Ứng phó linh hoạt để lội ngược dòng thành công về kinh tế

(PLO)- Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng đã gợi ý một số nội dung tại Diễn đàn kinh tế hôm nay.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 19-9, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 chính thức khai mạc, đồng thời tiến hành thảo luận Chuyên đề 1 với chủ đề “Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó”.

Cần có biện pháp ứng phó linh hoạt để lội ngược dòng thành công

Phát biểu đề dẫn tại phiên khai mạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nhận định, Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2023 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Nền kinh tế Việt Nam từng bước phục hồi song đang đứng trước nhiều thách thức lớn, đòi hỏi cần có biện pháp ứng phó linh hoạt để lội ngược dòng thành công.

nxt.jpeg
Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng phát biểu đề dẫn. Ảnh: Quochoi.vn

Khẳng định nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về tỉ giá, đứt gãy chuỗi cung ứng, lao động trong nhiều năm. Trong khi đó các vấn đề như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, chứng khoán bộc lộ rõ hơn trong đại dịch COVID-19. Thanh khoản thị trường tiền tệ bị ảnh hưởng...

Ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất, song, phải thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc không thể khắc phục "một sớm một chiều".

Để xác định kịch bản tăng trưởng trong thời gian tới, ông Thắng đề nghị các đại biểu thảo luận, tìm ra giải pháp thực tiễn, khả thi nhằm khôi phục các động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.

Một là, đánh giá đầy đủ và chủ động khôi phục tiêu dùng trong nước.

Theo ông, ngay cả khi đại dịch đã đi qua, đời sống của một bộ phận người dân vẫn còn rất khó khăn, nhất là khi công nhân tiếp tục bị cắt giảm việc làm và người dân tại các vùng miền chịu tác động của tình hình thời tiết cực đoan, thiên tai, bão lũ phức tạp, có nguy cơ bị trắng tay.

Trong khi đó, làn sóng bùng nổ tiêu dùng và dịch vụ của tầng lớp trung lưu sau đại dịch đã chững lại bởi người dân cân thận trọng trong chi tiêu. Cộng thêm, thị trường bất động sản đóng băng, thị trường chứng khoán đi xuống khiến các tầng lớp nhân dân, nhất là tầng lớp trung lưu đã chủ động hạn chế chi tiêu với tâm thế đề phòng rủi ro.

"Cần đẩy nhanh sự hồi phục của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu và thị trường bất động sản để có tác động lan toả, tạo tín hiệu tích cực, lập lại niềm tin giúp tăng tiêu dùng và đầu tư", ông Thắng nhấn mạnh.

nxt1.jpeg
Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2023 tổ chức sáng 19-9. Ảnh: Quochoi.vn

Hai là, khôi phục dòng vốn đầu tư.

Trong nửa đầu năm 2023, quy mô vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế đều tăng, song vốn đầu tư công tăng mạnh nhất, còn vốn đầu tư của khu vực FDI và khu vực kinh tế ngoài nhà nước có mức tăng trưởng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình giải ngân vốn đầu tư công tuy được cải thiện ít nhiều nhưng còn rất chậm, thực trạng "có tiền nhưng không tiêu được" vẫn phổ biến đối với các dự án cả ở trung ương và địa phương, tạo ra những hệ lụy dây chuyền, ảnh hưởng trực tiếp đến động lực đầu tư của khu vực tư nhân.

Theo ông Thắng, chính sách tiền tệ có những giới hạn, càng không được lạm dụng khi dư địa để điều hành chính sách tiền tệ không còn nhiều, nhất là khi mặt bằng lãi suất không còn là "cứu cánh" cho doanh nghiệp.

Điều này đòi hỏi phải chuyển hướng tập trung ưu tiên chính sách tài khóa, kết hợp triển khai chính sách tiền tệ và tài khóa một cách đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, để hướng dòng vốn vào những lĩnh vực có khả năng sớm phục hồi và phát triển.

Ba là, tháo gỡ những khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Trải qua gần 3 năm chống chọi với đại dịch, nguồn lực của các doanh nghiệp đã bị suy kiệt. Cùng với đó, những biến cố gần đây trên thị trường tiếp tục bào mòn niềm tin, tinh thần và ý chí sản xuất, kinh doanh. Quốc hội, Chính phủ đã khẩn trương ban hành nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ những rào cản, khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Theo ông Thắng, điều quan trọng là cần tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, đưa những chính sách, giải pháp này vào cuộc sống.

Một mặt, cần thống nhất cách hiểu và quy trình để hạn chế sự tùy tiện trong thực thi. Mặt khác, cần làm rõ nguyên nhân và có giải pháp khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai dẫn đến sự chậm trễ trong thực thi công vụ.

Theo ông Thắng, Diễn đàn kinh tế - xã hội năm 2023 không chỉ bàn về những vấn đề trước mắt, mà sâu xa hơn là để đặt cơ sở cho việc giải quyết những vấn đề trung hạn và lâu dài.

“Vấn đề quan trọng mà Diễn đàn nêu ra là nâng cao năng suất lao động. Đây là phương thức căn bản nhất để Việt Nam hiện thực hoá mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững, bởi điều này gắn liền với việc khởi tạo hai quá trình chuyển dịch cơ bản của nền kinh tế, bao gồm: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo hiệu ứng kinh tế quy mô.”

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm