Thanh tra Chính phủ - cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập (TSTN) cuối tuần trước đã ban hành kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2022.
Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, Nghị định 130/2020 của Chính phủ và Quyết định 56-QĐ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị quy định công tác xác minh TSTN được phân luồng cho khoảng 890 cơ quan kiểm soát TSTN trên cả nước theo nguyên tắc phân cấp cán bộ.
Theo đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm soát TSTN của những người thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Diện này gồm cán bộ cấp thứ trưởng và tương đương trở lên ở các cơ quan trung ương; chủ tịch cùng phó bí thư tỉnh ủy, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội trở lên ở địa phương; phó tư lệnh quân khu, quân chủng trở lên trong quân đội; cục trưởng và tương đương trở lên trong công an…
Còn Thanh tra Chính phủ được phân cấp kiểm soát TSTN của những người có phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên công tác tại các cơ quan Chính phủ; người đứng đầu và cấp phó các tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng thành lập hoặc phê duyệt điều lệ; người đứng đầu và cấp phó cũng như thành viên các cơ cấu lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước; và người công tác tại chính cơ quan Thanh tra Chính phủ. Tất nhiên là trừ những người thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Thanh tra Chính phủ sẽ xác minh tài sản của 30 cán bộ công chức. Ảnh minh họa |
Các cơ quan kiểm soát TSTN phải ban hành kế hoạch của mình. Theo đó, Thanh tra Chính phủ chọn ra 7 đơn vị để xác minh, gồm: Bộ KH&ĐT, Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
7 đơn vị trên tương đương yêu cầu 20% tổng số cơ quan, đơn vị nằm trong thẩm quyền quản lý về kiểm soát TSTN của Thanh tra Chính phủ theo Nghị định 130/2020, và nằm trong định hướng đã được Thủ tướng phê duyệt.
Tại 7 đơn vị trên, cũng theo quy định, phải chọn ngẫu nhiên tối thiểu 10% tổng số người có nghĩa vụ kê khai hằng năm tại mỗi cơ quan, tổ chức, trong đó phải có ít nhất một người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu.
Kế hoạch của Thanh tra Chính phủ xác định con số tuyệt đối là 30 người, gồm 8 ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 5 ở Bộ Tài nguyên và Môi trường, 5 ở Bộ Xây dựng, còn lại ở bốn đơn vị là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông, Tập đoàn Hóa chất mỗi đơn vị 3 người.
Việc bốc thăm, lựa chọn ngẫu nhiên sẽ được Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp UBKT Trung ương, Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng các đơn vị liên quan tiến hành. Cùng với đó, Tổng Thanh tra Chính phủ sẽ ra quyết định thành lập tổ xác minh và kế hoạch xác minh chi tiết…
Việc xác minh sẽ triển khai trong tháng 11 và tháng 12-2022. Nội dung xác minh tập trung vào hai vấn đề: tính trung thực, rõ ràng, đầy đủ của bản kê khai và tính trung thực trong bản giải trình về nguồn gốc của TSTN tăng thêm.
Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 có hiệu lực từ tháng 7-2019, với quy định rất mới là xác minh TSTN hằng năm dưới hình thức ngẫu nhiên, với những người có nghĩa vụ kê khai tài sản. Tuy nhiên, phải đến năm nay, nội dung này mới bắt đầu được triển khai.
Ở lần đầu tiên này, theo định hướng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các cơ quan kiểm soát TSTN đặt trọng tâm xác minh với những người có chức vụ, quyền hạn làm việc trong các lĩnh vực, các khâu, công việc nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực.
Danh sách được nêu ra là sáu lĩnh vực: đầu tư xây dựng; đấu thầu; tài chính ngân sách; quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; công tác tổ chức cán bộ; cấp phép, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng chống dịch COVID-19.
Khởi động xác minh tài sản, thu nhập, cả nước phát hiện 16 cán bộ kê khai chưa đúng quy định
08/09/2022
(PLO)- Thanh tra Chính phủ vừa có báo cáo đầu tiên về việc xác minh tài sản, thu nhập theo Luật Phòng chống tham nhũng 2018, theo đó cả nước phát hiện 16 cán bộ kê khai chưa đúng quy định.