
Tại hội nghị sơ kết, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thừa nhận là công tác này còn nhiều vướng mắc, mà trong nhiều nguyên nhân có những bất cập của Nghị định 130/2020 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, cũng như Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập được ban hành theo Quyết định 56/2022 của Bộ Chính trị.
Theo ông Phong, qua thực tế các cuộc xác minh tài sản, thu nhập mà Thanh tra Chính phủ đang thực hiện, đến nay ở cấp này đang đi đến nhận thức thống nhất rằng cơ quan kiểm tra, xác minh phải kiểm tra xem thực tế việc kê khai của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập có đúng không.
Việc xác minh chỉ nên tập trung vào bốn nhóm tài sản gồm nhà cửa, đất đai; tiền trong các ngân hàng; tài sản là chứng khoán, trái phiếu và tài sản là phương tiện giao thông.
Ngay cả như vậy thì phạm vi xác minh cũng nên khoanh vùng. Bởi ban đầu, Thanh tra Chính phủ phát công văn gửi tới cơ quan quản lý về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 63 tỉnh, thành, rồi tới mấy chục ngân hàng thương mại. Việc đợi các đầu mối này phản hồi rất mất thời gian.
“Giờ chúng tôi thống nhất khoanh lại, với nhà đất thì tập trung vào địa phương nơi vợ, chồng của cán bộ công tác, rồi mở rộng sang Hà Nội, TP.HCM chứ không thể đốt cả rừng để bắt một con chuột” – Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong nói.
Cũng theo ông Phong, các quy định hiện hành chưa rõ nên ngay cả người kê khai cũng lúng túng, không biết khai thế nào cho đúng.
Trao đổi riêng với PLO, một Phó Tổng thanh tra cho rằng quy định chỉ có hai chữ trung thực và không trung thực, vậy liệu có phủ hết các tình huống đa dạng của kê khai tài sản.
Chẳng hạn, một chiếc xe máy mua, sử dụng đã lâu lắm rồi, giá trị không bao nhiêu, đã cho hoặc bán lâu rồi mà không sang tên. Nay quên không kê khai thì đánh giá thế nào?
Với thực tiễn ấy, Thanh tra Chính phủ cho biết đang rốt ráo đôn đốc các cục, vụ chức năng tham mưu để ban hành Thông tư hướng dẫn cụ thể hơn, góp phần khắc phục vướng mắc của Nghị định 130 và Quy định 56.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương cũng phải đẩy nhanh quá trình triển khai Đề án Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập, vốn được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2022 nhưng đến nay việc thực hiện chưa thực sự hiệu quả.