Khởi động xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý

(PLO)- Năm 2023 là năm đầu tiên Ủy ban Kiểm tra Trung ương triển khai nhiệm vụ xác minh tài sản, thu nhập hằng năm của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương vừa có Công văn 2980-CV/UBKTTW ngày 23-3-2023 hướng dẫn xây dựng đề cương kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Theo văn bản hướng dẫn này, việc xác minh tài sản, thu nhập sẽ được UBKT Trung ương thực hiện bắt đầu từ quy trình kiểm tra nghiệp vụ và quy trình giám sát chuyên đề.

Từng bước thận trọng, chặt chẽ

Ở bước chuẩn bị, trong đề cương báo cáo, các đoàn kiểm tra, giám sát sẽ yêu cầu đối tượng của cuộc kiểm tra, giám sát báo cáo bằng văn bản về việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của Đảng và pháp luật. Người báo cáo cần nói rõ về tính trung thực trong việc kê khai của mình, tính chuẩn xác so với mẫu kê khai, các nội dung phải kê khai, thời điểm nộp bản kê khai, nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm của đối tượng có nghĩa vụ kê khai…

Tới đây, việc xác minh tài sản, thu nhập cá nhân sẽ được thực hiện đối với cán bộ cấp cao. (Trong ảnh: Thực hiện bốc thăm, xác minh tài sản ở Thanh tra Chính phủ). Ảnh: NGHĨA NHÂN

Tới đây, việc xác minh tài sản, thu nhập cá nhân sẽ được thực hiện đối với cán bộ cấp cao. (Trong ảnh: Thực hiện bốc thăm, xác minh tài sản ở Thanh tra Chính phủ). Ảnh: NGHĨA NHÂN

Tổ chức Đảng có thẩm quyền quản lý cán bộ cũng cần có báo cáo bằng văn bản, trong đó nhận xét, đánh giá về kết quả việc thực hiện kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ.

Các báo cáo trên là một nguồn thông tin đầu vào cho các đoàn kiểm tra, giám sát chuyên đề của UBKT Trung ương. Tuy nhiên, ở bước triển khai, đoàn không đi vào xác minh tài sản, thu nhập ngay mà phải nghiên cứu hồ sơ, tiến hành các bước nghiệp vụ.

Trong quá trình đó, nếu xuất hiện một trong bốn căn cứ sau thì đoàn phải báo cáo Thường trực UBKT Trung ương để xem xét, quyết định việc thẩm tra, xác minh tài sản, thu nhập của đối tượng kiểm tra, giám sát: (1) Có đơn, thư phản ánh việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; (2) Có biến động tăng về tài sản, thu nhập mà không kê khai, hoặc giải trình không hợp lý về nguồn gốc biến động; (3) Có yêu cầu hoặc kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền hoặc có chỉ đạo của cấp trên.

Ngoài các trường hợp trên, nếu đối tượng kiểm tra, giám sát bị tố cáo về việc không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập thì đoàn cũng báo cáo Thường trực UBKT Trung ương để lập đoàn giải quyết nhưng theo thủ tục giải quyết tố cáo.

Kết thúc cuộc kiểm tra, giám sát chuyên đề, UBKT Trung ương sẽ thảo luận, xem xét kết luận báo cáo của đoàn kiểm tra, giám sát. Nếu có dấu hiệu vi phạm trong việc kê khai tài sản, thu nhập thì sẽ quyết định chuyển sang kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm.

10% không qua bốc thăm

Ngoài Công văn 2980 này, các đoàn kiểm tra, giám sát chuyên đề của UBKT Trung ương cũng sẽ tuân thủ Hướng dẫn 03-HD/UBKTTW của UBKT Trung ương ban hành ngày 3-11-2022 về thực hiện một số điều trong Quyết định 56-QĐ/TW ngày 8-2-2022 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập (Quy chế 56).

Theo đó, tài sản, thu nhập phải kiểm soát bao gồm tài sản, thu nhập và biến động về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai và vợ/chồng, con chưa thành niên của họ.

Việc xác minh tài sản, thu nhập được tiến hành hằng năm với tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ kê khai thuộc thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập của từng cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Việc lựa chọn 10% này được tập trung vào ba nhóm: Những đảng viên có đơn, thư phản ánh, tố cáo biến động tài sản, thu nhập; đảng viên công tác tại các cơ quan, đơn vị dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực; và đảng viên là người đứng đầu.

Hướng dẫn 03 không buộc việc lựa chọn 10% phải thực hiện bằng hình thức ngẫu nhiên, bốc thăm - cách mà các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập như Thanh tra Chính phủ, thanh tra cấp tỉnh đang triển khai.

600 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Nghị định 130/2020/NĐ-CP về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn và Quy chế 56 năm 2022 của Bộ Chính trị đang là cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Năm 2023 là năm đầu tiên UBKT Trung ương triển khai nhiệm vụ xác minh tài sản, thu nhập hằng năm theo các quy định này.

Theo Quy chế 56, UBKT Trung ương, UBKT của 67 Đảng bộ trực thuộc trung ương, UBKT cấp huyện và tương đương được phân luồng thực hiện chức năng cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo phân cấp quản lý cán bộ của Đảng.

Trong các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập này, UBKT Trung ương sẽ kiểm soát tài sản, thu nhập của các cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Số cán bộ này, theo Hướng dẫn 03, được xác định theo Quy định 80-QĐ/TW ngày 18-8-2022 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, ước tính khoảng 600 người.

Như vậy, có thể hiểu ở năm đầu tiên xác minh tài sản, thu nhập này sẽ có khoảng 60 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý được đưa vào kiểm tra, giám sát về việc kê khai tài sản, thu nhập. Sau đó, nếu có căn cứ sẽ tiến hành xác minh tài sản, thu nhập theo quy trình thận trọng, chặt chẽ của Đảng.

Các chức danh do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý

Theo Quy định 80-QĐ/TW, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý các chức danh sau:

Tại các cơ quan trung ương là từ phó trưởng ban, cơ quan Đảng ở trung ương trở lên; phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trở lên, phó trưởng các tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương trở lên cũng như bí thư thường trực Trung ương Đoàn; phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc, phó chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội và tương đương trở lên; thẩm phán TAND Tối cao, kiểm sát viên VKSND Tối cao trở lên; thứ trưởng, phó thủ trưởng các cơ quan ngang bộ trở lên; ủy viên UBKT Trung ương; trợ lý của các vị lãnh đạo chủ chốt, của Thường trực Ban Bí thư, ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của phó chủ tịch nước, phó thủ tướng, phó chủ tịch Quốc hội.

Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM; tổng giám đốc BHXH Việt Nam; trưởng Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia; phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước.

Tại địa phương, các chức danh từ phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy khối trực thuộc trung ương; chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội.

Trong quân đội, công an, từ thứ trưởng, phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, phó tổng tham mưu trưởng, chính ủy, tổng cục trưởng, chủ nhiệm tổng cục; từ phó chính ủy, phó tư lệnh quân khu, quân chủng và tương đương, chính ủy, giám đốc Học viện Quốc phòng trở lên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm