Luật Chuyển đổi giới tính sẽ được đưa vào chương trình làm luật của Quốc hội

(PLO)- Đại biểu Nguyễn Anh Trí bước đầu bảo vệ thành công sáng kiến lập pháp và Thường vụ Quốc hội đồng ý trình QH xem xét, quyết định đưa dự án luật này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đề nghị xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đưa vào chương trình phiên họp thứ 23, và trong buổi làm việc hôm nay (12-5), Thường vụ QH đã đồng thuận để trình QH xem xét, quyết định đưa hồ sơ dự án luật này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Nếu QH kỳ họp tháng 5 này đồng ý thì ĐB Nguyễn Anh Trí sẽ có nguồn lực để rà soát các luật có liên quan, xây dựng dự thảo Luật Chuyển đổi giới, để trình QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2025).

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí

ĐB QH Nguyễn Anh Trí. Ảnh: PHẠM THẮNG

Như PLO đã giới thiệu, ĐBQH Nguyễn Anh Trí đã tiếp nhận hỗ trợ từ Bộ Y tế - cơ quan theo đuổi mục tiêu xây dựng một luật chuyên về chuyển đổi giới tính, và từ đó đã có điều chỉnh sáng kiến lập pháp của mình. Ban đầu, ông Trí đề xuất làm Luật Bản dạng giới, nay điều chỉnh thành Luật Chuyển đổi giới tính, với phạm vi điều chỉnh hẹp hơn.

Với tinh thần phối hợp ấy, Bộ Y tế "đóng băng" đề xuất xây dựng luật của mình để tập trung hết nguồn lực cho sáng kiến lập pháp của ĐBQH, Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Anh Trí.

Bảo vệ trước Ủy ban Thường vụ QH hôm nay, ông Trí cho biết hồ sơ dự thảo luật đã được điều chỉnh, thay đổi khoảng 60% so với hồ sơ Luật Bản dạng giới cũ. Thay vì tiếp cận theo hướng "bản dạng giới" - tức quyền tuyệt đối của mỗi người về cảm nhận giới tính, có thể là nam, nữ hoặc giới tính thứ ba nào đó, tờ trình mới trở về với với hai giới nam, nữ, phù hợp với nhận thức truyền thống của xã hội.

Ngoài ra, luật sẽ chỉ giải quyết nhu cầu cấp bách của những người chấp nhận can thiệp y học để trở về với giới tính thật của mình. Và trong đời chỉ được chuyển đổi giới một lần, thay vì hai như đề xuất trước đây ở sáng kiến Luật Bản dạng giới.

Thẩm tra dự án Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị dự thảo luật cần thể hiện rõ hơn mức độ can thiệp y học như là điều kiện để chuyển đổi giới tính. Chẳng hạn, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên, can thiệp y học có thể là phẫu thuật nhưng cũng có thể được thực hiện bằng việc sử dụng hormone hoặc can thiệp y học khác.

Ngoài ra, phía cơ quan thẩm tra cũng đề nghị ĐB Nguyễn Anh Trí hoàn thiện các giải pháp để công nhận giới tính mới cho những người trên thực tế đã thực hiện can thiệp y học để chuyển giới trước khi Luật Chuyển đối giới tính được QH ban hành và có hiệu lực.

Cho ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định cho biết Chính phủ vừa có hai văn bản cho ý kiến vào hồ sơ xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính của ĐB Nguyễn Anh Trí.

Theo đó, Chính phủ đồng ý để Bộ Y tế và các cơ quan liên quan chuyển toàn bộ hồ sơ, đề cương Luật Chuyển đổi giới tính, để ĐB Trí thực hiện quyền sáng kiến pháp luật của mình.

Một vấn đề phải cân nhắc về mặt chính sách là tác động của luật này. Ông Định dẫn thông tin của Bộ Y tế cho biết hiện chưa thể thống kê số người ở Việt Nam có nguyện vọng chuyển đổi giới tính nhưng tỉ lệ này trên thế giới là 0,3-0,5%.

"Nếu tính theo tỉ lệ trên, Việt Nam hiện có 300.000- 500.000 người có nguyện vọng chuyển đổi giới tính. Nếu luật tác động đến số người này thì không phải lớn" - Phó Chủ tịch QH nói.

Nhóm tham mưu giúp việc cho ĐBQH Nguyễn Anh Trí cho biết với kết quả bảo vệ thành công sáng kiến luật của mình trước Ủy ban Thường vụ QH, ĐB Trí sẽ còn phải tiếp tục hoàn thiện hồ sơ của mình. Theo cách này, khi được ban hành Luật Chuyển đổi giới tính sẽ giúp cụ thể hóa, đưa quy định tại Điều 37 Bộ luật Dân sự vào vận hành trong cuộc sống.

Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

Điều 37 Bộ luật Dân sự

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm