Quy trình 6 bước xác minh tài sản, thu nhập cán bộ lãnh đạo

(PLO)- Cùng với Thanh tra Chính phủ, 890 cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trên cả nước sẽ tiến hành xác minh với các cán bộ lãnh đạo ở địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 5-10, Thanh tra Chính phủ tiến hành bốc thăm ngẫu nhiên, chọn ra 30 cán bộ lãnh đạo quản lý tương đương cấp vụ trở lên ở trung ương, trong đó có nhiều người là lãnh đạo tập đoàn nhà nước để thực hiện việc xác minh tài sản, thu nhập (TSTN).

Ngày 6-10, một cán bộ Thanh tra Chính phủ cho Pháp Luật TP.HCMbiết sau bốc thăm là sáu bước tiến hành xác minh TSTN của những người vừa trúng thăm.

Sáu bước, 115 ngày

Đầu tiên, cơ quan kiểm soát TSTN ban hành quyết định xác minh và thành lập tổ xác minh. Quyết định phải nêu rõ họ tên, chức vụ người được xác minh, nội dung và thời hạn xác minh.

Bước hai, tổ xác minh yêu cầu người được xác minh giải trình về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai; nguồn gốc của TSTN tăng thêm so với lần kê khai trước.

Ông Ngô Mạnh Hùng, Cục phó Cục Phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, công bố kết quả và đối chiếu số phiếu ứng với tên người trong danh sách lựa chọn tại cuộc bốc thăm ngày 5-10. Ảnh: NGHĨA NHÂN

Ông Ngô Mạnh Hùng, Cục phó Cục Phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, công bố kết quả và đối chiếu số phiếu ứng với tên người trong danh sách lựa chọn tại cuộc bốc thăm ngày 5-10. Ảnh: NGHĨA NHÂN

Bước ba (cần nhiều thời gian nhất) là tiến hành xác minh TSTN. Tổ xác minh sẽ yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, thông tin có liên quan đến nội dung xác minh. Trong trường hợp cần thiết, tổ xác minh có thể kiến nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp để ngăn chặn việc tẩu tán, chuyển dịch tài sản; hoặc có thể đề nghị định giá, giám định tài sản nhằm phục vụ cho việc xác minh.

Bước bốn, trong vòng 45 ngày kể từ khi ra quyết định xác minh (trường hợp phức tạp thì không quá 90 ngày), tổ xác minh phải báo cáo kết quả xác minh bằng văn bản cho người ra quyết định xác minh, kiến nghị xử lý vi phạm (nếu có).

Bước năm, sau khi nhận được báo cáo, người ra quyết định xác minh sẽ ban hành kết luận xác minh. Kết luận gồm các nội dung đánh giá về tính trung thực của việc kê khai và giải trình về TSTN, kiến nghị xử lý vi phạm (nếu có).

Bước cuối cùng, trong thời hạn năm ngày kể từ ngày ban hành kết luận xác minh, người ra quyết định xác minh có trách nhiệm công khai bản kết luận tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người được xác minh thường xuyên làm việc.

Như vậy, thời hạn để cơ quan kiểm soát TSTN xác minh là không quá 115 ngày làm việc.

Ai, loại tài sản nào phải kê khai, xác minh

Cũng theo vị cán bộ Thanh tra Chính phủ, căn cứ và hiệu lực pháp lý để thực hiện việc xác minh TSTN là Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2018, có hiệu lực từ tháng 7-2019. Cùng với đó là Nghị định 130 của Chính phủ ban hành năm 2020 và sau đó Tổng Thanh tra Chính phủ đã ban hành Quyết định 70 năm 2021, công bố bộ thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực PCTN.

Bộ thủ tục hành chính mới này được thiết kế gồm bốn loại: Thủ tục kê khai TSTN, thủ tục xác minh TSTN, thủ tục tiếp nhận yêu cầu giải trình và thủ tục thực hiện việc giải trình (thay thế cho bộ thủ tục theo các văn bản pháp luật cũ đã hết hiệu lực).

Các thủ tục hành chính này có giá trị mô tả quy trình, thủ tục mà người có nghĩa vụ kê khai TSTN, các cơ quan, tổ chức có cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện phải kê khai TSTN… phải tuân thủ. Cạnh đó là các cơ quan kiểm soát TSTN và các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong khu vực nhà nước phải tuân thủ trong quá trình thi hành Luật PCTN.

Quy trình xác minh TSTN này mô tả việc xác minh trên cơ sở bản kê khai TSTN do chính người có nghĩa vụ kê khai đã tự kê theo mẫu chung. Các TSTN phải kê khai gồm quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất; kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ và động sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; tài sản, tài khoản ở nước ngoài

Ngoài kê khai lần đầu, trong năm, bất cứ ai có biến động tài sản +/- 300 triệu đồng thì đều phải kê khai bổ sung. Với cán bộ cỡ giám đốc sở và tương đương trở lên (phụ cấp lãnh đạo từ 0,9), những người làm trong lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao thì hằng năm bất kể có biến động TSTN hay không đều phải định kỳ kê khai.

Trường hợp dự kiến bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, tái bổ nhiệm, cử giữ chức vụ khác cũng phải kê khai lại để phục vụ cho công tác cán bộ...

Ngoài xác minh TSTN hằng năm một cách ngẫu nhiên, cơ quan kiểm soát TSTN còn tiến hành xác minh khi người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc TSTN tăng thêm; khi có tố cáo kê khai không trung thực; và khi có đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, nhất là trong lúc phục vụ công tác cán bộ.

890 cơ quan kiểm soát TSTN trên cả nước cùng… ra quân

Theo kế hoạch xác minh TSTN của Thanh tra Chính phủ, việc xác minh với 30 cán bộ lãnh đạo, quản lý vừa được bốc thăm chọn ra hôm 5-10 sẽ được triển khai trong tháng 11 tới tại các bộ KH&ĐT, TN&MT, Xây dựng; trong tháng 12 với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Như vậy, phải khoảng tháng 3, tháng 4-2023, công tác xác minh TSTN theo kế hoạch năm 2022 của Thanh tra Chính phủ mới cơ bản hoàn tất.

Cùng với Thanh tra Chính phủ, khoảng 890 cơ quan kiểm soát TSTN trên cả nước cũng đang tích cực triển khai kế hoạch xác minh TSNT năm 2022 theo hình thức lựa chọn ngẫu nhiên, trong lần đầu tiên triển khai quy định mới này của Luật PCTN năm 2018.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.