“Một số trang thông tin tổng hợp, blog, mạng xã hội không thuộc đối tượng điều chỉnh của dự án Luật báo chí sửa đổi. Bởi thế nếu đưa vào thì vô hình trung hợp thức hoá nó, hợp thức báo chí tư nhân. Mà các trang thông tin đó phải được điều chỉnh trong luật khác. Tới đây chúng tôi sẽ có luật điều chỉnh riêng về trang thông tin tổng hợp, blog, mạng xã hội…”.
Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Bắc Son đã nói như trên khi trình bày dự án Luật báo chí sửa đổi trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp chiều nay 17-9.
Nhiều ý kiến tại UBTVQH cho rằng dự thảo Luật báo chí phải bắt kịp, đón đầu xu hướng thống lĩnh của báo điện tử. “Nhiều vấn đề đang thảo luận tại cuộc họp của Quốc hội, chỉ 10 phút sao báo điện tử đã đưa. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm chỉ 30 phút sau nhiều tờ báo điện tử đã đăng kết quả, có biểu đồ đánh giá. Xu hướng người dân tương tác trên báo điện tử ngày càng mạnh trong khi báo giấy rất chậm. Vì vậy cần có sự quan tâm đúng mức hơn đối với vấn đề này”, Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nói.
Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Bắc Son
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng cho rằng dự thảo luật phải quy định chặt chẽ để bảo vệ bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ đối với các tác phẩm báo chí, nhất là hiện trạng dẫn lại, sao chép tràn lan trên báo điện tử, trang mạng.
Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự thảo Luật báo chí (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban VHGDTTNNĐ Đào Trọng Thi nhấn mạnh: “Trong thời gian qua, loại hình báo điện tử phát triển mạnh mẽ với những đặc tính riêng, đòi hỏi phải có phương thức quản lý phù hợp. Theo đó, Thường trực UB VHGGTTNNĐ đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định cụ thể về loại hình này”.
Theo ông Thi, hiện các trang tin điện tử tổng hợp có tính chất tương tự như báo điện tử, hiện đang được Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Thông tư số 09/2014/TT-BTTTT điều chỉnh, trong đó quy định hồ sơ đề nghị cấp phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp phải có “văn bản chấp thuận của các tổ chức cung cấp nguồn tin để đảm bảo tính hợp pháp của nguồn tin” (điểm đ, khoản 1, Điều 6, Thông tư 09). Tuy nhiên, trên thực tế, ít có cơ quan báo chí nào cho phép một trang tin điện tử sao chép lại bài vở của họ.
Dự thảo Luật lần này đã mở rộng phạm vi điều chỉnh bao gồm cả trang tin điện tử tổng hợp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp… (khoản 21 Điều 4). Quy định này vô hình trung đã khuyến khích cách làm báo kiểu sao chép, hay nói cách khác là hợp pháp hóa việc xâm phạm bản quyền. Do vậy, Thường trực UB VHGDTTNNĐ cho rằng không nên quy định “trang tin điện tử tổng hợp” trong Luật, mà có thể tham khảo cách quản lý của nhiều nước là điều chỉnh hoạt động của các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội bằng Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Sở hữu trí tuệ v.v…