Sáng 2-3, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng đã tổ chức tiếp xúc cử tri TP để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 11, khóa XIII.
Tại cuộc tiếp xúc, cử tri TP Đà Nẵng đã đưa ra nhiều vấn đề khá nóng hiện nay đang được dư luận cả nước quan tâm.
Resort chứ đâu phải cây kim
Cử tri Phạm Minh Thông (phường Mỹ An, quận Sơn Trà) cho rằng QH vẫn chỉ nhìn nhận vấn đề chủ quyền quốc gia ở góc độ an ninh biên giới mà chưa có tiếng nói nặng ký về Hoàng Sa-Trường Sa.
“Cử tri chúng tôi yêu cầu cần phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn về chủ quyền của chúng ta đối với Hoàng Sa-Trường Sa. Quốc hội khóa XIV tới cần làm mạnh và kiên quyết hơn với chủ quyền của chúng ta tại Hoàng Sa” - cử tri Thông nhấn mạnh.
Các vụ việc về xây dựng trái phép tại Vườn quốc gia Ba Vì, Luật Biểu tình, chủ quyền Hoàng Sa được các cử tri đề cập trong cuộc tiếp xúc sáng 2-3. Ảnh: Lê Phi
Cử tri Thông cũng lưu ý tới việc quản lý người nước ngoài tại TP Đà Nẵng bởi hiện tại nơi ông ở có rất nhiều người nước ngoài sinh sống xung quanh. Cá biệt vừa qua còn xảy ra vụ án mạng liên quan đến người nước ngoài.
Nhiều cử tri bức xúc trước việc các cơ quan chức năng của TP Hà Nội và Bộ NN&PTNT để xảy ra sự việc xây dựng resort tráng lệ trong Vườn quốc gia Ba Vì mà không hề hay biết. “Quản lý như thế sao được, việc xây dựng biệt thự, hồ bơi và các công trình hoành tráng trái phép trong vùng lõi Vườn quốc gia Ba Vì đâu phải là cây kim mà không biết. Cái này là do không có sự giám sát” - cử tri Thông nhấn mạnh.
Ông Thông đề nghị thêm: “Luật Biểu tình bị gác lại là rất đáng buồn. Biểu tình là thể hiện sự dân chủ và đã được quy định trong Hiến pháp. Chúng ta có quân đội, công an trong tay mà sao lại phải sợ, cứ hô hào mấy khóa rồi lại bị gác. Tôi đề nghị QH sớm thông qua Luật Biểu tình”.
Chi phí cho một ĐBQH rất tốn kém
Trả lời ý kiến của cử tri, ông Huỳnh Nghĩa (Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng) cho rằng công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) có tiến bộ nhưng làm chưa đến nơi đến chốn. Dù đã thành lập cả ban nội chính nhưng theo nhìn nhận của ông, chống tham nhũng chưa quyết liệt, tài sản thu hồi được còn rất ít. Những vụ án tham nhũng ở địa phương được báo cáo cũng rất ít, án lớn thì xét xử kéo dài.
Ông Nghĩa lấy ví dụ, riêng vụ việc tại Sân vận động Chi Lăng của Tập đoàn Thiên Thanh sau khi ông Phạm Công Danh (chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Thanh) bị bắt 2-3 năm nay vẫn chưa xử được.
Giải pháp để PCTN theo ông Nghĩa là cần phải có một “đội quân đặc biệt” thì may ra mới có kết quả. “Ủy ban kiểm tra của Trung Quốc có thể xử lý được cả ủy viên Bộ Chính trị nếu dính tham nhũng. Họ làm được sao ta không làm được?” - ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa cũng cho rằng với tình trạng cơ cấu như hiện nay thì QH sẽ không thể mạnh lên được. Cơ cấu nhiều nhưng ĐB ra QH ngồi thu lu thì chỉ tốn tiền bạc nhân dân. Để có được một vị ĐBQH rất tốn kém. Ông nhẩm tính gồm cả chi phí cho lực lượng bảo vệ, khách sạn, xe cộ đưa đón, ban bệ đi cùng đoàn… Trong khi đó có những vị ĐBQH phát biểu không hề có tính phản biện, chỉ là lên truyền hình để dân biết mình cũng có… đi dự.
Cử tri Đà Nẵng đặt ra nhiều câu hỏi đang được dư luận quan tâm. Ảnh: LÊ PHI
Ông thẳng thắn nói: “Đã là ĐBQH thì phải nói, phải phản biện và không sợ đụng chạm. Nếu không phản biện sao QH mạnh lên được”. Ông Nghĩa ví dụ vừa qua QH bỏ phiếu tín nhiệm là mạnh dạn không sợ đụng chạm. Sau khi bỏ phiếu, một số lãnh đạo bộ/ngành có phiếu tín nhiệm rất thấp nhưng sau đó những người này sửa chữa, làm việc năng nổ được tín nhiệm rất cao.
Phải kiên quyết về chủ quyền
Về vấn đề chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa, ông Huỳnh Nghĩa cho hay hiện tại Trung Quốc đã xây dựng cả sân bay, đưa khí tài quân sự và máy bay ra Hoàng Sa. Các cơ quan chức trách của chúng ta đã đấu tranh, phản đối rất kiên quyết với việc làm này của họ.
“Chúng ta đã đấu tranh rất mạnh mẽ không nhân nhượng một tấc đất của Tổ quốc. Chúng ta đấu tranh bằng phương pháp hòa bình, đấu tranh bằng pháp lý trên diễn đàn quốc tế. Bây giờ mình cũng phải tiếp tục đấu tranh để đòi lại bằng được Hoàng Sa thì thôi. Đà Nẵng đã có Chủ tịch Hoàng Sa rồi và tới đây HĐND TP Đà Nẵng sẽ có cả đại biểu của huyện Hoàng Sa nữa. Chúng ta không bỏ rơi một tấc đất nào của Hoàng Sa cả” - ông Nghĩa nhấn mạnh.
Về Luật Biểu tình bị gác, ông Nghĩa phân tích Luật Biểu tình là đòi hỏi chính đáng của người dân. Cái quan trọng là luật cần phải làm chặt chẽ, chắc chắn, đầy đủ rồi mới đưa ra bàn. Việc tạm gác Luật Biểu tình là vì Ủy ban Thường vụ QH xét thấy Chính phủ làm luật chưa đầy đủ nên yêu cầu làm lại. Làm luật thì không thể qua loa, Luật Biểu tình là vì lợi ích nhân dân chứ không phải vì một nhóm đối tượng nào.