Trình bày tham luận, ông Nguyễn Đức Hải - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội - cho biết tín dụng chính sách xã hội đã góp phần thực hiện thành công 3 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; bảo đảm an sinh xã hội, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đề xuất Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm, ưu tiên, bố trí nguồn vốn để phát huy vai trò của Ngân hàng. Thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo.
Sau phần tham luận, tại phần trao đổi bàn tròn, lý giải nguyên nhân năng suất lao động Việt Nam vẫn còn thấp, TS. Nguyễn Lê Hoa - Trưởng phòng Nghiên cứu Năng suất của Viện Năng suất Việt Nam - cho rằng, tại Việt Nam, lao động lành nghề có kỹ năng cao vẫn còn thiếu hụt. Thành phần kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng lớn (46%) nhưng hầu hết là quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên khó có thể nâng cao năng suất lao động.
Ngoài ra, năng suất nội ngành chưa đạt được như kỳ vọng. Các ngành đóng góp cao vào GDP và sử dụng lao động cao thì mức năng suất còn thấp, tốc độ tăng trưởng chưa đạt như mong muốn. Vì vậy, các ngành chưa được tác động đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng năng suất chung.
Thời gian qua, đã có nhiều chính sách lớn trong việc nâng cao năng suất lao động nhưng quá trình thực thi chính sách còn chậm; các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp chưa có sự tham gia tích cực từ phía doanh nghiệp. Vì vậy, thời gian tới, các hoạt động thúc đẩy nâng cao năng suất lao động Việt Nam cần được triển khai mạnh mẽ hơn.
Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi) sẽ có 5 nhóm chính sách lớn
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi cho biết, việc sửa đổi Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) năm 2014 đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023-2024.
Nói về đối tượng sửa đổi, Thứ trưởng cho biết, Chính phủ đã đề xuất với Quốc hội bổ sung nhóm lực lượng lao động là chủ hộ gia đình. Hiện, có khoảng 2 triệu chủ hộ gia đình có đăng ký kinh doanh và có đóng thuế. Đồng thời bổ sung nhóm đối tượng quản lí Hợp tác xã và cơ sở kinh doanh; bổ sung nhóm chế độ hưu trí BHXH cho những người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên. Qua đó, giúp gia tăng độ bao phủ chính sách BHXH.
Liên quan đến vấn đề gia tăng rút BHXH một lần đang nhận được nhiều sự quan tâm, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho biết, rút bảo hiểm xã hội một lần là thực trạng hết sức day dứt.
Trong giai đoạn 2016-2022, số người rút BHXH một lần lên đến 3,5 triệu người và thường rơi vào các trường hợp đóng bảo hiểm dưới 5 năm (70%).
Lí giải về nguyên nhân, Thứ trưởng cho biết là do người lao động chưa nhận thức được hết vai trò của BHXH trong bảo đảm an sinh xã hội. Một nguyên nhân khác được Thứ trưởng nhắc đến là do người lao động có thu nhập thấp, tích luỹ thấp, khi mất việc làm thì họ cần một khoản tiền để giải quyết những khó khăn trước mắt.
Nhiều khi người lao động có những khó khăn, họ xin rút bảo hiểm xã hội trong khi số tiền không lớn. Đóng 5 năm thì số đó chỉ bằng 5-10 tháng lương, nhân ra chỉ khoảng 25-30 triệu.
- Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi
Về các giải pháp trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho rằng, Nhà nước cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động về BHXH. Bên cạnh đó, có các chính sách để tăng tính hấp dẫn của BHXH; các chính sách hỗ trợ tạm thời cho người lao động trong các hoàn cảnh khó khăn trước mắt.
Đáng chú ý, theo Thứ trưởng Hồi, có 5 nhóm chính sách lớn trong Luật BHXH (sửa đổi) trình lên Quốc hội. Đó là sửa đổi quy định mức đóng, mức hưởng BHXH, quy định thu - chi Quỹ BHXH; giải quyết việc trốn đóng BHXH; giải quyết việc rút BHXH một lần; cải cách hệ thống BHXH một cách hiệu quả hơn, công khai, minh bạch hơn; quy định về đầu tư an toàn, hiệu quả của Quỹ BHXH trong tương lai.
Kết luận phiên chuyên đề 2, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho biết, BTC sẽ tiếp nhận những khuyến nghị, góp ý để hoàn thiện việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới.