Lý do được đưa ra là dự án luật này đã lùi quá nhiều lần và bây giờ lại xin lùi mà chả “hứa hẹn ngày trở lại”. Trong khi đó, Bộ Chính trị và QH đã quyết đưa dự án Luật Biểu tình vào chương trình làm luật của khóa này.
Còn nhớ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 30-12-2014 với chuyên đề về xây dựng pháp luật, trước một số ý kiến đề xuất rút dự án Luật Biểu tình ra khỏi chương trình xây dựng luật và pháp lệnh khóa XIII và chương trình năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu những cái đã có trong chương trình phải tập trung hoàn thiện để trình QH theo đúng yêu cầu về thời gian quy định. Còn nếu muốn rút phải đủ lý lẽ và thuyết phục.
Thủ tướng còn nêu rõ: Hiến pháp quy định người dân có quyền biểu tình, đồng thời cũng quy định việc hạn chế quyền của người dân phải do luật định nhưng hiện mới có nghị định của Chính phủ quy định.
Từ đó đến nay đã hơn một năm và sau hơn một năm đó, Chính phủ vẫn chưa có câu trả lời một cách cụ thể là khi nào mới có thể trình được dự án luật này.
Cũng phải nói thêm rằng quyền biểu tình của người dân đã được Hiến pháp 1992 nêu rõ tại Điều 69 và tiếp tục được hiến định ở Điều 25 Hiến pháp 2013. Hai Hiến pháp này cách nhau hơn 20 năm. Ấy vậy mà đến nay, việc thể chế hóa quyền này của người dân vẫn có khả năng tiếp tục lỡ hẹn.
Lý do tại sao lùi tất nhiên là có rất nhiều. Nhưng có một điều ông Nguyễn Sinh Hùng nói rất đúng là cái gì QH đã quyết thì phải thực hiện. Bởi QH sẽ phải giải thích thế nào trước nhân dân - những người bầu và trao quyền lực lại cho mình nếu những nội dung mà cơ quan này đã quyết mà cứ khất tới khất lui không thực hiện. Sự quyết liệt của ông Hùng và Thường vụ QH không chỉ nhằm đảm bảo hiệu lực cho những gì cơ quan này đã quyết mà còn đảm bảo sự tôn nghiêm của QH với tư cách là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của quốc gia.